HLV Mai Đức Chung:

Người đóng thế xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam

Người đóng thế xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam
TP - Viết về HLV Mai Đức Chung quả thật là một việc không dễ, bởi chỉ cần gõ tên ông vào ô tìm kiếm của Google thì sẽ nhận được 983.000 kết quả trong 0,06 giây.
Người đóng thế xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam ảnh 1
Ảnh: Phạm Yên

Thế nên trong bài viết này chúng tôi chỉ đưa ra những thông tin mà từ trước tới giờ chưa nhiều người được biết về ông, một trong những HLV tài năng nhất hiện tại của bóng đá Việt Nam.

Thành danh vì… không nói bậy

Trước khi nổi tiếng nhờ dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu cực kỳ ấn tượng tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, HLV Mai Đức Chung hầu như chỉ được biết tới như là một ông thầy rất mát tay với bóng đá nữ và cho tới nay, ông vẫn là nhà cầm quân duy nhất đã giúp bóng đá nữ Việt Nam hai lần giành HCV SEA Games (2003 và 2005).

Có thể nói, chính những thành công mà HLV Mai Đức Chung tạo được khi còn làm việc với đội tuyển nữ đã là bệ phóng để đưa tên tuổi của ông trở nên quen thuộc với người hâm mộ. 

Tuy nhiên, lý do để biến HLV Mai Đức Chung từ một người chưa từng làm việc với các cầu thủ nữ bỗng trở thành HLV trưởng đội tuyển nữ lại là cả một câu chuyện ly kỳ mà không phải ai cũng nắm được một cách tường tận.

Số là năm 1997, khi VFF chuẩn bị thành lập đội tuyển bóng đá nữ để lần đầu tiên tham dự SEA Games 19 tại Jakarta (Indonesia), VFF đã nhắm tới rất nhiều cái tên cho chiếc ghế HLV trưởng. Tuy nhiên, do đây là một vị trí rất mới mẻ và ở thời điểm ấy tại Việt Nam bóng đá nữ còn là một cái gì đó khá xa lạ, nên VFF đắn đo mãi mà chưa dám quyết ai.

Trong hoàn cảnh đó, Phó Chủ tịch VFF kiêm Trưởng ban các ĐTQG Lê Thế Thọ đã nhớ tới ông Mai Đức Chung. Sau khi ướm thử ý kiến ông Chung, ông Thọ đã giới thiệu cậu học trò cũ của mình với VFF và dĩ nhiên với một sự bảo chứng như vậy từ phía ông Thọ, lãnh đạo VFF đã mau chóng chấp thuận.

Vậy ông Chung có những tố chất gì khiến ông Thọ tiến cử vào ghế HLV trưởng đội tuyển nữ? Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ ngày đó nhưng khi nhớ lại chuyện này, ông Thọ vẫn sôi nổi như thể nó mới vừa xảy ra ngay hôm qua.

Ông Thọ nói: “Mai Đức Chung là người mềm mại, nhã nhặn, hiền lành, ăn nói có chừng mực nên tôi nghĩ là thích hợp để huấn luyện các cầu thủ nữ, vì lúc đó bóng đá nữ còn mới quá nên chưa có HLV nào có kinh nghiệm như vậy. Tất nhiên trong huấn luyện bóng đá thì lúc căng thẳng có thể quát tháo, mắng mỏ, nhưng lúc bình thường thì cần phải nhẹ nhàng, điềm đạm. Chung là học trò của tôi từ khi còn là cầu thủ nên tôi biết rõ Chung lắm”.

Ông Thọ nói thêm: “Một lý do quan trọng nữa khiến tôi tiến cử Mai Đức Chung là vì Chung không… nói bậy bao giờ, mà cái này với các cầu thủ nữ thì quan trọng lắm”. Hôm rồi khi nói chuyện với Tiền phong, ông Chung cũng xác nhận lời ông Thọ nói hoàn toàn là sự thực.

Vậy đấy, từ một nguyên nhân tưởng như chẳng hề liên quan gì tới bóng đá, VFF đã tìm được một HLV thực sự tài năng.

Đất lành Malaysia

Nhớ lại những tháng ngày bỡ ngỡ của thủa ban đầu trên cương vị HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Khó khăn của đội nữ là có nhiều phức tạp, nhiều vấn đề nhỏ nhặt phải đứng ra giải quyết, còn về vấn đề sinh hoạt, tổ chức kỷ luật thì rất tốt. Chẳng hạn hàng ngày va chạm, không hài lòng với nhau, chỉ như vậy thôi, mà phụ nữ ở đâu cũng phức tạp cả.

Có thấy e ngại khi tiếp nhận một công việc mới mẻ như vậy ư? Thú thật là tôi cũng thấy khó khăn nhưng cũng liều, nhắm mắt đưa chân xem làm như thế nào. Từ trước tới lúc đó tôi toàn huấn luyện các cầu thủ nam, chưa ai huấn luyện cầu thủ nữ bao giờ, sau này mới học một lớp bổ túc huấn luyện nữ chuyên biệt thôi.

Nói chung, ở thời điểm đó các HLV Việt Nam chưa có ai huấn luyện bóng đá nữ bao giờ, nên trong giáo án huấn luyện tôi cũng phải kết hợp thôi và sáng tạo thêm một tí nữa”. 

Chỉ vài tháng sau khi cầm quân, HLV Mai Đức Chung đã tạo được sự tin tưởng khi dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nan đoạt chức vô địch giải Tiền SEA Games tại Malaysia. Thật trùng hợp là ở giải năm đó, đội nữ Việt Nam cũng thi đấu trên SVĐ ở Bukit Jalil, “chiến địa” mà hơn 10 năm sau, HLV Mai Đức Chung lại cùng các cầu thủ U22 quốc gia đăng quang tại Merdeka Cup 2008.

Có thể nói, Malaysia là mảnh đất mang lại rất nhiều may mắn cho HLV Mai Đức Chung, bởi cả hai cột mốc quan trọng trong sự nghiệp cầm quân ở đội tuyển của ông đều diễn ra tại Malaysia.

Bí mật chưa tiết lộ về Merdeka Cup 2008

Nói tới Merdeka Cup 2008, HLV Mai Đức Chung lại không giấu nổi sự tự hào. Mà thực ra điều đó cũng đúng, bởi trước ông, chưa có một ông thầy nào, dù là nội hay ngoại, mang được một chiếc Cúp từ nước ngoài về Việt Nam trong suốt gần 20 năm qua.

Tuy nhiên, đúng với bản tính điềm đạm của mình, niềm tự hào mà ông Chung muốn thể hiện không phải là vinh dự của riêng ông mà là của cả tập thể.

Ông Chung tâm sự: “Thành tích vô địch Merdeka Cup 2008 làm BHL chúng tôi tự hào lắm. Vài chục năm trước, khi còn là cầu thủ, mấy anh em chúng tôi (HLV Mai Đức Chung và hai trợ lý Lê Thụy Hải, Nguyễn Trường Sinh – PV) đều là cầu thủ của Đường sắt Việt Nam.

Bẵng đi một thời gian rất lâu không đá bóng cùng nhau, nay chúng tôi lại là cộng sự của nhau trong BHL đội tuyển U22 quốc gia và cùng chia sẻ vinh dự đoạt chức vô địch Merdeka Cup. Đấy là điều khiến chúng tôi cảm thấy tự hào nhất”.

Tự hào nhất với Merdeka Cup 2008 là như vậy, còn tâm đắc nhất thì sao? Ông Chung tiết lộ: “Tôi tâm đắc nhất là việc đã tập hợp được sức mạnh của VĐV trở thành sức mạnh. Có thể xét về chuyên môn các cầu thủ của chúng ta chưa thật mạnh chưa thật hay, nhưng về tính đoàn kết và kỷ luật thì phải luôn được bảo đảm”.

Về vấn đề này thì đúng là chẳng phải ông Chung tự khen các học trò của mình, bởi sau trận giao hữu giữa đội tuyển U22 Việt Nam với CLB Xi măng Hải Phòng vào chiều 7/11 vừa qua, chính cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl, hiện đang dẫn dắt XM.HP, cũng nhận xét rằng điều khiến ông ấn tượng nhất ở U22 Việt Nam là tinh thần thi đấu rất cao và ý thức kỷ luật nghiêm ngặt. Ông Riedl còn nói thêm: “Tôi nghĩ là BHL đội tuyển U22 Việt Nam đang làm rất tốt công việc của mình”.

Nóng lòng chờ ngày HLV Mai Đức Chung… về hưu

Mới nghe điều này thì tưởng phi lý nhưng sự thực thì lại hoàn toàn là như vậy. Với tư cách là Trưởng bộ môn Bóng đá, Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL, nên ông Chung rất bận rộn với công việc của một nhà quản lý.

Vì thế, dù có không ít đội bóng đặt vấn đề và bản thân VFF cũng nhiều lần thiết tha mời ông Chung nhận hẳn một đội tuyển quốc gia để dẫn dắt nhưng ông Chung vẫn chưa thể nhận lời vì không thu xếp được thời gian.

Mặt khác, thực tế công việc trong những năm vừa qua cho thấy, trình độ cầm quân của ông Chung không có gì thua kém so với những đời thầy ngoại của bóng đá Việt Nam nếu không nói là có một số mặt hơn, bởi ông Chung có lợi thế rất lớn là am hiểu tâm lý VĐV.

Tuy nhiên, vì là công chức Nhà nước nên ông Chung chỉ được nhận lương theo bậc. Và như vậy nếu đặt lên bàn cân thì quả là một sự thiếu công bằng khi ông Chung chỉ nhận lương 5 triệu đồng/tháng khi dẫn dắt đội tuyển U22 Việt Nam, còn HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto lại hưởng mức lương cao hơn gấp gần 40 lần.

Để giải quyết bài toán này, theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, thì chỉ có duy nhất một cách là chờ tới ngày ông Chung… về hưu, hết tuổi làm công chức Nhà nước, khi đó VFF sẽ trải thảm đỏ mời ông Chung về làm việc cùng một mức lương xứng đáng với tài năng của ông.

Và không chỉ có VFF mà cả rất nhiều CLB ở V-League cũng như giải hạng Nhất cũng đang khát khao chờ tới ngày ấy, bởi với những gì đã thể hiện được trên ghế HLV trưởng các ĐTQG trong suốt hơn 10 năm qua, ông Chung hoàn toàn xứng đáng được coi là một trong những HLV giỏi nhất Việt Nam hiện nay.

Về mặt lý thuyết, ông Chung sẽ về hưu trong hai năm nữa (ông Chung sinh năm 1950), nhưng chưa chắc vào thời điểm năm 2010 sẽ có đội bóng nào thuyết phục được ông Chung về làm HLV trưởng, bởi nhà cầm quân này còn có ý định sau khi về hưu sẽ sang châu Âu đèn sách thêm về công tác huấn luyện.

Giải thích về vấn đề này, ông Chung cho biết: “Trước kia tôi cũng đã được học ở châu Âu nhưng giờ tư duy bóng đá đã thay đổi rất nhiều, học hỏi thêm để theo kịp là điều rất quan trọng”.

Khi được hỏi rằng đã ở độ tuổi lục tuần mà còn khăn gói đi du học thì liệu có thích hợp lắm không, ông Chung đã thẳng thắn mà trả lời rằng: “Tôi nghĩ rằng học thêm kiến thức chuyên môn thì chẳng có gì là không thích hợp. Nghề gì cũng vậy, học không bao giờ là thừa”.

Phải chăng câu trả lời này của HLV Mai Đức Chung chính là bí quyết đã làm nên sự thành công cho ông cả lúc còn là cầu thủ lẫn khi đã chuyển sang công tác huấn luyện? Có lẽ hỏi cũng tức là đã trả lời.

* HLV Mai Đức Chung được gọi là chuyên gia đóng thế vì trong hơn 10 năm cầm quân ở các ĐTQG, ít nhất hai lần ông Chung đã tiếp nhận công việc dở dang của các ông thầy ngoại (Steve Darby, ĐT nữ VN năm 2003; Alfred Riedl, đội tuyển Olympic Việt Nam năm 2007) và lần nào ông Chung cũng gặt hái thành công rực rỡ.

* Khi còn là cầu thủ, HLV Mai Đức Chung là một người có thể chơi ở nhiều vị trí khác nhau, từ hậu vệ, tiền vệ và thậm chí cả tiền đạo. Một trong những kỹ năng chơi bóng nổi bật nhất của ông Chung là đánh đầu và ngay cả khi đã ngấp nghé độ tuổi lục tuần, ông Chung vẫn nhiều lần khiến các học trò trẻ tuổi “lác mắt” vì khả năng xử lý bóng trên không của mình.

MỚI - NÓNG