Người đạp xe khắp Việt Nam để chống ma túy

Người đạp xe khắp Việt Nam để chống ma túy
TP - Người đàn ông này có vẻ giống “dị nhân” khi bỏ lại tất cả ở TPHCM, một mình  đạp xe đi khắp Việt Nam chuyển thông điệp “Thanh niên nói không với ma túy”.
Người đạp xe khắp Việt Nam để chống ma túy ảnh 1
Võ Phú Hùng giao lưu với các bạn trẻ ở Quảng Bình

Vượt hàng nghìn cây số ra đến Hà Nội, anh tiết lộ với tôi rằng để đi được như thế anh phải cần đến một loại “doping đặc biệt”…

Mê đi hơn mê vợ

Võ Phú Hùng nói thật mà nghe như đùa rằng: anh sắp xếp cho chuyến đi xe đạp khắp đất nước từ khi còn… học lớp 4. Hồi đó, Hùng học giỏi nên được cô giáo  chủ nhiệm người Huế ở gần nhà chở đi học bằng xe đạp.

Cô hay giảng về tấm gương của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Với chất giọng xứ Huế dịu dàng, cô giáo thường kể về những danh lam thắng cảnh gắn với các di tích lịch sử theo dặm dài đất nước.

Từ các giờ học ấy, Hùng lặng lẽ ấp ủ ước mơ: lớn lên sẽ đi khắp mọi miền Tổ quốc để khám phá những vùng đất tươi đẹp  và chiêm nghiệm lời cô giáo giảng.

Ước mơ đó ngày càng thôi thúc, giục giã. Hùng âm thầm chuẩn bị cho ngày lên đường một cách nghiêm túc, cẩn thận đến mức tưởng như lẩn thẩn. Anh học rất nhiều trường, từ cơ khí, điện tử, mỹ thuật, âm nhạc, võ thuật, y học… nhưng không chịu... tốt nghiệp.

Hùng giải thích: “Tôi học nhiều để sử dụng kiến thức đó trong chặng hành trình đi khắp đất nước bằng xe đạp nên không cần tốt nghiệp. Học cơ khí để sửa chữa xe đạp nếu hư hỏng dọc đường, học võ để tự vệ,  học mỹ thuật để vẽ các phong cảnh đẹp…”.

Năm 1992, Hùng đạp xe lên đường thực hiện ước mơ đi khắp đất nước, nhưng đi đến Quảng Bình thì phải quay lại vì hết tiền. Lần thất bại đầu tiên đã khiến Hùng nhận ra rằng: dù đã ấp ủ dự định này mấy chục năm trời, nhưng mình vẫn chưa chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.

Từ đó, anh làm việc cần cù hơn trong tiệm hớt tóc của mình ở quận Bình Tân để tích luỹ tiền cho chặng hành trình dang dở.

Bố mẹ lo lắng Hùng sẽ bị cuốn theo những chuyến đi mà quên… lập gia đình nên đã nài ép anh lập gia đình để “trói” chân đứa con trai ưa xê dịch. Hùng lấy vợ nhưng lại mê đi hơn… vợ.

Người vợ không “sống chung” được với dự định đi xe đạp khắp đất nước của chồng nên họ chia tay nhau khi đã có một cậu con trai.

14 năm sau chuyến đi đầu tiên dang dở, Hùng quyết định thực hiện hành trình thăm 64 tỉnh thành đất nước. Nhưng lần này anh cẩn thận đến mức đi khảo sát trước bằng xe máy.

Đi xuyên Việt rõng rã 17 ngày, Hùng trở về, vẽ một tấm bản đồ dự kiến những tỉnh thành mình sẽ qua. Anh vẽ đẹp và chuyên nghiệp đến nỗi có cảm giác tấm bản đồ được làm ra từ một Cty du lịch lớn.

Sau đó, Hùng bỏ 100 nghìn đồng mua lại chiếc xe đạp sườn ngang và chi phí hết 250 nghìn đồng để tu sửa lại cho chắc chắn. Một ngày tháng 6, Hùng gọi điện thông báo cho tôi: “Mình sắp đi rồi, và đã tìm được bạn đồng hành”.

Bạn đồng hành của Hùng là Đức Tân, tác giả tập truyện thơ “Giang hồ rẽ lối”. Đức Tân từng ngang dọc trong giới giang hồ, từng là tướng cướp khét tiếng trên tàu thống nhất Bắc - Nam, từng nghiện ma tuý nặng…

Nhưng sau đó, tướng cướp đã hoàn lương và viết một câu chuyện bằng thơ đầy sám hối kể lại cuộc đời tội lỗi của mình. Trong đó, bằng trải nghiệm của cả quãng đời lầm lạc, Đức Tân đã khuyên thanh niên tránh xa ma tuý. Võ Phú Hùng xúc động sau khi đọc “Giang hồ rẽ lối”, anh gọi điện cho tác giả chia sẻ sự đồng cảm và dự định đi xe đạp khắp Việt Nam. Đức Tân lập tức lên tàu vào TP. HCM. Anh muốn làm bạn đồng hành với Võ Phú Hùng. 

Thông điệp chống ma tuý từ những vòng quay

Sau nhiều nghĩ ngợi, trăn trở, cuối cùng Hùng quyết định lấy thông điệp cho chuyến đi của mình: “Vì một xã hội giàu đẹp văn minh, thanh niên Việt Nam nói không với ma tuý”.

Người đạp xe khắp Việt Nam để chống ma túy ảnh 2
Võ Phú Hùng ngủ lại dọc đường

Anh bảo: “Suốt bao nhiêu năm lúc nào mình cũng mơ ước làm một điều gì đó đóng góp một phần nhỏ bé của mình để bài trừ ma tuý. Mỗi ngày sự đau xót nhân lên gấp bội, khi phải chứng kiến những cái chết, những cuộc đời tàn tạ và bao tội ác do ma tuý gây nên.

Với ước mơ về một xã hội văn minh, không ma tuý nên suốt mấy năm qua, mình liên tục tìm mọi cách liên lạc qua internet với bạn bè trong cả nước để cùng nhau cất một tiếng nói chung, một hành động chung”.

Ngày 1/6/2007, Võ Phú Hùng nhấn bàn đạp bắt đầu cuộc hành trình theo dặm dài đất nước, xuất phát từ nhà thờ Đức Bà ở TPHCM. 2 kg gạo, 3 lon đồ hộp, 1 hộp sữa đặc, 1 gói lương khô, chai nước khoáng, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, bếp ga, chăn chiếu, vài bộ quần áo, máy ảnh…

Tất cả tổng cộng 35kg cho cuộc trường chinh hàng nghìn cây số. Đến giờ chót, Đức Tân bỏ cuộc vì lý do sức khoẻ, Hùng độc hành với lá cờ trên đầu xe mang theo thông điệp chống ma tuý.

Ngày đi, đêm nghỉ, tự  nấu ăn chứ không cho phép mình được vào quán xá, đối với anh như thế là “xa xỉ”. Trời tối, dù mệt mỏi rã rời, Hùng cũng chẳng chịu tìm một nhà trọ rẻ tiền ngả lưng mà dựng qua quýt túp lều bạt dưới chân núi, trên vỉa hè… để ngủ.

Anh cảm thấy may mắn khi gặp một cái nhà hoang hay lều muối của những cư dân miệt biển bỏ không, thế là an tâm đánh một giấc ngon lành đến sáng.

Người độc hành mỗi ngày nhận khoảng 100 cuộc điện thoại, 100 e-mail

Độc hành. Nhưng đi đến đâu cũng được nhiều người đón tiếp ân cần nên Hùng chưa bao giờ cảm thấy buồn và cô đơn.  Một ngày trên đỉnh núi Bà Nà ở Đà Nẵng, nhìn xuống thấy toàn cảnh thành phố và màu xanh biếc vô cùng của biển lấp lóa trong nắng, Hùng và những người bạn trẻ mới quen cùng nhau nói về thông điệp chống ma tuý, về ý nghĩa của cuộc sống….

Có một người con gái Đà Nẵng xúc động trước nghị lực và tấm lòng của Hùng, đã tặng anh một chiếc áo sơ mi để anh mặc dọc đường gió bụi. Cho đến giờ Hùng vẫn chưa dám mặc tấm áo ấy vì muốn giữ để làm kỷ niệm…

Một buổi trưa Hùng nhấn bàn đạp leo đèo Hải Vân. Đèo cao, cao mãi, nắng, gió và màu xanh của biển ùa vào mắt anh. Mồ hôi đẫm ướt lưng áo, cổ họng khô cháy, đúng lúc ấy trên đỉnh dốc, một bàn tay vẫy anh và đưa ra một chai nước mát lạnh.

Tất cả những tỉnh thành đi qua, Hùng đều ghi lại hình ảnh bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số mang theo. Những hình ảnh đó được anh cập nhật liên tục trên trang website: www.vophuhung.com.

Hùng tâm sự : “Du khách biết Việt Nam nhiều qua các biểu tượng, tôi muốn website: www.vophuhung.com của mình là nơi cho mọi người thấy được những khung hình cận cảnh tuyệt vời của đất nước mình”. Có lẽ nhờ những bức ảnh đầy hơi thở cuộc sống theo dặm dài của mảnh đất hình chữ S  mà trang web của Võ Phú Hùng tuy ra đời chưa lâu nhưng đã có lượng độc giả đáng kể.

“Mình đã đến cửa ngõ Hà Nội rồi”, Hùng gọi điện cho tôi. Nước da sạm đen vì nắng gió, chiếc xe đạp chở hành lý và gắn lá cờ ghi thông điệp chống ma tuý phủ bụi đường, anh xuất hiện lạ lẫm trên đường phố thủ đô. Chúng tôi ngồi bên quán nước vỉa hè, giọng Hùng âm vang như thể chưa trải qua một chặng đường dài hơn 2.000 km.

“Mình và chiếc xe vẫn “chạy tốt” , vẫn đủ sức để đi tiếp mấy nghìn cây số nữa”.  Hùng bắt đầu kể về những kỷ niệm dọc đường đi, những tấm chân tình của người dân dọc đường khiến cho anh quên đi cái gió Lào ngược chiều trên Đèo Ngang ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh, quên đi cái nắng như đổ lửa ở Nghệ An, quên đi một đêm vừa đặt lưng ngủ ở ven rừng thì một cơn mưa bất thần đổ xuống…

Đang ngồi, chợt Hùng như sực nhớ ra điều gì, “Chờ mình một lúc nhé”. Hùng chạy qua quán internet bên cạnh. Một lúc sau, quay lại bảo: “Ngày nào mình cũng vào mạng để post những tâm ảnh của mình chụp dọc đường lên trang web vophuhung.com và đọc thư của các bạn gửi về.

Một ngày trung bình mình nhận được 100 lá thư và 100 cuộc điện thoại của các bạn khắp mọi miền đất nước lẫn nước ngoài gọi về số máy 0909438201 của mình. Họ động viên, bày tỏ sự ủng hộ đối với chuyến đi”.

Quán internet Hùng vừa vào post ảnh lên đã không lấy tiền của anh. Nhiều quán internet mà Hùng ghé qua trên đường thiên lý Bắc- Nam đều cho anh dùng miễn phí.

Đang đi trên đường Thanh Niên, một chàng trai phóng xe đến bên cạnh Hùng, nói như reo: “Ô, anh Hùng đạp xe khắp đất nước.  Bọn em muốn gặp anh”.

Tối hôm đó, Hùng giao lưu với các nhóm bạn của chàng trai kia ở một quán cafe, khuya về  anh trải chiếu nằm ở bãi để xe của Bệnh viện Bạch Mai trong cái nắng nóng của Hà Nội. Hùng bảo: “Mình quen như thế rồi mà. Hà Nội an ninh tốt thật đấy, xe đạp mình để không khóa mà sáng ra vẫn còn nguyên”.

Chiều hôm sau, Hùng giao lưu với các bạn trẻ trong nhóm “cộng đồng blog”, ở công viên Bách Thảo, rồi đi lên Hồ Tây, Hồ Gươm, Nhà hát Lớn chụp ảnh. Nhiều cô cậu 8X đã chụp ảnh, xin chữ ký của Hùng như thể anh là một ngôi sao.

Tôi cưỡi lến chiếc xe của Hùng đạp thử. Chỉ một lát đã thấy vã mồ hôi trên đường phố rải nhựa phẳng lì. Trong giây lát, tôi băn khoăn tự hỏi: “Chẳng hiểu người đàn ông này lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua những con đèo như Đại Ninh, Cù Mông, Đèo Ngang, Hải Vân rồi Pha Đin?”.

Và tôi đã có câu trả lời khi Hùng bảo: “Mình thấy vui vì chuyển được thông điệp “thanh niên Việt Nam nói không với ma tuý” đến với các bạn trẻ khắp mọi miền đất  nước và được mọi người đón nhận. Đó là liều đô-pinh đặc biệt  giúp mình quên hết mệt nhọc.

Nếu điều kiện cho phép mình còn định đạp xe qua ba nước Đông Dương và khắp thế giới để chuyển những thông điệp tốt đẹp của Việt Nam tới bạn bè quốc tế”. Võ Phú Hùng vẫy tay chào tôi, nhấn bàn đạp.

MỚI - NÓNG