Người đầu tiên bán được bản quyền giống lúa

Người đầu tiên bán được bản quyền giống lúa
TP - Người cha kỹ sư Đặng Tiểu Bình, người con kỹ sư Đặng Văn Ninh, hai cán bộ Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình 11 năm qua âm thầm thuê ruộng, bỏ tiền lương, tự chọn tạo, khảo nghiệm thành công một giống lúa mới BC15. 
Người đầu tiên bán được bản quyền giống lúa ảnh 1
Kỹ sư Đặng Tiểu Bình (ngồi bên phải) đang ký văn bản chuyển giao giống lúa BC 15 cho CTCP giống cây trồng Thái Bình

Năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, cơm dẻo ngon nên một cân gạo BC15 thường đắt hơn cùng loại.

Công ty CP giống cây trồng Thái Bình đã quyết định mua lại giống lúa BC15 , hoàn thiện và đưa ra sản xuất đại trà để BC 15 thành thương hiệu gạo Thái Bình.

Từ một khóm lúa sống sót sau bệnh dịch

Cách đây 11 năm một buổi sáng vụ xuân 1996, khi ra thăm một mô hình trình diễn giống lúa 13/2 ở cánh đồng Tiền Phong –thành phố Thái Bình, kỹ sư Đặng Tiểu Bình cán bộ Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình thấy một hiện tượng khác lạ: xung quanh nhiều khóm lúa chết do rét nặng có một cá thể đột biến tự nhiên vẫn sống cho bông sai hạt mẩy.

 Ông Bình bỗng nhớ lại lời dặn của thầy Hùng - giảng dạy bộ môn Giống trường Đại học Nông nghiệp: “Khi ra cánh đồng nhìn bông lúa khác lạ thì đó có thể là tiền đề chọn giống tạo một giống lúa mới”. Ông Bình liền cắt hết khóm lúa về gieo cấy. Lúc đó gia đình ông đã thuê riêng 2 sào ruộng để tự mình chọn tạo, khảo nghiệm các giống lúa. 

Sau 12 vụ kiên trì gieo cấy, chọn lọc qua nhiều đời bằng phương pháp phả hệ tại cánh đồng của xã Trần Lãm và xã Tiền Phong với giống đối chứng là giống Q5 cùng một số giống khác, một giống lúa mới mang tên BC15 được hình thành. Tiếp đó giai đoạn chọn giống thuần được tiến hành liên tục trên cánh đồng xã Trần Lãm và một số địa điểm khác.

Đến năm 2004, BC15 được đưa vào  khảo nghiệm tại Trung tâm khảo nghiệm và khuyến nông Thái Bình ; vụ xuân 2005 BC15 được xây dựng các mô hình trình diễn tại các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Tiền Hải (Thái Bình) và một số huyện ngoài tỉnh ; năm 2006 BC15 được đưa lên Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương khảo nghiệm.

Người trợ giúp và giai đoạn sau trở thành cộng sự đắc lực cho kỹ sư Bình  là kỹ sư trẻ Đặng Văn Ninh - con trai ông. 4 năm Ninh học Đại học Nông nghiệp cũng là thời gian bố  anh “đánh vật” với đề tài chọn tạo giống lúa BC15. Vì vậy, tranh thủ những ngày chủ nhật, nghỉ hè, Ninh cùng bố xuống điểm thực hành, giúp bố tổng hợp, lưu giữ số liệu trong quá trình chọn tạo.

Năm 2003, Đặng Đức Ninh  tốt nghiệp, túi đàn cặp sách về quê và sát cánh cùng bố hoàn thành quá trình 11 năm chọn tạo thành công giống lúa mới BC15. Ninh nhận trách nhiệm một mũi khảo nghiệm đưa thêm giống BC15 ra thử mức độ sinh thái, đất mặn, phèn chua trũng các huyện ven biển Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy.

Tại xã Bắc Hải, vụ đầu tiên Ninh đưa vào vùng đất xấu nhất. Tại xã Tây An, Ninh cũng chọn dải ruộng chua, mặn điển hình để đưa BC15 vào thử nghiệm. Mục tiêu của Ninh là tạo áp lực cho giống, tăng thâm canh, thử sức chịu đựng rét, sâu bệnh cho giống. Khi khảo nghiệm càng gặp nhiều khó khăn thì khi ra đại trà giống càng chất lượng. Ninh còn lấy lá bị bệnh đạo ôn nghiền ra phun trên lá BC15 nhằm tạo lây nhiễm nhân tạo.

Qua 6 vụ cho thấy BC15 thích ứng cả trên vùng đất chua mặn và khả năng chống chịu dịch bệnh tốt. Cũng từ đây, Ninh là người thay bố tổng hợp và xử lý tất cả các số liệu của quá trình chọn tạo khảo nghiệm giống BC 15.

Kỷ niệm buồn vui

Người đầu tiên bán được bản quyền giống lúa ảnh 2
Hai cha con kỹ sư Đặng Tiểu Bình và Đặng Văn Ninh

Năm 2004, kỹ sư Bình đem giống xuống Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) trình diễn. Do bón nhiều đạm, đồng trũng, lại cấy dày nên lúa BC15 của gia đình ông Viển bị đạo ôn nặng, giảm  mất mấy chục phần trăm năng suất. Hợp tác xã và kỹ sư Bình phải bù cho gia đình.

Nhưng từ thất bát này, kỹ sư Bình cùng kỹ sư Ninh đã tìm ra lời giải cho BC15, đó là phải phòng trừ đạo ôn từ trước, bón ít đạm và chỉ cấy tối đa 2 giảnh.

Lúa thì ai cũng biết nhưng ít ai được chứng kiến cảnh lúa đổ trong mưa gió. Kỹ sư Bình cùng  cùng cậu con trai Ninh từng khoác áo mưa đứng trên bờ nhìn lúa từ từ đổ. Mưa to dần, trọng lượng nước trên lá tăng và dần dần cây lúa gục xuống. Nhưng hình ảnh đau xót đó lại cho hai kỹ sư biết giống  nào chịu được mưa gió lớn. 

Năm 2006, năm đầu tiên đưa BC15 xuống hợp tác xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Vụ xuân mở rộng ra tới 30 mẫu. Không ngờ thắng lợi thế! Những ruộng cấy càng muộn năng suất càng cao. Có nhà năng suất đạt 85 tạ/ha. Cả ruộng bông nhiều, to, chùng, xếp gối hạt, độ mẩy lên tận cậng bông. Kỹ sư Bình cùng con trai xuống thăm dân ùa ra hoan hỉ, chào đón: “Hay lắm, còn giống nào mới hơn”. Nhất là khi ăn cơm thấy độ mềm dẻo, đậm đà bà con càng thêm phấn khởi, hai cha con không giấu nổi niềm vui.

Kỹ sư Ninh đưa giống BC15 cho một cô ở trạm chăn nuôi mang lên cấy ở Hà Tây.  Lúa tốt vàng một khoảnh đồng, năng suất cao hơn hẳn ruộng liền kề. Khi có giỗ, xát gạo ăn mọi người càng khen nức nở. Bà con cùng xóm đề nghị vụ tới cô về Thái Bình mua giúp giống BC15.

Vụ cấy đầu tiên ở Tây An, Tiền Hải. Một nhà cấy thừa ít mạ, quẳng xuống kênh. Nhiều ngày sau mạ thối hết lá. Do lụt, ông kế toán trưởng hợp tác xã thấy thế túm mấy túm về cấy bù. Nào ngờ mạ tái sinh lên nhanh và cho năng suất cao. Chuyện ấy lan ra cả xã nên vụ sau nhiều hộ chuyển sang cấy BC15.

Cũng ở Tiền Hải có gia đình cấy giống BC15 ở chân vàn thấp, chua mặn, bị lụt, gió bấc đen hết hạt, thế mà vẫn đạt 2,2 tạ một sào trong khi giống khác chỉ được 1 tạ, thậm chí thấp hơn. Hơn nữa, tuy vỏ thóc đen nhưng xát nấu cơm vẫn ngon.

Tại xã Đông Hà (Đông Hưng) quê nội kỹ sư Bình, BC15 tốt bời bời. Bà con nhà quê gọi BC15 là “203 lai”. Trong buổi ăn giỗ, mọi người ăn cơm khen ngon, thế là họ hàng ở Hải Phòng túa vào lấy cấy. Hiện tại ở Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hà Nội (Gia Lâm), Hà Tây, Nam Định (Giao Thủy, Hải Hậu), Hải Phòng đều đã cấy BC 15. Đó là những giây phút hai cha con mừng rơi nước mắt.

Ra đời một thương hiệu

Qua 11 năm nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, trình diễn mô hình triển khai sản xuất thử trong và ngoài tỉnh Thái Bình, hai kỹ sư Đặng Tiểu Bình và Đặng Văn Ninh  đã tạo ra được giống lúa mới BC15 khắc phục được những nhược điểm của các giống lúa như Q5, BT7, Si23..., cao hơn cả về năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập.

Đây là giống lúa cảm ôn, ngắn ngày, sức sinh trưởng mạnh, sinh sản khỏe, có dạng hình bông to, nhiều bông, kết cấu quần thể hợp lý, độ thuần đồng ruộng ổn định cao, thích ứng rộng và ổn định trên nhiều chân đất, chống chịu được đạo ôn, bạc lá, rày nâu, khô vằn, chống rét, hạn, úng chua trũng tốt hơn Q5, đồng thời lại cấy được cả 2 vụ xuân, mùa.

Tại lễ chuyển giao bản quyền giống BC15 giữa kỹ sư Bình, kỹ sư Ninh với Công ty CP giống cây trồng Thái Bình, Tiến sỹ Nguyễn Chí Ngọc – Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu: “Các nhà khoa học ở các Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm đang khao khát phấn đấu tìm ra được giống lúa có thể so sánh với giống lúa Q5.

 BC 15 không chỉ ngang bằng với Q5 mà thực tế còn một số điểm vượt trội, đặc biệt là chất lượng gạo, cho cơm dẻo hơn, đậm hơn, ngon hơn, đẹp hơn. Bao năm qua, Nhà nước đã tốn bao tiền của mà sản phẩm giống đáp ứng được yêu cầu thị trường còn rất nhỏ.

Hai cha con, hai kỹ sư của một gia đình cặm cụi hơn 10 năm khảo nghiệm chọn tạo tìm ra được một giống lúa BC15 ưu việt là một việc làm rất đáng biểu dương khen ngợi, mở ra hướng chọn tạo và tiến tới hình thức đấu thầu trong chọn tạo giống mới. Việc làm này rất ích nước lợi nhà”.

Đặc biệt giống BC15 cho gạo trong, cơm dẻo đậm, hương vị đặc trưng nên được người sản xuất, tiêu dùng ưa chuộng và giá gạo thường đắt hơn gạo cùng loại 1 ngàn đồng/cân. Như thế một tấn thóc bà con nông dân đã có thêm 1 triệu đồng thu nhập.

Theo số liệu đánh giá chất lượng cơm các giống lúa của Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương trên các chỉ tiêu mùi thơm, độ mềm, độ dính, độ trắng, độ bóng, độ ngon thì BC 15 ngang ngửa với các giống lúa thơm đã thành danh như  Hương thơm 1, Khang Dân 18, Hương Cốm, Tám dự 1...

Tôi may mắn đã được nâng bát cơm BC15, cảm nhận thơm ngon không thua kém gì gạo Bắc Thơm, gạo Tám mà giá lại rẻ hơn tới 4 ngàn đồng/cân và chợt nhớ đến lời tâm sự của cha con kỹ sư Bình: “Gạo  Bắc Thơm, gạo Tám  ngon thì ngon thật nhưng cũng chỉ có khoảng một hai chục % người dân đủ tiền ăn.

Còn BC15 từ người nông dân đến người công nhân viên chức cán bộ đều mua được. Hạnh phúc của cha con tôi sau 11 năm là ở đó. Vì thế chúng tôi quyết định bán bản quyền để BC15 nhanh chóng sai bông mẩy hạt trên những cánh đồng trong tỉnh và trong cả nước chứ không hẳn vì cái giá 200 triệu đồng”.

Tôi được biết, đây là trường hợp đầu tiên ở nước ta một tư nhân bán bản quyền giống lúa và tin rằng BC 15 sẽ trở thành thương hiệu gạo Thái Bình, thương hiệu gạo Việt Nam.

MỚI - NÓNG