> 'Chập chờn góc khuất' Điện Biên
Đội xòe của Đèo Văn Long (Ảnh lưu trữ tại bảo tàng lai châu). |
Thì ra bà vợ ông đang phải trông cháu ở nhà con gái. Tôi phải ghìm nhịp thở mới nối được gót ông lão mà leo trở lại con dốc ban nãy dài dặc... Lạ, leo thế mà ông vẻ như không mệt, còn chuyện không dứt nữa chứ !
Lại cũng lật phật âm thanh bấc hút dầu của cái đèn tự chế như nhà ông. Ánh sáng vàng mờ soi tỏ lòng một căn nhà tường đất, lợp gianh khoảng non hai chục thước vuông. Ngó quanh thấy chả có vật dụng gì đáng hột tiền. Đón cái nhìn của tôi, ông thở dài, như thế còn may vì bản này đa phần đều túng đói.
Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt ông khi bà nhà trong buồng bước ra... Chà, chắc chả phải nắng quáng đèn lòa bởi từ bóng đêm vào, ngồi một lúc dần quen với thứ ánh sáng lờ mờ này, bà vợ ông, biết nói thế nào nhỉ, chắc thời con gái phải là một thứ dữ về nhan sắc! Dẫu khuôn mặt đã hơi nhăn, tóc đã phơ phơ trắng. Thứ bạc đều, suôn như cước. Nếu rờ rỡ ban ngày thể nào cũng ánh lên thứ sắc bạch kim. Khuôn mặt và nước da của tuổi bảy lăm ấy như một tiêu bản, như một thứ hóa thạch của một quá vãng liệt oanh mà bây giờ trông vào đó người ta chả thể dùng tên gọi gì khác ngoài từ kháu lão!
Bà nói tiếng Kinh rất kém. Ông nhà phải dịch. Mà là kiểu dịch không phải bà nói câu nào thì ông chuyển Kinh câu ấy. Đó chính là kiểu chuyển thể của người trong cuộc. Như là ông đã thuộc bà, đang đọc bà vậy... Hình như cả ông lẫn bà đang nói về cái đêm xòe những năm xa lăng lắc cho độc mỗi viên quan năm thưởng thức.
Sau chuyến đi ấy, tôi có kiếm được tấm ảnh chụp đội xòe Đèo Văn Long những năm tít xa ấy hiện đương lưu tại Bảo tàng tỉnh Lai Châu. Căng mắt lẫn đoán già đoán non chịu chẳng thể biết được trong những khuôn mặt khả ái kia, ai là đội trưởng đội xòe Lù Thị Vơn? Định bụng lần nào đó, mang tấm ảnh ấy lên Mường Bum... Nhưng lần lữa mãi mà vẫn chưa đi được. |
“...Đội xòe của Đèo có 12 người cả thảy. Năm 13 tuổi, bà đã được chọn vào đội Xòe. Mẹ cô xòe giỏi. Cô chỉ nhìn rồi thuộc... Cứ ở nhà, cứ ở bản thôi. Khi nào “vua’’ gọi thì lên chứ không phải tập trung như văn công bây giờ... Một tối xòe khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Mở màn như thế là bài “chào’’ khách hay là ra mắt. Tiếp đến là xòe khăn rồi đến bài “xòe vị’’ tức là xòe quạt. Rồi xòe nón... Nhưng tất cả các bài xòe như thế sẽ không nổi lên được nếu thiếu đi “pí kểu’’ tiếng Thái là nhạc đệm. Nhạc đệm cho một đêm xòe không phải một dàn mà chỉ nhõn hai nhạc công ôm “tính tẩu’’ một thứ đàn của người Thái nhỏ hơn băng giô hay mandoline. Đội xòe có hai người rất thạo và chuyên về ngón “tính tẩu’’ là ông Lường Văn Han và ông Lường Văn Hào nhà ở bản Lay Nưa. Năm nay cũng trên 80 tuổi cả rồi. Người còn người mất.
Gái Thái tắm. ảnh: T.L. |
... Tiếng “tính tẩu’’ lúc nhặt lúc khoan rất “quyện’’ và “bện’’ với những động thái lướt chân huơ tay khăn vẫy nón chào. Hai mươi bốn cặp bàn chân trần quanh năm chả giày dép gì lên nương ra bãi luôn luôn nhưng khi “vua’’ gọi lên thì cứ nõn trắng ra trên sàn gỗ lim. Nhịp múa phải cuốn phải bay cùng với tiết tấu của “tính tẩu’’. Có một dạo nổi cơn hứng lên, Vua Đèo khoét một cái lỗ chỗ góc sàn gỗ lim lót sắt rồi đổ dầu vào đấy. Đốt. Đốt lâu nên nhiệt truyền lan khắp sàn gỗ, chưa tới mức bỏng rẫy nhưng khá nhạy cảm với những bàn chân trần nõn nà như ta đi chân trần trên đường đất bụi gặp trưa nắng gắt vậy. Vua Đèo bảo phải múa trên cái “nền nóng’’ ấy thì mới là người xòe giỏi, nghĩa là tiết tấu nhịp độ phải nhanh?! Chưa hết, có khách quý “vua Đèo’’ có đêm còn quăng thứ dầu gì đó trơn nhẫy lên mặt sàn để khoe cái tài đội xòe với khách. Tất nhiên xòe trên cái nền trơn giãy như người trượt patanh ấy, đội xòe phải tập trước. Mà tập kiên trì dai dẳng lẫn khéo léo. Nhiều cô trượt chân ngã sưng mày dập mặt... Ôi chao, tháng nhiều thì có đến hai mươi đêm xòe”.
Cô con gái của bà đang chăm chắm hết nhìn bố mẹ rồi khách lạ thoắt hoạt hẳn lên khi mẹ bảo mang cho bà cái thắt lưng màu xanh. Sau khi ý tứ lận kỹ chiếc thắt lưng xanh ấy, bất ngờ bà đứng lên dáng điệu lanh lẹ như một vũ công ba lê, bà trích đoạn một khúc ngắn trong một bài xòe cho tôi coi thử... Trong ánh đèn dầu hỏa lật phật chập chờn kia, bà như thoát xác để thành cô gái Thái đẹp nhất nhì bản Chự này gần sáu mươi năm trước... Ông lúc này như quên hẳn tôi ngồi bên, cứ dõi theo động thái xoè của bà, chốc chốc lại gật gù, lắc lư cái đầu... không có tính tẩu không có “báo hủa’’ (nhạc công) chẳng xòe được... Bà cười rồi ngồi xuống.
Ông cười dịch lại.
... “Hai mươi bốn cặp chân lúc khoan thai lúc dìu dặt lúc loang loáng. Chả phải nhìn lên chiếc khăn “piêu’’ và những hàng cúc bạc, anh thư ký Màu Văn Huyền của vua Đèo chỉ thoáng qua loang loáng những cặp chân ấy đã nhận ra cặp chân của Lù Thị Vơn. Ấy là chân thương chân nhớ. Hai người quê cùng bản Chự này. Huyền để ý Vơn từ khi cô lớn nhổng lên. Nhưng Vơn vô tâm trước ánh mắt nồng nàn của Huyền. Huyền thon thót khi biết Vơn đã sung vào đội xòe của vua Đèo. Thon thót sợ. Thon thót lo. Nhưng biết làm sao được... Tuy chưa nói nhiều gì với nhau nhưng rồi Vơn cũng đọc ánh mắt thầm lặng đau đáu của Huyền. Những đêm buộc phải dự xòe, Huyền nửa mừng vui nửa khổ sở. Như một câu Kiều. Cùng trong một tiếng tơ lòng... Mừng vì được trông thấy Vơn múa. Sợ vì lo cho Vơn chẳng may mà trượt ngã... Trượt ngã trên sàn gỗ lim thì chả sao nhưng nhỡ “trượt’’ vào một tấm nệm nào của quan Tây thì khốn. Nhưng dù gì nữa Huyền cũng chả thể để mất Vơn... Cái lần Vua Đèo đưa đội xòe đi Điện Biên để đáp máy bay về Hà Nội để diễn cho Toàn quyền Đông Dương coi xoè ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Huyền như ngồi trên than nóng. Một tháng sau, Vơn lại bay trên sàn diễn gỗ lim của Dinh, Huyền mới nguôi chút nỗi lo. Rồi may làm sao, Lai Châu giải phóng, Huyền mới thở phào. Vua Đèo đi. Đội xòe đã ở lại. Vơn đã ở lại với bản Chự này...
... Cái lần đưa tiễn Vơn cùng đội xoè, không đi máy bay Dacota chỉ đi bằng xe tải của bộ đội thôi để đi lưu diễn các tỉnh Tây Bắc sau đó là về diễn xòe tại Hà Nội sau ngày Thủ đô giải phóng ấy, những ngày chờ đợi của Huyền ở Lai Châu thật sự là những ngày hồi hộp sung sướng... Sau này về Lai Châu, Vơn kể lại đội xòe của Vơn đi nhiều lắm. Khi lưu diễn ở Điện Biên, Sơn La rồi Lào Cai, Yên Bái và nhiều tỉnh khác cho bộ đội và nhân dân xem xòe. Nơi nào đội xòe của Lù Thị Vơn cũng được hoan hô. Vui nhất là đêm xòe ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Vơn ứa nước mắt khi bước lên những bậc thềm Nhà hát Lớn... Những bậc thềm mà sáu năm trước Vơn đã đặt chân lên trong cái đêm xòe cho Toàn quyền Đông Dương và quan khách Pháp coi. Tiếng vỗ tay sau sáu năm rào rào rầm rập vui hơn âm thanh lẹt đẹt chiếu lệ trong cái đêm xòe cho Toàn quyền... Vơn biết tiếng vỗ tay ấy có cả các “cụ’’ lãnh đạo ngồi ở dưới động viên khen ngợi...”.
Bên tôi anh con trai cả cứ ngồi lặng phắc như thế... Hình như lần đầu anh nghe chuyện của bố mẹ mình? Sau chuyến đi diễn xòe ở Nhà hát Lớn dưới chế độ mới, hai người đã làm đám cưới.
Sáu người con, bốn trai hai gái lần lượt ra đời mang những cái tên có âm hưởng như đang reo vậy... Nguyện. Vọng. Bình. Ngái. Thái. Thới.
Đã hơn mười giờ. Trên này như vậy là đã khuya lắm... Có cảm giác bà không muốn cuộc nói chuyện dừng ở đây? Có chút ngậm ngùi lúc tạm biệt hai cụ khi tôi nghe cụ ông dịch từ một tràng âm thanh líu ríu từ cụ bà rằng, cái tối xòe năm một ngàn chín trăm năm lăm (1955) ở Hà Nội ấy, bà vẫn nhớ như in lời của một cụ lãnh đạo. Cụ ấy ngồi gần bà thân mật với nhiều câu hỏi chẳng hạn khi biết được xòe trong tiếng Thái nghĩa là múa. Khắp là hát. Sau khi hớt hà ngợi khen xòe lẫn đội xòe, cụ đã nói đây là vốn quý của dân tộc Thái và vốn quý của dân tộc Việt Nam nói chung cần bảo tồn và nâng cao. Đội xòe sẽ dạy sẽ truyền xòe không những cho Lai Châu mà cả Tây Bắc nữa. Nhiều cô gái Thái xòe giỏi và ai cũng biết thưởng thức xòe...
Nơi nào đội xòe của Lù Thị Vơn cũng được hoan hô. Vui nhất là đêm xòe ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Vơn ứa nước mắt khi bước lên những bậc thềm Nhà hát Lớn... |
Nhưng hơn 50 năm đã qua rồi chả thấy động cựa gì cả các việc ấy. Và cũng chưa thấy ai mời bà làm cái việc truyền xòe.
Bây giờ đội xòe Vua Đèo ấy chỉ còn lại 4 người là bà Lù Thị Chiu lấy chồng tận Mường Bum. Lò Thị Chăn lấy chồng ở bản Mo, xã Lay Nưa Mường Lay. Bà Lù Thị Sớm ở Mường Lay. Ai cũng hơn bảy mươi gần tám mươi cả. Riêng bà Lù Thị Vơn đây bảy lăm rồi, yếu rồi nhưng còn yêu xòe lắm. Vẫn mến nhớ xòe lắm và sẵn sàng làm cái việc truyền xòe...
Giờ ngồi ghi lại những dòng này, nhiều năm đã vèo rồi. Cụ Màu Văn Huyền cùng bà vợ Lù Thị Vơn ở Bản Chự Mường Bum, có còn khỏe không? Cứ nghĩ dại có khi đã là người thiên cổ?
Và cũng chả biết, qua ngần ấy năm ở tỉnh mới Điện Biên, người ta đã thực hiện cái việc truyền xòe như gần 60 năm trước, ở Nhà hát Lớn Thủ đô có cụ lãnh đạo khen và nhắc cô Vơn không nhỉ?