Ngày 22/6, các bác sĩ bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM cho biết vừa cấp cứu gắp thành công đoạn xương cá bít lòng phế quản của bệnh nhân P.H.T (52 tuổi, quê Bình Dương).
Theo lời ông T. các đây khoảng 10 ngày trong lúc ăn canh cá lóc, ông bị hóc xương dẫn đến khó thở, ho sặc sụa, đau tức ngực. Ông đã đến bệnh viện địa phương trình bày nhưng các bác sĩ khám không phát hiện bất thường.
Sau đó tình trạng sức khỏe ngày càng giảm, thường xuyên đau tức ngự, khó thở nên ông T. đến bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM khám. Qua hình ảnh chụp CTscan, các bác sĩ phát hiện dị vật là xương cá có hình dạng giống như cây dù cắm ngược bít hết lòng phế quản nên chuyển ông T. vào cấp cứu.
Bác sĩ CKII Dương Thanh Hồng -Trưởng khoa Tai- Đầu Mặt Cổ - bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM cho biết, khi dị vật lọt vào đường thở rất dễ gây ra biến chứng. “Đây là một trường hợp điển hình, bỏ quên trong thời gian ngắn là 10 ngày. Có những trường hợp lâu hơn, vài tháng, thậm chí 3-5 năm.Với trường hợp này là xương cá nó “lành tính”. Bệnh nhân ho, tức ngực, khó thở khi dùng thuốc kháng sinh thì nó giảm dần đi sau đó thì tái diễn nhiều lần. Với trường hợp dị vật thở bỏ quên thì nguy cơ là viêm phổi tái diễn nhiều lần, gây viêm phổi nặng”.
TS-BS.Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc bệnh viện khuyến cáo, khi bị hóc xương cá không nên nuốt cục cơm, chuối để cố đẩy mẩu xương cá bị mắc xuống. Việc làm này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ lớn hơn như xương có thể bị mắc vào amidan hoặc đi vào những tổ chức sâu hơn trong đường thở. “Nếu dị vật còn nằm ở họng, chỉ cần đè lưỡi và gắp ra, nhưng nếu dị vật đi vào sâu hơn thì đòi hỏi những thủ thuật phức tạp hơn”, BS. Minh nói.