Người dân vùng động đất mong Tết bình yên

Người dân vùng động đất mong Tết bình yên
TP - Với người dân tộc Cor và Ca Dong, Tết mùa là tết quan trọng nhất trong năm, khi hạt lúa rẫy đã thu hoạch về, người dân làm lễ mừng lúa mới để tạ ơn đất trời.

> 75 trận động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2
> Động đất mạnh 4 độ Richter ở Bắc Trà My

Người dân vùng động đất chắt chiu từng hạt lúa rẫy để đón Tết. Ảnh: Nguyễn Thành
Người dân vùng động đất chắt chiu từng hạt lúa rẫy để đón Tết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tết mùa năm nay với bà con ở Bắc Trà My (Quảng Nam) ngắn ngủi và chóng vánh vì động đất xảy ra đúng lúc người dân đang tổ chức lễ. Giờ đây, khi Tết Nguyên đán đang cận kề, dân nghèo nơi đây lại mong có được cái Tết không động đất.

Đang vui thì động đất

Ông Hồ Văn Năm, người dân xã Trà Đốc - địa phương sống dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2, nhớ lại: Ngày 27-12-2012, nhà ông tổ chức ăn mừng tết lúa mới. Dân làng kéo đến nhà ông ăn uống chúc tụng. Đang vui vẻ thì động đất xảy ra, nhà rung lắc. Ché rượu để trên sàn nhà ngã lăn, rượu đổ lênh láng. Mọi người hoảng hốt bỏ về. Bữa cơm mừng lúa mới diễn ra ngắn ngủi.

Cả gia đình ông sợ hãi vì ché rượu cúng Giàng bị đổ là một điềm báo chẳng lành theo quan niệm của đồng bào. Sau trận động đất, người dân không ai làm lễ cúng mùa nữa.

Gia đình ông Hồ Văn Xí (thôn 3, xã Trà Đốc) thuộc diện tái định cư lòng hồ lên đây đã hơn 3 năm. Từ đó, gia đình 7 nhân khẩu này sống trong cảnh thiếu thốn, chạy ăn từng bữa bởi, đất sản xuất không có, nhà tái định cư không phù hợp, xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nước sinh hoạt.

Đã 80 tuổi, nhưng hằng ngày ông Xí vẫn cùng con cháu đi bộ gần 3 giờ đồng hồ về lại rẫy cũ ở vùng lòng hồ để mưu sinh. Đất rẫy còn lại ít vì tất thảy đã nằm sâu dưới lòng hồ.

Mấy năm nay, lúa làm không đủ ăn nên cơm phải độn sắn, khoai thường xuyên. Năm nay, gia đình ông chỉ được 2 bao lúa nên ông Xí không làm tết mùa.

Nhìn ché rượu cần là tài sản quý giá nhất của gia đình để ở góc nhà, ông Xí buồn rầu: “Khi còn nơi cũ, năm nào cũng ăn mừng lúa mới tươm tất, con cháu vui mừng cả tháng. Từ khi lên đây, tết mùa chẳng còn vì lúa không đủ ăn lấy đâu ra mà làm tết!”.

Đành lấy tiền hỗ trợ sửa nhà để mua gạo

Căn nhà anh Hồ Văn Dũng nằm kế nhà ông Năm. Hai vợ chồng anh cùng 3 đứa con sống kham khổ. Để nuôi sống gia đình, anh Dũng phải đi làm phu vàng ở Trà Leng.

Chui hầm đào vàng, dù biết nguy hiểm, hầm có thể sập bất cứ lúc nào vì động đất nhưng anh vẫn liều mạng mưu sinh. Những ngày cuối năm động đất tiếp tục xảy ra, hầm vàng bị cấm, anh Dũng về nhà đi rẫy cùng vợ.

Cũng vì động đất, ngôi nhà tái định cư của gia đình anh bị nứt nẻ, lo sợ anh Dũng phải dựng nhà gỗ để ở. Vừa qua, được hỗ trợ 2 triệu đồng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng số tiền quá ít, không đủ sửa nhà nên anh Dũng dùng để mua gạo nuôi con.

Người dân nghèo vùng TĐC thủy điện Sông Tranh 2 mơ cái Tết yên bình không động đất
Người dân nghèo vùng TĐC thủy điện Sông Tranh 2 mơ cái Tết yên bình không động đất.

Chị Hồ Thị Lan, vợ anh Dũng nói: “Hồi còn ở nơi ở cũ sướng lắm, tết mùa kéo dài đến Tết của người Kinh”. Đứa con trai của hai vợ chồng anh chị, cháu Hồ Văn Tùng học lớp 5 nhưng ốm yếu gầy gò, xanh lét. Hỏi Tùng, Tết đến thích bố mẹ mua gì, em nói: “Thích bố mẹ mua cho bộ áo quần mới”.

Vợ chồng già làng Hồ Văn Xuôi, vừa thu hoạch lúa từ rẫy về. Từng hạt lúa được 2 vợ chồng già Xuôi nâng niu bởi từ ngày về tái định cư làm ra hạt lúa khó gấp nhiều lần vì đất sản xuất không có.

“Nơi ở cũ còn có ruộng lúa nước, dân làng làm dư ăn, còn có để dành. Ở đây chỉ có lúa rẫy làm cả mùa chỉ đủ ăn vài tháng, thiếu đói triền miên”, già Xuôi nói.

Từng là già làng của 131 hộ nhưng nay thôn 3 chỉ còn 26 hộ. Số hộ bỏ làng tái định cư về nơi ở cũ ngày càng tăng. “Cứ đà này rồi dân làng bỏ đi hết thôi”, già Xuôi buồn rầu.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch xã Trà Đốc, cho biết: “Người dân vùng động đất, nhất là người dân vùng tái định cư vốn nghèo khổ. Tết nhất cận kề, chính quyền xã chỉ biết động viên chia sẻ với bà con. Mong sao động đất hết, để dân làng an tâm đón tết, làm ăn thoát nghèo”.

Để hỗ trợ người dân, huyện Bắc Trà My đang làm việc với BQL dự án Thủy điện 3 để yêu cầu hỗ trợ cho 2.300 hộ dân nghèo vùng động đất, nhất là người dân các vùng tái định cư ở Trà Đốc, Trà Bui có quà đón Tết.

Huyện cũng nỗ lực kêu gọi chung tay để người dân nghèo vùng động đất có tết ấm áp hơn. “Người dân vùng động đất chịu nhiều thiệt thòi, hoang mang vì động đất suốt gần 1 năm nay cần được sự quan tâm hỗ trợ và chia sẻ. Huyện tha thiết kêu gọi các tổ chức đơn vị cùng chung tay để người dân vùng động đất đón Tết tươm tất và đầy đủ hơn”, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

EVN hỗ trợ đợt 2

Ngày 3-1, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: Hơn 2,6 tỷ đồng do EVN hỗ trợ (đợt 2) thiệt hại nhà ở và công trình công cộng bị nứt nẻ do động đất đã được chuyển vào tài khoản của phòng theo yêu cầu của địa phương. Trong đợt này, EVN chỉ thống nhất hỗ trợ thiệt hại với mức duy nhất mỗi nhà 2 triệu đồng, còn công trình công cộng vẫn giữ nguyên mức cũ là 30 triệu đồng/công trình.

Được biết, sau trận động đất mạnh 4,7 độ richter vào chiều ngày 15-11- 2012 tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đã làm thêm 921 căn nhà và 24 công trình công cộng ở huyện Bắc Trà My bị nứt nẻ mới. Trước đó, EVN đã hỗ trợ đợt 1 hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.