Tất nhiên ông Phú quê ở Phú Yên. Từng là cộng tác viên ruột suốt 35 năm của báo Tiền Phong. Là đại tá an ninh, nhà văn nhà báo, nhà nhiếp ảnh, doanh nhân thành đạt đang là chủ cơ ngơi Tập đoàn Sao Việt ở đất Tuy Hòa. Và cái chức sau cùng hiện ông đương là Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển trực thuộc Liên Hiệp Hội KHKT Việt Nam. Tất tật đều… trúng cả!
Chuyện về ông thì vô khối. Mà thứ nào cũng có thể dài dài, lai rai, bắt tai. Như cái chuyện họ Trình của ông chẳng hạn? Nhiều người thoạt nghe cứ ngỡ họ Trình là họ Trịnh. Như cái tên cái ông tướng Trình Minh Thế từng được đặt cho một cây cầu lớn ở Sài Gòn. Thế mà một dạo cứ quen gọi quen lẫn quen nghe, rồi quen viết cứ ngỡ Trịnh Minh Thế?!
Chuyện họ Trình của ông, khiến tôi háo hức tìm về đất Hà Châu của Hà Trung Thanh Hóa cứ ngỡ đâu mình đã quen đã thuộc cái đất cố hương lẫn quý hương này. Thế mà vẫn cứ ngỡ ngàng trước vùng đất phát tích của một tộc phả họ Trình cùng đền thờ cụ Trình Minh gần như thủy tổ họ Trình Việt Nam nguyên ủy là tướng tâm phúc của Đinh Bộ Lĩnh thưở xưa.
Nhưng trên hết, thứ khó dứt ra khi cùng mặn chuyện với ông có lẽ là cái duyên với giới văn nhân Việt.
Một chiều thu năm 1959. Thuyền của đoàn khảo sát địa chất chở kỹ sư Nguyễn Cảnh Dinh (sau này là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) cùng anh cán bộ trung cấp trẻ măng Trình Quang Phú còn có tên là Hồng Phú cặp bến Nậm Muk gần bến Tạ Bú Sông Đà của Sơn La, tình cờ ghé bên thuyền chở đoàn nhà văn Hà Nội đi thực tế Tây Bắc. Đoàn nhà văn có một vị đứng tuổi, tóc hoa râm, kính trắng, đủng đỉnh khoan thai… Người ấy là Nguyễn Tuân. Chiều bến Nậm Mưk có ngàn lau gù lưng soi bạc nước sông Đà, bên nồi thịt kỳ đà mà Hồng Phú cất công nấu để đãi mấy ông nhà văn trong đó có Nguyễn Tuân mà Hồng Phú vốn rất hâm mộ, Nguyễn Tuân đã phải bao lần dừng đũa để gióng cổ lên nghe các cán bộ địa chất kể về huyền thoại thủy quái sông Đà sẽ bị chịt cổ bị chinh phục chính nơi đây bởi nấc thang năng lượng thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, công trình thủy điện Sơn La sau này.
Gặp. Những chuyện không đầu không cuối. Rồi thân, gần. Có chuyến công tác Hồng Phú từ Tây Bắc xuôi Hà Nội đến nhà Nguyễn Tuân, thảy cái ba lô nặng chịch những mẩu đá địa chất, đưa cho nhà văn cái kính lúp để cái ông nhà văn tọc mạch ham chuyện lạ này thỏa sức soi chiếu và bật lên những rên rỉ ngạc nhiên khó kìm! Ông Nguyễn hé ra với tư cảnh, ấy là đang phải bồi bổ tư liệu để có cái… phả hệ đá trong công trình biên khảo về sông Đà! Và cũng được nhà văn khuyến khích, chàng trai Hồng Phú năm 1963 đã nhập tịch vào làng viết Việt với phóng sự 3 kỳ đoạt Giải nhất trên Báo Cứu Quốc viết về nghề địa chất.
Chắc phải đủ độ thân, gần nào đó thì ông Nguyễn mới thi thoảng rước Hồng Phú về căn phòng chật ở đường Trần Hưng Đạo nghỉ lại mỗi khi anh ghé Thủ đô. Hồng Phú ngạc nhiên nghe ông Nguyễn thì thào không có bà í là tôi mờ u mu huyền mù. Trong cái nhà này cái gì cũng nhất nhất là bà í. Thắp cây đèn dầu trong lúc mất điện, tôi xin thua. Còn cái chuyện tem phiếu tôi đành chết đói chứ không thể biết cái tem gì mua thứ gì… Ấy là cụ Nguyễn đang bỏ nhỏ với Phú về bà vợ cụ!
***
Bây giờ ra Cô Tô ngắm con đường đẹp trên đảo mang tên Nguyễn Tuân. Nhà văn Nguyễn Tuân ra Cô Tô chỉ một lần. Và chỉ có mỗi một bài ký trên báo Văn Nghệ. Vậy mà hai sự kiện ấy đã nhen nhóm lên duyên lên cơn cớ để bầu nên con đường Nguyễn Tuân hôm nay. Tôi cố hỏi, cố lục trong những hồi ức ghi chép này khác nhưng tịnh không có chữ nào về cái chuyến đi của nhà văn Nguyễn Tuân ra Cô Tô ấy cả. Mà có lẽ duy nhất chỉ có một người hiện còn rành rẽ ký ức về chuyến đi thực tế ấy của Hội nhà văn. Đó là Trình Quang Phú.
Danh sách đi thực tế từ Hải Phòng ra Hải Ninh rồi vòng về Cô Tô năm xa ấy của Hội nhà văn Việt Nam có cả thảy 25 người. Nguyễn Đình Thi làm Trưởng đoàn nhưng mắc bận đột xuất. Hằng Phương mệt không đi được. Còn lại là Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Kiên, Mai Ngữ, Trần Thanh Địch, Nguyễn Hải Trừng, Xuân Hoàng, Xuân Tửu, Nguyễn Viết Lãm, Cẩm Lai, NS Phan Huỳnh Điểu… Anh phóng viên Trình Quang Phú khi đó mới 23 tuổi nhưng được mọi người nhất trí bầu làm… trưởng đoàn phần vì Phú thông thạo hải trình chuyến thực tế lại là người phải lo việc ăn ở đi lại chương trình làm việc cho cả đoàn. Phần nữa vì thấy nhà văn cao niên Nguyễn Tuân khá cưng chiều anh viết trẻ Hồng Phú?
Đoàn thăm Đồ Sơn, HTX Duyên Hải, đoàn tàu đánh cá Hạ Long, thăm Bái Tử Long rồi ra Móng Cái. Đêm Trà Cổ Xuân Diệu kéo Phú ra Mũi Ngọc ngắm trăng. Phú tò mò ngỡ ngàng ngắm Xuân Diệu thích thú húp soàn soạt những con sò nướng, giống sò huyết Móng Cái. Rồi đoàn lên tàu đi Cô Tô. Cái đêm bão Cô Tô mà Nguyễn Tuân tả khá sinh sắc trong bài ký nhưng có chi tiết nhà văn lờ đi là Nguyễn Tuân đã nèo bằng được Trình Quang Phú nhờ người bên bưu điện nối máy để một lúc ông gọi cho hai thành viên trong chuyến đi (khi đó ở hai hòn đảo) là nữ sĩ Vân Đài và Anh Thơ để chia sẻ với họ cảm giác bão biển!
Trình Quang Phú và thi sĩ Xuân Diệu năm 1981
Bút tích của Xuân Thủy với Trình Quang Phú
Những ngày cuối đông năm 1972, bom Mỹ hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai. Phóng viên Trình Quang Phú đến tác nghiệp thì tình cờ gặp GS Trần Hữu Tước đang đứng với nhà văn Nguyễn Tuân giữa những đổ nát tơi bời. Chợt Nguyễn Tuân ngừng lời moi trong đống gạch một mẩu cây. Đó là chút hình hài sót lại của giò lan Tỳ bích hồng của GS Tước vẫn treo ở cửa sổ bị mảnh bom phạt tung tóe đêm qua. Nhà văn đưa cho Phú hai mẩu lan còn dính tý gốc dặn mang về cố chăm cho nó sống… Lãnh sứ mạng vì cái Đẹp, cái Thiện ấy, Hồng Phú đã cố gắng chăm bẵm… Đến mùa xuân năm sau, hai mẩu lan ấy đã thành một giò bung được ba nụ hoa. Nhà văn vui sướng khi thấy Hồng Phú mang thứ vưu vật tưởng nát vì bom đã bất ngờ hồi sinh! Rồi cả hai hớn hở mang tặng lại GS Tước!
Không dày và xôm tụ lắm những lần gặp. Nhưng đận nào gặp, những mảng miếng bên lề chuyện về các văn nhân Việt, chuyện về anh thanh niên Hồng Phú tập kết được tổ chức, đoàn thể tin cậy bố trí phân công nhiều, rất nhiều vị trí, công việc khác nhau đã choán, đã khấu đi kha khá thời giờ. Chuyện Trình Quang Phú từng có mặt ở phái đoàn của bà Bình ở Ba Lê làm sứ giả hòa bình ngoại giao đi khắp Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh. Và có những thời khắc tôi đâm bối rối trước bộ sưu tập ảnh và các bút tích khá tày tặn của ông. Những tấm ảnh đen trắng của tay máy Trình Quang Phú hàng chục năm giời vẫn sắc nét về nhiều nhân vật lẫn sự kiện. Ảnh Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Võ An Ninh, Trần Độ… kèm bút tích của các đấng ấy khi họ khi tặng sách khi trao đổi công việc với ông. Mỗi một tấm hình, một trạng huống bút tích, một lưu bút là cả một câu chuyện thú vị. Quý hiếm bởi tất cả tác giả những lưu bút ấy đã là người của muôn năm cũ? Là quá vãng đáng nhớ ấy giờ chỉ còn nhõn mỗi ông là người trong cuộc? Và nữa, không phải ai cũng có được cái duyên như ông? Vậy nên nó gợi ra bao điều tò mò và khám phá. Nói bối rối là vì thế…
Thành thử nên tôi chưa lần nào ngọn ngành được với ông cái chức Viện trưởng Viện nghiên cứu Phương Đông trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam mà ông đảm nhận suốt nhiều năm nay. Vậy nên cũng chỉ biết loáng thoáng Viện có Hội đồng khoa học gồm 18 vị là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thạc sĩ tên tuổi của quốc gia và quốc tế, có người từng là Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ. Viện Hợp tác với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu ở Nga, Pháp, Singapore, Úc, trong nước để nghiên cứu khoa học, đào tạo và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học. Trong 15 năm, Viện đã tổ chức 32 cuộc hội thảo, trong đó có 11 cuộc hội thảo quốc tế với các nội dung gắn với phát triển đất nước như: Kinh tế trí thức; Xã hội hóa giáo dục đào tạo ở Việt Nam; Cơ chế phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững vv… Đã có gần 500 nhà đầu tư nước ngoài được Viện tư vấn và hỗ trợ kiến thức pháp luật đầu tư của Việt Nam và Viện đã đưa được 30 dự án vào đầu tư ở Việt Nam trong đó có dự án có vốn đầu tư 1 tỷ USD vv…
Vậy nên đang phập phồng với lời hẹn mấy bữa nữa, Viện trưởng Trình Quang Phú sẽ tổ chức dịp kỷ niệm 18 năm ngày ra đời Viện nghiên cứu ngay tại quê hương ông đất Phú Yên cũng tại đại bản doanh Tập đoàn Sao Việt. Chợt nhớ với riêng Phú Yên quê nhà, Viện đã từng đưa hàng trăm Giáo sư, Tiến sĩ của trên 30 quốc gia về để làm cái việc khơi nguồn trí thức, nghiên cứu đầu tư nhiều lĩnh vực trong đó mũi nhọn góp phần quảng bá Phú Yên phát triển du lịch.
Dịp ấy có lẽ phải cất công làm phiền Tiến sĩ họ Trình cùng phu nhân của ông bà Kim Hương hiện là thư ký Hội đồng khoa học của Viện cho ra nhẽ?