> Ra quân nhắc nhở, xử phạt người đi bộ
Cảnh thường thấy ở những tuyến đường có dải phân cách. Ảnh: Hoàng Anh. |
Trước thực trạng trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã xây dựng và triển khai kế hoạch “Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 2” từ ngày 6/5 đến 12/5, nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người đi bộ, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn.
Tử vong vì sang đường không đúng chỗ…
Kế hoạch đã được triển khai, băng rôn tuyên truyền treo khắp phố, CSGT ra quân nhắc nhở, xử phạt, song những ngày qua tại Hà Nội vẫn không ít người đi bộ vẫn phớt lờ quy định, đùa giỡn với sự an toàn của bản thân.
Cuối tuần qua, PV Tiền Phong bắt gặp hình ảnh những người dân trèo rào, băng qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài, trèo qua dải phân cách trên đường Giải Phóng, đường Phạm Văn Đồng.
Thậm chí, ngay trước cổng trường Đại học GTVT có cầu vượt cho người đi bộ, nhưng không ít sinh viên, thanh niên trèo qua dải phân cách để sang đường bắt xe buýt cho... nhanh. Rồi cảnh những cú đạp phanh dúi dụi của người điều khiển xe máy vì người đi bộ tùy tiện sang đường...
Vào năm 2012, đã có một nam thanh niên khoảng 20 tuổi bị xe buýt số 32 đâm tử vong do trèo dải phân cách để sang đường ở khu vực trước cổng công viên Thủ Lệ (Hà Nội). Tuy nhiên, vẫn có người ngại vài bước chân mà trèo rào, băng đường ở khu vực này.
Cũng trong năm 2012, tại đường Trần Phú, quận Hà Đông xảy ra một vụ tai nạn thương tâm cho một nữ sinh Đại học Kiến Trúc (Hà Nội). Các nhân chứng cho biết, vào giờ tan tầm buổi chiều, nữ sinh Nguyễn Thị N.A. (SN 1992, quê Nghệ An) đi bộ sang đường, bị xe máy quệt ngã ra đường. Đúng lúc đó, một xe buýt lao đến...
...Và làm người khác tử vong
Với tâm lý “đi xe phải nhường đường cho người đi bộ”, người đi bộ không chỉ tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Điển hình, năm 2003, một phụ nữ ở TPHCM đi bộ sai luật đã khiến một người điều khiển xe máy tử vong.
Theo hồ sơ vụ án, trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh, chị Ngô Thị Mỹ Yên đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển. Sau cú ngã xe, anh Vân bị thương nặng, tử vong trên đường đến bệnh viện.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định chị Yên đã băng qua đường không đúng nơi quy định. Chị Yên sau đó bị đưa ra xét xử về hành vi cản trở giao thông đường bộ, lĩnh án 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Vụ này được biết đến là vụ đầu tiên, và đến nay cũng là duy nhất, người đi bộ phạm luật ở Việt Nam bị xử lý hình sự. Hầu hết các trường hợp còn lại, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt hành chính.
Gần 200 người đi bộ bị xử phạt
Theo Phòng CSGT Hà Nội, từ 6/5 đến 10/5, lực lượng CSGT của 10 quận nội thành đã lập biên bản xử phạt hành chính 190 trường hợp người đi bộ vi phạm Luật giao thông. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: không chấp hành hiệu lệnh, đèn, biển báo, vạch sơn, mang vật cồng kềnh, vượt dải phân cách với số tiền hơn 9 triệu đồng.
Khi vi phạm không bị xử phạt, không ít người vẫn phớt lờ quy định, tùy tiện băng qua đường bất chấp sự tiềm ẩn tai nạn cho mình và người khác. Trung tá Nguyễn Văn Đức - Đội trưởng Đội CSGT số 2 |
Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2, cho hay, để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông của người đi bộ, chế tài xử phạt hành chính đã được tăng nặng theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).
Tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp người dân đi tập thể dục không mang theo giấy tờ tùy thân, không mang theo tài sản nên CSGT không thể lập biên bản vi phạm, nên chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở.
“Khi vi phạm không bị xử phạt, không ít người vẫn phớt lờ quy định, tùy tiện băng qua đường bất chấp sự tiềm ẩn tai nạn cho mình và người khác” – trung tá Đức nói.
Mặt khác, cũng theo trung tá Đức, theo quy định vỉa hè dành cho người đi bộ, nhưng trên nhiều tuyến phố, vỉa hè đã bị hàng quán, xe cộ lấn chiếm, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Hay việc đèn tín hiệu dành cho người đi bộ được lắp đặt, song không phải lúc nào người điều khiển phương tiện cũng nhường đường...
Tạo thuận lợi cho người đi bộ Trao đổi với Tiền Phong chiều 12/3, ông Nguyễn Đức Kha, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, nhân thực hiện chương trình “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ do Liên hiệp quốc phát động với chủ đề: Nâng cao an toàn cho người đi bộ”, Hà Nội triển khai tuyên truyền và tiến hành xử lý vi phạm đối với người đi bộ và các phương tiện cơ giới không nhường đường cho người đi bộ. Sau 12/5, Hà Nội sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm sau một tuần thực hiện để đưa ra các kế hoạch lâu dài. Về lâu dài, UBND TP Hà Nội đang giao cho Sở GTVT và các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp giúp người đi bộ và phương tiện đi lại trên đường phải nhường đường cho người đi bộ. Cụ thể, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng hàng chục cầu đi bộ tại các nút giao thông lớn. UBND TP cũng yêu cầu Sở GTVT sơn kẻ, chia các phần đường để phương tiện qua lại nhường đường cho người đi bộ trên nhiều tuyến phố. Phạt tiền cao nhất: 120.000 đồng
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a)Không đi đúng phần đường quy định; b)Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; c)Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. 2.Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a)Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; b)Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; c)Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. 3.Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. (Điều 12 Nghị định 34/2010 của Chính phủ quy định “Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”) |