Ông thường xuyên tham gia đội kịch của thành phố và đóng góp nhiều cho thành công của đội. Năm 1973, ông trúng tuyển vào lớp diễn viên điện ảnh khoá 2 và từ đó bắt đầu đi vào con đường điện ảnh.
Ông từng diễn thành công rất nhiều vai như: Năm Hòa trong Biệt động Sài Gòn, tiểu đội trưởng Quang trong Không có đường chân trời, Trần Quân trong Kẻ giết người... Song, nhắc tới Bùi Cường, khán giả chỉ nghĩ tới Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy.
Ông chia sẻ một vài kỷ niệm vui sau khi thành công vang dội với vai Chí Phèo: "Một lần tôi đang ngồi uống bia thì thấy có ông kia vác gạch tới ném mình. Lần khác cũng vui vui, khi tôi vừa kéo ghế ngồi thì một anh say tiến lại phía tôi nói rằng: “Này tôi nói cho ông biết, Chí Phèo không phải của riêng ông đâu nhá. Ông nhìn tôi đây này.”
Khi được hỏi ông có buồn không khi những vai diễn khác không kém thành công nhưng lại bị vai Chí Phèo làm cho lu mờ, ông vui vẻ đáp: "Tôi nghĩ đó là cái duyên, cái may của mình khi có được một vai diễn tốt được nhiều người nhớ đến như vậy. Đến bây giờ vẫn có nhiều khán giả muốn gặp tôi để coi ông Chí Phèo ngoài đời ra sao."
Sau mười lăm năm gắn bó với nghiệp diễn viên, niềm say mê điện ảnh đã dẫn anh đến với nghề đạo diễn. Bộ phim đầu tay của ông mang tên Người hùng râu quặp. Trong phim này, Minh Vượng lần đầu tiên diễn xuất trong phim hài.
Tính cho đến nay, Bùi Cường đã làm đạo diễn khoảng 80 tập phim truyền hình. Đặc biệt, bộ phim truyền hình dài 29 tập mang tên Ông tướng tình báo và hai bà vợ đã được huy chương vàng LHP truyền hình toàn quốc.
Không trắc trở, bấp bênh về đường tình duyên như vai diễn "kinh điển" Chí Phèo, Bùi Cường có cuộc sống gia đình khá viên mãn, hạnh phúc. Ông xây dựng gia đình năm 1977, hạnh phúc gia đình ông khiến nhiều người phải ghen tị.