Chúng tôi hẹn gặp ông trong một chiều cuối tháng 11. Ông cụ ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” có dáng người “gầy như không thể gầy hơn” đang ngồi gói ghém, sắp xếp lại toàn bộ những đứa con tinh thần của mình với hơn ngàn cuộn băng cát-sét, đĩa DVD, tranh ảnh, sách vở, tài liệu….với ánh mắt rưng rưng đầy lưu luyến! Nhìn dáng vẻ gầy nhom của ông, tôi tự hỏi: Sức mạnh nào giúp ông vượt qua những trở ngại của sức khỏe để vẫn làm việc, vẫn cống hiến dù ông đã có quyền được nghỉ ngơi?
Ròng rã nhiều năm trời, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên lặn lội khắp các buôn, làng người Raglai của ba tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận để phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai bị mai một, mất mát hàng chục năm qua.
Văn hóa phía sườn đông bấy nay mờ phủ trong bóng núi. Bao khó khăn, thử thách tưởng phải dừng bởi không một vết tích từ sách vở, tài liệu đến thực tế. Đồng bào Raglai người mặc đồ Chăm, người mặc đồ Kinh, có nơi phụ nữ còn cởi trần mặc váy… sau rất nhiều lần hy vọng rồi lại thất vọng ông đã gặp một phụ nữ Raglai trên núi cao mặc một bộ đồ đặc biệt mà theo nhiều dấu tích lần mò, tìm hiểu đã cho ông hy vọng đây chính là thứ mình tìm. Lại tiếp tục hành trình điền dã, sưu tầm, lấy ý kiến, dựa vào lời kể Sử thi về trang phục… nhiều hội thảo, nhiều cuộc trưng cầu để cuối cùng hôm nay người Raglai biết rằng trang phục cổ truyền của tộc người mình là có thực.
Chỉ có thể kể ra đây một vài công trình tiêu biểu, những dấu ấn đậm nét mà ông mang lại. Bởi lẽ, làm sao kể hết hàng ngàn đường rừng in dấu chân ông, hàng ngàn buôn làng, dốc cao, sông suối in bóng hình ông, hàng trăm nghệ nhân ông đã nghe họ hát hàng đêm, hàng tháng dài hơn cả một đời người, hàng ngàn thước phim, tranh ảnh ông ghi, ông nhớ, như một bảo tàng sống của Văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai từ âm nhạc, lễ hội, các làn điệu dân ca, đến nhạc cụ, trang phục cổ truyền và sử thi…
Hầu hết các Lễ hội Chăm đã được ông sưu tầm, phục dựng. Tất cả các bài bản của lễ nhạc (75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai đã được sưu tầm và kí âm). Đặc biệt, với nhạc cụ Chăm, ngoài trống Ginăng, Paranâng, kèn Saranai ông đã phát hiện ra bộ Trống thiêng loại nhỏ đi với 2 cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây, bộ nhạc cụ này chỉ xuất hiện trong hai lễ hội nên rất ít người biết đến.
Với nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài. Đồng thời có những nhạc cụ đã mất, ông không chỉ phát hiện mà còn khôi phục lại. Đó là Trống đất, Chiêng nứa, Kèn bầu Sarakel. Chắc chắn là những cái tên mọi người lần đầu được nghe đến. Nếu bạn muốn thưởng lãm xin mời về làng Yarot, làng Do xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) và làng Rô On (xã Phước Hà) tỉnh Ninh Thuận.
Điểm đặc biệt ông mang lại đó là sự kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc qua Lễ hội Festival Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã được quốc tế thích thú và thán phục. Ở đây, ông đã phục hiện lại các Lễ hội Chăm với cụm diễn xướng tổng hợp giữa Hát lễ - Nhạc lễ (Hai vị chức sắc Mâduer và Kadhar) và Múa lễ (bà Bóng, ông Bóng) tạo nên nét đặc sắc hiếm có.
Cùng với việc sáng lập ra ba Đoàn nghệ thuật bán chuyên Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận, Mỹ Sơn - Quảng Nam), ông đưa văn hóa dân gian Chăm lên một tầm vóc mới: sang trọng hơn, tinh luyện hơn, có thể sánh cùng văn hóa các dân tộc anh em trên sân khấu chuyên nghiệp.
Không dừng lại ở vai trò một người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, với tình yêu, đam mê của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã ấp ủ và trăn trở giấc mơ làm sao để ươm mầm cho cây Văn hóa dân gian ra hoa kết trái. Không làm được điều đó thì việc sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ sẽ khó phát triển. Chính vì vậy, ông đã vận động các tổ chức tài trợ địa phương và trung ương thực hiện các dự án truyền dạy văn hóa dân gian không chỉ trong các làng, xã mà đặc biệt là truyền dạy trong tộc, họ.
Cứ thế, như một mạch nguồn tự nhiên tuôn chảy, như dòng sữa ngọt ngào thấm mát tâm hồn trẻ thơ… nhiều thanh niên Chăm, Raglai từ đây trở thành những nghệ sĩ đàn, hát không chuyên, nhiều em thành tài. Hơn 150 em khắp các buôn làng, cùng rất nhiều nghệ nhân đã giúp cho cây văn hóa dân gian Chăm, Raglai ra nhiều quả ngọt.
Nhưng sau tất cả, điều ông tâm đắc nhất là khi chứng kiến những đứa trẻ ngồi bên mẹ, say sưa cùng hát, cùng đàn những giai điệu dân ca của dân tộc mình. Người Chăm, người Raglai tự tin, tự hào, tự tôn “tôi là người Chăm, tôi là người Raglai”.
Niềm hạnh phúc nhất của ông là hàng đêm vẫn được nghe đâu đó cái réo rắt của kèn Saranai, cái bập bùng của Paranâng, Trống Đất, cái âm vang của Mã la, Chiêng Nứa và dịu dàng, tha thiết của kèn bầu Sarakel. Ông cảm thấy ấm áp khi nhìn người Raglai mặc trang phục cổ truyền của họ, sẽ cùng núi rừng ngân nga mãi giai điệu Sa-Ea. Và tôi hiểu vì sao người Chăm, người Raglai luôn gọi ông bằng một tiếng gọi yêu thương, ruột thịt “Bố Liên”!
Gặp ông, trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu chính đam mê cháy bỏng mãi không ngừng chảy trong những giai điệu dân ca Gi năng, Saranai, Mã la, Sarakel là nguồn năng lượng dồi dào đưa ông vượt qua mọi khó khăn thử thách để tạo lập nên những công trình nghiên cứu có giá trị.
Sống bằng nghị lực, sống để khai phá, ông đã vực dậy cả một kho tàng văn hóa đồ sộ đang bị lãng quên! Bóng núi phía sườn đông đã bừng thức. Hôm nay, đến các làng Raglai vào dịp lễ, tết đều thấy các bà, các chị, các cháu học sinh “diện” trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên từng hiến dâng cả tuổi thanh xuân bằng việc tình nguyện đi chiến trường B, từng bị địch bắt tù đày suốt 8 năm ở nhà tù Pleiku và Phú Quốc. Ông dành niềm đam mê cho nghệ thuật từ khi là một trong những thành viên đầu tiên tạo lập nên đoàn ca kịch bài chòi liên khu V.
Tình yêu ấy dẫn dắt ông một cách tự nhiên đến với văn hóa dân gian Chăm và Raglai để rồi càng tìm hiểu, càng say mê, thậm chí niềm đam mê ấy còn biến thành liều thuốc tinh thần giúp ông vượt qua nhiều cơn bạo bệnh. Ông đã được tặng nhiều huân, huy chương, nhiều bằng khen, giấy khen và các giải thưởng của Nhà nước mà tiêu biểu là Giải thưởng Nhà nước năm 2017 về Văn hóa nghệ thuật - sưu tầm nghiên cứu văn hóa phi vật thể Chăm và Raglai.