Người đưa tranh bướm chu du

Nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh.
Nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh.
TP - Không phải người Việt Nam đầu tiên đưa bướm vào tranh, nhưng điểm danh những người đang gìn giữ và tạo nên sức sống mạnh mẽ của dòng tranh bướm mang màu sắc Việt hiện nay, không thể không kể đến  nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh của xứ B’Lao.

Khởi nghiệp từ giấc mơ cánh bướm

B’Lao là tên gọi cũ của Bảo Lộc, Lâm Đồng, một vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu, chăm tằm, dệt lụa. Sau năm 54, dân miền Bắc vào đây lập nghiệp rất nhiều, trong số đó có ông bà của Nguyệt Ánh. Chị sinh ra và lớn lên tại thủ phủ của nghề chăm tằm dệt lụa Việt Nam. Vì thế, loài tằm và loài bướm thân thuộc với chị ngay từ nhỏ. Tâm hồn mơ mộng, thích đọc truyện cổ tích, yêu thơ ca, văn học nên khi trở thành thiếu nữ, những cánh bướm càng có sức hấp dẫn với Nguyệt Ánh. Chị ép bướm vào trang sách học trò, giữ như một món quà quí. Vốn giỏi thêu thùa, nên khi thêu tranh, Ánh thường tìm cách gắn thêm hoa cỏ và cánh bướm vào bức tranh, để nó thêm sống động. Ngày trước và cả bây giờ, Ánh vẫn gọi bướm bằng cái tên dân dã: “Bươm bướm”.  Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Nông- Lâm, Trường Kinh tế- Kỹ thuật Nông nghiệp Bảo Lộc, Ánh không xin đi làm, chị âm thầm khởi nghiệp, một lựa chọn khá mới mẻ ở thời điểm cách đây gần 20 năm. Chị cũng không chọn thêu tranh, nghề đã có, mà đi theo tiếng gọi của giấc mơ về những cánh bướm. Khi đó, Nguyệt Ánh mới 21 tuổi.

Trên đôi chân yếu đuối, do di chứng của một căn bệnh đổ xuống thời thơ ấu, cô gái sinh năm 1979, lăn lộn khắp vùng miền, tìm gặp những người có tình yêu, kinh nghiệm với bướm và dòng tranh bướm để thu lượm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm. Ánh kể, chị đã từng gặp GS.TS Bùi Công Hiển, người đầu tiên mang tranh bướm từ Malaysia về Việt Nam và hình thành dòng tranh bướm đậm đà bản sắc Việt trên nền tranh dân gian Đông Hồ. Chị còn tìm gặp cả những nhà khoa học nghiên cứu sâu về loài bướm… Bên cạnh đó, Nguyệt Ánh tích cực lùng tìm những cuốn sách quí viết về bướm. Tình yêu của chị đã lan sang những người sống gần chị. Bạn bè của chị thường mua sách tặng chị, thay tặng quà. Có một người đã tặng Ánh bộ sách cung cấp tri thức căn bản về loài bướm.

Người đưa tranh bướm chu du ảnh 1
 

Từ những kiến thức trong sách vở, đến những kinh nghiệm tích lũy được sau   những chuyến đi xa học hỏi kinh nghiệm, Ánh lập nghiệp với tranh bướm, theo cách của riêng mình, không đụng hàng với những người đi trước. Chưa tìm được đầu ra, Ánh cứ miệt mài thử nghiệm với  tranh bướm để thỏa niềm say mê của mình. Tác phẩm được treo khắp nhà. Có người khách của gia đình đến chơi, thấy tranh bướm của Ánh vừa đẹp, vừa lạ đã bỏ tiền ra mua nhiều bức. “Tiếng lành đồn xa”. Vị khách đầu tiên chủ động đặt hàng, chính là một cô gái trẻ. Cô muốn làm một bức tranh bướm để tặng người yêu. Gần 20 năm trôi qua, Ánh vẫn nhớ bức tranh cành hồng, cánh bướm,  “đứa con” được “gả bán” đầu tiên theo đơn đặt hàng.

Dòng tranh mang hơi thở Việt

Đến nay, Ánh đã sở hữu kho tàng cả ngàn bức tranh bướm, tạo thành một dòng tranh bướm riêng biệt. Nhắc đến tranh bướm xứ B’Lao, ấy là nhắc đến cơ sở tranh bướm Ánh Kim do nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh làm chủ. Đây cũng là địa điểm mà khách du lịch trong và ngoài nước dừng chân mỗi khi ghé thăm mảnh đất Bảo Lộc nên thơ, giàu huyền thoại. 20 năm gắn bó với tranh bướm, hiểu biết về bướm của Ánh cũng dày lên theo tháng năm. Chỉ cần nhìn hình dáng và màu sắc của bướm, chị có thể đoán được chúng tới từ vùng nào. Thí dụ, bướm sống ở miền Trung thường có màu vàng đậm và vàng đốm đen. Bởi ở đây có nguồn thức ăn là cỏ lá dài. Thế giới bướm muôn hình, muôn vẻ, có bướm đêm, có bướm ngày. Bướm ngày sặc sỡ, bướm đêm tối màu. Ánh sưu tập đủ màu sắc bướm để hình thành nên những bức tranh đa dạng sắc màu. Như nhiều người chơi tranh bướm, Ánh  ý thức hạn chế khai thác bướm trong tự nhiên. Để có nguồn bướm ổn định và màu sắc như ý, chị đầu tư  nuôi bướm. Từng có thời gian, chị ăn, ngủ tại trại bướm, từ đó thu lượm nhiều kinh nghiệm quí, thí dụ sự phát triển của bướm, cũng như màu sắc của bướm liên quan không ít đến nguồn thức ăn của chúng.

Hình thành một bức tranh bướm có khi chỉ cần vài giờ, có khi cần đến vài tháng. Giá một bức tranh bướm có khi chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng có khi lên đến cả chục triệu đồng, tùy kích thước và độ cầu kỳ của tranh. Khách hàng đến với tranh bướm cũng đa dạng: Cả khách trong nước lẫn khách nước ngoài. Nguyệt  Ánh tiết lộ: Hiện nay cơ sở tranh bướm của chị thường xuyên đón đoàn khách Nga, đi theo tour du lịch. Đối tượng khách trong nước có khá nhiều các bậc phụ huynh, họ mua tranh cho con mình học, bởi nhiều học sinh ở thành phố không biết con bướm ngoài đời thực ra sao. Một bức tranh bướm nếu biết giữ gìn có thể bền đẹp đến vài chục năm sau. Hiện nay trong nhà của Ánh vẫn lưu giữ những bức tranh được chị làm từ khi mới khởi nghiệp, gần 20 năm trước. Tranh bướm có sức sống lâu bền không chỉ nhờ công gìn giữ, còn nhờ kỹ thuật ướp xác côn trùng của nghệ nhân: “Không ép, không phơi, vì phơi dưới ánh sáng mặt trời sẽ làm mất màu cánh bướm, ép lại ảnh hưởng bụng bướm. Tôi xử lý bằng nhiều cách khác nhau, đó là bí mật của nghề”, chị nói.

Người đưa tranh bướm chu du ảnh 2

Một số tác phẩm tranh bướm đặc sắc của Nguyệt Ánh.

Tranh bướm của Nguyệt Ánh đa dạng về đề tài. Từ hình ảnh một thiếu nữ trong tà áo trắng đang ngồi bên hoa hay hình ảnh thiếu nữ khỏa thân dịu dàng đến hình ảnh  phố cổ rêu phong, thậm chí  nhiều loài vật thân thuộc cũng được làm mới bằng tranh bướm với màu sắc sống động. Có người hỏi: “Nguyệt Ánh làm tranh bướm, vậy có tranh chim không?”. Chị không ngần ngại khoe những con chim có đôi cánh yêu kiều được dệt nên từ muôn vàn cánh bướm lung linh. Nhìn thế giới tranh bướm của Nguyệt Ánh, nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy, chị ưa dùng những màu sắc tươi sáng, sặc sỡ. Trong cuộc sống đời thường, Nguyệt Ánh thích mặc áo hoa. Chị đích thị là một “cô gái yêu bươm bướm”, như tự nhận.

Mỗi ngày chọn một niềm vui

Nguyệt Ánh tạo công ăn việc làm cho nhiều bà mẹ bỉm sữa. Chị thông cảm với các bà mẹ bỉm sữa nên không o ép họ về thời gian, chỉ quan tâm đến kết quả công việc. Có những mẹ bỉm sữa đến làm tại nhà của Nguyệt Ánh,  cũng có những mẹ mang việc về nhà. Nguyệt Ánh còn mở lớp dạy thêm miễn phí về nghề thêu tranh, nghề làm tranh bướm cho những bạn trẻ hoặc bạn nhỏ có nhu cầu. Lý do dạy miễn phí: “Cho vui cửa vui nhà”. Ở tuổi 39, Nguyệt Ánh vẫn một mình. Nhưng chị không buồn. Phương châm sống của chị: “Mỗi ngày tôi trọn một niềm vui” mà niềm vui thì không cần tìm đâu xa, ngay chính công việc yêu thích hàng ngày của mình. Có một nữ khách ngoại quốc đến chơi nhà, tặng cho Nguyệt Ánh một đồng tiền của quốc gia của bà ấy và nói rằng: “Tiền luôn đem lại may mắn cho người được nhận”. Hành động nhỏ của khách hàng cũng khiến lòng chị ấm áp. Hay khi đi đến một nơi xa, có người nhận ra chị, chạy theo gọi: “Có phải chị Ánh ở Lâm Đồng không?”, làm chị nhớ mãi không quên. Những món quà tinh thần vô giá là nguồn động viên Nguyệt Ánh bước tiếp trên đường đời: “Vui lắm khi công việc mình yêu thích được nhiều người quan tâm và mình còn được cuộc đời này yêu thương”, chị chia sẻ.

Bí quyết để thành công của Nguyệt Ánh không có gì khác, ngoài đam mê: “Làm nghề gì cũng phải yêu thích và sống cùng với nó. Mình nhiều lúc đang ngủ cũng mơ sẽ làm gì với bươm bướm, giật mình tỉnh dậy ghi chép lại những điều vừa nghĩ ra, vừa mơ thấy trong giấc mơ của mình”. Nguyệt Ánh từng mang tranh bướm đến một số cuộc triển lãm và giành nhiều giải, trong đó có giải Tinh hoa Việt Nam năm 2005. 

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội đón nóng diện rộng?
Khi nào Hà Nội đón nóng diện rộng?
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ít ngày qua khu vực Hà Nội duy trì hình thái thời tiết tương đối dễ chịu, như đã dự báo Thủ đô mát trời, ngày hửng nắng nhẹ. Tuy nhiên khoảng từ ngày 17 - 18/4 nền nhiệt khu vực tăng dần lên ngưỡng trên 35 độ C, chuẩn bị đón đợt nắng nóng diện rộng.