Người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ là tổng giám đốc?

Các phóng viên tác nghiệp tại thực địa khu vực giàn khoan 981
Các phóng viên tác nghiệp tại thực địa khu vực giàn khoan 981
TPO - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có báo cáo tiếp thu các ý kiến, giải trình về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Ban soạn thảo đồng tình ý kiến quy định chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc, thay vì chức danh tổng biên tập.

Tổng biên tập chịu trách nhiệm chủ yếu về nội dung

Trong dự thảo tờ trình Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được gửi tới Chính phủ xin ý kiến, Bộ TT&TT cho biết, quy định chức danh người đứng đầu, tổng biên tập cơ quan báo chí hiện đang có 2 loại ý kiến. Sau khi tiếp thu, Bộ giữ nguyên quan điểm quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc.

Theo Bộ TT&TT, hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện 2 hoặc 3 loại hình báo chí, nhiều cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí. Thời gian tới, khi thực hiện quy hoạch báo chí, việc thu gọn đầu mối các cơ quan báo chí sẽ làm tăng số lượng cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Hiện tại, người đứng đầu cơ quan báo chí vừa chịu trách nhiệm về nội dung, vừa lo kinh tế báo chí nên rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Vì vậy, dự luật quy định, người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc chịu trách nhiệm chung và có thể kiêm nhiệm tổng biên tập một hoặc một số ấn phẩm, kênh, ban chương trình; tổng biên tập chịu sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm chủ yếu về nội dung của sản phẩm báo chí.

Thông tin “gây hiểu lầm” cũng phải cải chính

Theo góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT đưa ra quy định chặt chẽ hơn về việc báo chí theo dõi, đưa tin các vụ án: “Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; thông tin không được quy kết tội danh”.

Việc bổ sung quy định này, theo Ban soạn thảo, không chỉ làm giảm áp lực đối với cơ quan tố tụng mà còn giúp đỡ rất nhiều cho bị cáo, thân nhân, gia đình bị cáo khỏi những áp lực tâm lý từ xã hội, cộng đồng.

Về vấn đề phản hồi thông tin trên báo chí, TTXVN đề nghị bổ sung quy định “thông tin gây hiểu lầm” cũng phải cải chính trên báo chí. Tiếp thu ý kiến trên, Ban soạn thảo đã bổ sung vào Khoản 1, Điều 43 của dự luật…

Bộ TT&TT cũng đồng ý với ý kiến cơ quan báo chí sẽ hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, hoặc kinh doanh có điều kiện. Điều này sẽ giải quyết được thực tế là nhiều cơ quan báo chí khi muốn thực hiện trả lương theo cơ chế doanh nghiệp nhưng khi thực hiện nghĩa vụ thuế lại muốn thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp. Bộ cũng bác bỏ ý kiến của Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa cho rằng “Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương”, vì luật không thể quy định đến cấp sở.

MỚI - NÓNG