Người đạp xích lô già nhất xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
Ông Năm “xích lô” ghi số điện thoại của mình lên chiếc mũ cối để khỏi quên
Ông Năm “xích lô” ghi số điện thoại của mình lên chiếc mũ cối để khỏi quên
TP - Ông Bùi Văn Năm (ở khối 16, phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) có lẽ là người đạp xích lô nhiều tuổi nhất không chỉ ở thành Vinh. Phút nghỉ ngơi, ông ngả người trên chiếc xe xích lô đã gắn bó hơn nửa đời người. Đôi bàn tay to, thô ráp như chợt nhớ, chợt quên, thi thoảng lại cố cài lại tấm áo chỉ còn lủng lẳng vài hạt cúc...

Ông Năm“xích lô”

Chẳng biết đã vận vào cái nghề “đạp xích lô” từ bao giờ, chỉ biết là đã hơn 40 năm qua, người ta vẫn thấy một ông già tóc trắng xóa, gương mặt chi chít những nếp nhăn thường ngồi chờ khách ở địa chỉ số 80, đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, nơi ông đã gắn bó hơn hai thập kỷ. Cũng như bao ngày mưa nắng khác, ông Năm rời nhà lúc 7 giờ sáng đến địa chỉ quen thuộc chờ khách. Không phải chờ lâu, ông Năm được khách thuê chở 5 tạ xi măng và mấy cuộn thép. Một chuyến xe như thế, ông Năm được trả 50 nghìn đồng. Nếu trước đây, chuyến xe này ông chỉ chở một lần là hết nhưng vài năm trở đây, do sức khỏe giảm sút, ông phải chia làm hai lần đi. Gần một tiếng sau, ông Năm quay lại chỗ ban đầu, tiếp tục chờ khách.

Ông Năm bảo, bình thường mỗi ngày ông chở chừng 7-8 cuốc xe. Ở tuổi 90 không thể chở nhiều và chở xa như trước được nữa. Hơn một năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch, công việc của những người hành nghề xích lô như ông cũng bị bó hẹp và khó khăn hơn nhiều. Ngày may mắn, ông chở được vài ba cuốc, cũng kiếm được trăm nghìn mua mớ rau, con cá, nhưng có ngày về không. “Trước đây, chở 7, 8 tạ xi măng là chuyện bình thường, giờ chỉ chở được dăm tạ, chia làm hai ba lần chở mới hết. Năm qua dịch dã nên cũng ít việc”, ông thở dài.

Ngồi nghỉ trên chiếc xe xích lô đã phai màu theo năm tháng, ông Năm nhớ lại một thời trai tráng đầy sôi nổi ra Bắc vào Nam, chiến trường gần chiến trường xa. Năm 22 tuổi, cũng như hàng trăm thanh niên khác, Bùi Văn Năm hăm hở tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua những năm tháng chiến đấu, chàng lính pháo binh trở về quê hương, lập gia đình và chuyển sang một bước ngoặt mới. Với đồng lương hưu ít ỏi, thật khó sống ở mảnh đất thị thành này, ông chọn mưu sinh bằng điều khiển phương tiện hai càng, kéo xe ba gác. “Tôi nhớ thời đó ở Vinh làm gì đã có công nông, ô tô. Sang lắm thì có xe ngựa, còn lại chỉ có xích lô ba gác”, ông nhớ lại. Theo lời kể của ông Năm, thời đó không chỉ có mình ông mà cả con cái rồi hàng chục người ở cái đất Hưng Bình này cũng chọn cái nghề lắm nhọc nhằn này để mưu sinh. Ròng rã suốt 10 năm, ông Năm nuôi gia đình mình bằng những cuốc ba gác xuyên khắp hang cùng ngõ hẻm. “Tôi có sức khỏe, vì thế tôi chỉ biết chọn cái nghề bán sức này để đổi lấy cơm gạo. Khi tôi lấy vợ, có con thì chiếc xe thô sơ này đã “chở” cuộc sống cho cả gia đình”, ông Năm tâm sự.

Đầu những năm 90, ông Năm chuyển từ nghề ba gác sang đạp xích lô. Cũng là nghề lao lực cả nhưng theo ông Năm chở hàng hóa bằng xích lô nhẹ nhàng và nhanh hơn. “Còn nhớ, cách đây vài chục năm, nếu như một ai đó đến thành phố Vinh, được ngồi trên xích lô để đi đây, đi đó, dù một đoạn ngắn thôi là “oai” lắm. Nhưng nhiều năm nay, những chiếc xích lô bị lép vế trước sự phát triển ồ ạt của xe đạp điện, xe máy, ô tô. Thế rồi, xích lô dần vắng bóng. Thi thoảng, người ta bắt gặp một vài chiếc xích lô oằn mình trên phố với hàng hóa cồng kềnh, nặng nhọc. Tôi thì từ xưa đến nay chỉ chở hàng chứ chưa bao giờ chở người”, ông Năm trải lòng.

Xích lô có những điểm mạnh riêng, ấy là sự lựa chọn tối ưu cho những khách hàng có nhu cầu chở hàng hóa.Với thế mạnh của mình, những người đạp xích lô ít khi nào thiếu việc. Nếu sức khỏe tốt, người lao động có việc làm quanh năm. Không quá dư dả, nhưng cái nghề nhọc nhằn này cũng không phụ người. “Nói đến nghề đạp xích lô là nói tới nghề bán mồ hôi lấy tiền. Không thể kể hết được những nhọc nhằn, vất vả trong nghề. Nhưng bao năm qua đi, tôi vẫn gắn bó với nghề. Một phần tuổi đã cao, tôi cũng chẳng biết làm nghề gì, phần nữa làm nghề đã hơn bốn chục năm nên gắn bó, quen thuộc. Một ngày không đi làm, thấy buồn chân, buồn tay lắm”, ông Năm chia sẻ.

“Còn sức thì còn đạp”

Người đạp xích lô già nhất xứ Nghệ ảnh 1 Ông Năm “xích lô”

Ông Năm có 5 người con, gồm 2 trai, 3 gái. Các con ông đều lớn lên bằng những giọt mồ hôi và đôi chân rã rời của cha. Tuy vậy, những người con của ông không may mắn có cuộc sống sung túc, phú quý như những người khác. Điều đó cũng khiến ông Năm đau đáu hằng đêm. Hai người con trai của ông trước cũng hành nghề xích lô như cha nhưng nay đều chuyển sang làm phụ hồ, cũng chỉ làm công nhật kiếm sống qua ngày. “Con cái trưởng thành lập gia đình rồi ra riêng cả. Mình không giúp được con, cũng chỉ hy vọng không trở thành gánh nặng cho chúng là mừng rồi”, ông nói, ánh mắt xa xăm, đượm buồn.

Vợ ông, bà Phạm Thị Hồng ra đi trong một ngày trời nổi gió cách đây hơn 5 năm. Từ ngày đó, ông Năm trở thành “gà trống nuôi con”. Sinh thời, chưa khi nào người ta thấy bà Hồng phải làm một việc gì nặng nhọc hay nghe một lời nào to tiếng từ người đàn ông được xem là trụ cột trong gia đình. Tất cả đều một tay ông Năm lo toan, gánh vác một cách chu toàn. Ngày hay tin vợ mất, ông trở nên lặng lẽ, trầm tư hơn. Người ta thấy ông không còn tếu táo kể những câu chuyện đời, chuyện nghề nữa. Bẵng đi mấy tháng, người ta không thấy ông Năm “xích lô” ở vị trí cũ chờ khách. Khách hàng gọi điện cũng không thấy ông trả lời. Và mọi người đã nghĩ ông Năm bỏ nghề. Nhưng rồi sau những mất mát quá lớn, khi nỗi đau dần nguôi ngoai, ông Năm “xích lô” lại xuất hiện ở vị trí cũ, già nua hơn.

“Đã ở tuổi gần đất xa trời rồi mà ông phải cực như thế?” - tôi hỏi. “Còn sức thì còn đạp thôi. Tôi thấy mình vẫn còn làm được, chưa phải dựa dẫm, phụ thuộc vào con cháu. Hơn nữa, giờ tôi còn phải kiếm tiền nuôi đứa con gái tật nguyền. Đồng lương hưu thì không đủ trang trải. Vả lại, hàng ngày đi làm được gặp nhiều người, được hòa mình vào nhịp sống sôi động, náo nhiệt, với tôi cũng là một niềm vui”, ông Năm cười đôn hậu.

Cứ thế, những vòng xe lúc nhanh, lúc chậm ông già “xích lô” tuổi “cổ lai hy” vẫn lặng lẽ oằn mình giữa phố xá inh ỏi tiếng còi xe. Ông bảo, người ta có thể gác sau yên xe máy vài bao xi măng, vù một cái là đến nơi cần đến nhưng họ đã không làm vậy, họ gọi cho ông vì đơn giản quý mến ông, muốn ông có thêm việc làm.

Tôi nhìn lên chiếc mũ cối màu xanh đã phai màu có ghi rất rõ nét số điện thoại. “Già rồi, lúc nhớ lúc quên nên phải ghi lên đây khi khách hỏi là có liền. Nhờ đó mà khách lạ cũng thành khách quen đấy”!, nheo đôi mắt, ông Năm cười nhẹ tênh.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.