Đa số đều dùng chúng vào những việc từ kiểm tra thư điện tử, viết email, chat, lướt web, tham gia mạng xã hội, kiểm tra tài khoản cho đến hẹn hò yêu đương… Thất lạc, đánh rơi một chiếc smartphone gắn bó bao lâu nay với đủ loại thông tin từ danh bạ điện thoại, địa chỉ email bạn bè, thông tin cá nhân, thậm chí là cả password đủ loại… hay những bức thư mùi mẫn, những đoạn clip “nhạy cảm” tự quay trong những lúc “cao hứng” là chuyện rầy rà to.
Và giờ đây, cho dù chiếc điện thoại thông minh của bạn có đang nằm ngay trên mặt bàn trước mặt thì cũng khó mà đảm bảo những thông tin cá nhân mà nó chứa đựng không bị rò rỉ, bị đánh cắp mà chủ nhân không hề hay biết.
Điều đáng lo là nhà nhà dùng điện thoại thông minh, người người đua nhau sắm iPhone nhưng đa số đều không nắm hết những tính năng của smartphone, đừng nói đến việc tạo hàng rào bảo mật cho chiếc điện thoại chứa đầy những thông tin cần giữ bí mật.
Chiếc điện thoại của bạn có thể trở thành “tên gián điệp” cho kẻ xấu chỉ qua một hai lần cho mượn điện thoại “nghịch chơi”, kết nối với máy tính đã bị nhiễm mã độc hoặc chỉ một lần vào tải game ở một tiệm điện thoại ven đường nào đó.
Rõ ràng đây là cuộc đấu không cân sức giữa một bên là đa số người dùng ngơ ngác với công nghệ lại đứng ngoài sáng, trong khi phía bên kia là những kẻ am tường, những chuyên gia công nghệ đứng trong bóng tối với ý đồ xấu. Người ta có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác vào rất nhiều mục đích hoặc để kiếm lời, hoặc để gây hại.
Khi một vụ nghe lén bị phát hiện, kẻ xấu sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để ngăn chặn hành vi này diễn ra, người tiêu dùng khó có thể trông chờ vào ai ngoài bản thân mình. Vấn đề ở đây chính là ý thức của người dùng.
Các chuyên gia từng nói nhiều lần, rằng không quá khó để phòng trừ nguy cơ bị nghe lén. Nhưng có lẽ chỉ khi công an khui ra vụ phần mềm Ptracker của công ty Việt Hồng ở Hà Nội, nhiều người dùng smartphone mới giật mình.
Chuyện điện thoại thông minh bị nghe lén một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của cái việc rất đơn giản và luôn đúng nhưng rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường ào ào lướt qua là “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, nhất là trong thời đại của thế giới ảo.