Người đưa guốc mộc sang trời Tây

Người đưa guốc mộc sang trời Tây
TP - Không những làm sống lại làng nghề guốc, nghệ nhân trẻ tuổi Thái Văn Anh Hùng là người đầu tiên ở Việt Nam tạo ra những mẫu guốc giản dị đơn sơ và mộc mạc “không đụng hàng” để đưa chúng sang tận…trời Tây.
Người đưa guốc mộc sang trời Tây ảnh 1
Thái Văn Anh Hùng và những đôi guốc mộc “made in Viet Nam” đã có tên tuổi trên thị trường châu Âu

Tưởng chừng làng guốc mộc Bình Nhâm nổi tiếng một thời của đất Bình Dương sẽ mãi chỉ còn trong ký ức nhưng không ngờ chàng thanh niên trẻ tuổi Thái Văn Anh Hùng được mệnh danh là “nghệ nhân làng guốc” đã làm sống lại làng nghề guốc.

“Yêu nghề” từ khi còn trong… bụng mẹ

Theo câu chuyện của chàng trai vừa bước sang tuổi 35 này, chúng tôi biết được gần 100 năm trước, mảnh đất Bình Nhâm đã nổi tiếng là một làng nghề đóng guốc mộc.

Ngày ấy, nhà nhà, người người làm guốc và gia đình anh cũng không ngoại lệ. Người đứng mũi trong cuộc mưu sinh bằng nghề guốc mộc của gia đình anh ngày đó là chàng thợ cả nổi tiếng trong vùng tên Ba Thân- là người cha của anh. Hùng nói vui:

“Sống trong môi trường truyền thống đó nên nghiễm nhiên mình trở thành một thợ phụ đóng guốc cho cha ngay từ khi còn là cậu bé loi choi. Nói một cách nôm na, từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã được thưởng thức tiếng cưa xẻ, đục đẽo đóng guốc của cha, để khi lớn lên cái nghề truyền thống đó đã nhiễm hẳn… trong máu tôi rồi!”.

Sau nhiều năm nghề guốc mai một, năm 1995, Thái Văn Anh Hùng đã vực dậy nghề guốc truyền thống của làng và của gia đình. Cũng từ đó anh chính thức nắm quyền điều hành cơ sở guốc mộc Ba Thân như ao ước từ bấy lâu nay của gia đình anh.

Nhưng điều ao ước lớn nhất mà gia đình anh khát khao là làm sao phải đưa được thương hiệu guốc mộc Bình Nhâm… sang tận trời Tây! Hùng cho biết, trước đây cha anh từng mơ ước như vậy và đã tập hợp các cơ sở để hình thành một hợp tác xã đóng guốc quy mô lớn.

Tuy nhiên, những năm đó, phong trào hợp tác xã làm ăn trầy trật, không mấy hiệu quả, nhất là về mặt thương mại nên cuối cùng đã tan đàn xẻ nghé, ai đi đường đó.

“Hiện Trung Quốc, Indonexia, Malaixia, Braxin... đang là “đối thủ” trực tiếp của Việt Nam về xuất khẩu guốc mộc.

Nhưng loại guốc mộc Việt Nam đang được ưa chuộng vì mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, giá cả lại rất “bình dân”.

Đã từng có nhiều khách hàng chuyển từ Braxin, Indonexia sang Việt Nam rồi!”- Thái Văn Anh Hùng tự tin.

Hùng ngồi trầm ngâm nhớ lại: Ngày trước để cho ra lò một đôi guốc là cả một chuỗi ngày vất vả vì phải qua nhiều công đoạn và nhiều khâu phức tạp.

“Ngày trước nhà tôi làm khâu đầu, tức mua gỗ về cưa xẻ thành phôi và đóng quai guốc, sau đó bán cho những cơ sở khác chuyên thực hiện đánh bóng, sơn vẽ. Nhưng thời buổi bây giờ, phải sản xuất lớn, làm ăn bài bản hơn!”, Hùng nói.

Hùng đã bắt tay vào xây dựng ý tưởng đó bằng cách cho sản xuất tập trung nhằm giảm giá thành, kiểm soát chặt chẽ đồng loạt về mặt kỹ thuật, mỹ thuật để cho ra hàng vạn sản phẩm như một.

Theo Hùng, có tới 30 công đoạn chính để hoàn thành một đôi guốc mộc như phải chọn gỗ xoan đào của Việt Nam hoặc gỗ thông của Úc, Newzealand, Bắc Âu mang cưa xẻ thành phôi thô, sau đó sấy và đánh tuốc bi định hình; tiếp theo là cưa và chà tạo hình, sơn  phết, vẽ trang trí, dán đế, đóng quai…

Hùng cho biết, khó nhất là khâu quản lý vì làm guốc mộc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề thợ. Kích cỡ size phải rất chuẩn, keo dính cũng khắt khe, vòng quai chính xác đến từng phân...

Người đưa guốc mộc sang trời Tây ảnh 2
Guốc mộc Bình Nhâm đã sống lại và đứng trước nhiều cơ hội mới

Đưa guốc mộc ra “biển lớn”!

Nếu như trước đây mỗi hộ gia đình làm guốc “mạnh ai nấy làm”, trách nhiệm liên đới về sản phẩm không ai chịu khi hàng bị lỗi, hơn nữa giá thành cao không ai kiểm soát, mỹ thuật và kỹ thuật lại hạn chế nên... chịu thua. Đó là chưa kể mọi công đoạn đều làm bằng tay, năng suất thấp, mẫu mã ít nên guốc mộc cứ “loay hoay” trong nước.

Không chịu phận guốc mộc- một mặt hàng độc đáo phải chịu lép vế trước nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, Anh Hùng đã bắt tay vào việc đưa guốc mộc đi Tây. Theo Hùng kể lại, từ khi chân ướt chân ráo vào làm “ông chủ nhỏ” với vài ba người thợ, Hùng đã có ý định tìm riêng cho mình những đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải khi nào mọi chuyện cũng thuận lợi vì kinh nghiệm không có, năng lực sản xuất và tài chính còn yếu. Vì vậy, trong quá trình tìm tòi thị trường, Hùng vẫn phải thường xuyên bán giá thấp hoặc ủy thác cho các công ty lớn làm thay cho mình.

Sau nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm và tài chính, cuối năm 2002, Hùng quyết định thành lập Cty TNHH Hùng Thái chuyên sản xuất các sản phẩm guốc gỗ xuất khẩu và trực tiếp mở kênh giao dịch với các đối tác nước ngoài.

Hợp đồng đầu tiên Hùng trực tiếp ký được là khách hàng Nhật Bản với hợp đồng đầu tiên là vài ngàn đôi guốc. Hùng mừng rơn như bắt được vàng. Nhưng cũng ngay sau đó Hùng lại lo nơm nớp vì không biết có thực hiện nổi hợp đồng lớn này không khi cả xưởng chỉ có hơn chục nhân công, máy móc thiết bị lại thiếu hụt đủ thứ.

Cuối cùng thì hợp đồng đã được thực hiện tốt đẹp. Và sau đó, công việc kinh doanh của anh như thuyền gặp gió, Hùng tới tấp nhận được đơn đặt hàng từ các thị trường khó tính như Đức, Hà Lan, Ý… Theo Hùng để có được thành công này anh phải luôn liên tục thay đổi mẫu mã theo “model” thời thượng.

Một mẫu hàng xài không quá 4 - 5 đợt hàng cho 2 – 3 lượt khách, sau đó phải nhanh chóng bắt tay vào hành trình sáng chế những mẫu mã mới độc đáo, mới lạ hơn và uy tín. “Trong tay tôi hiện có khoảng… vài nghìn mẫu hàng chỉ độc cho một sản phẩm guốc mộc mà thôi!”- Hùng hớn hở khoe.

Theo anh, nhiều khách hàng khó tính còn thuê hẳn một đơn vị chuyên về kiểm soát, đánh giá chất lượng đến tận xưởng “theo dõi” quá trình hình thành sản phẩm. Đó là chưa kể ngay khi xuất khẩu guốc mộc còn bị đối tác kiểm tra cả độ an toàn về chất độc hại với 4 – 5 lần test tại Hồng Kông, đạt tiêu chuẩn mới cho xuất bến!

Nắm trong tay một đội ngũ lao động lành nghề với quân số trên 300, Hùng tự tin cho biết sẽ mở một văn phòng giới thiệu sản phẩm tại CHLB Đức trong thời gian tới.

“Tôi nhìn lại những đối tác mua lượng hàng lớn đa số là người Đức. Từ đây, họ sẽ phân phối sang các nước lân cận như Anh, Pháp, Ý, Ba Lan, Hà Lan… Những cuộc triển lãm thành công lớn đa phần cũng được tổ chức tại nước Đức!” - Anh giải thích cho sự lựa chọn của mình.

MỚI - NÓNG