TPHCM:

Người dân lo lắng cuộc sống đảo lộn khi sáp nhập quận 4

Chợ Xóm chiếu (quận 4)
Chợ Xóm chiếu (quận 4)
TPO - Đề xuất sáp nhập quận 4 do diện tích và dân số khiêm tốn để giảm biên chế và bộ máy hành chính cồng kềnh của lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM mới đây đã gây nhiều dư luận trái chiều. Người dân lo ngại sẽ đảo lộn cuộc sống, đem lại những hệ lụy lâu dài như phải thay đổi sổ sách, giấy tờ nhà, đất, hộ khẩu, giấy tùy thân, bằng lái xe...

Chiều nay, 27/12, ông Đỗ Văn Đạo, phó giám đốc Sở Nội vụ, người trực tiếp đề xuất ý tưởng này cho biết quận 4 có diện tích khoảng 4 km2 với dân số hơn 200.000 người. Nếu so về diện tích thì quận 4 còn nhỏ hơn phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), còn về dân số thì quận 4 chưa gấp đôi được phường này nhưng phải duy trì bộ máy đầy đủ của một quận và 15 phường. Nếu sáp nhập với một quận khác thì sẽ tiết kiệm về biên chế, cơ sở vật chất…

Theo ông Đạo, việc sáp nhập là giúp bộ máy tinh gọn nhưng phải đảm bảo hiệu quả công việc. Qua khảo sát của Sở Nội vụ, phường Bình Hưng Hòa A có hơn 115.000 người. Phường có 38 cán bộ chuyên trách và không chuyên trách (theo quy định là 47 người) nhưng công việc vẫn giải quyết trôi chảy.

Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy cùng Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu, nơi nào cần nhập thì phải nhập, nơi nào cần tách thì phải tách để tinh gọn bộ máy. Nếu triển khai việc sáp nhập, chia tách thì sẽ thực hiện đủ quy trình, thủ tục và lấy ý kiến người dân”, ông Đạo nói.

Đề xuất của lãnh đạo Sở Nội vụ được nhiều chuyên gia đồng tình. Theo PGS TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, Sài Gòn là đô thị lớn, có địa hình phức tạp, phát triển kinh tế giữa các địa phương không đồng đều. Việc sáp nhập quận huyện với nhau không chỉ tinh giản biên chế mà thúc đẩy phát triển kinh tế, quản lý đô thị nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Còn theo TS KTS Ngô Viết Nam Sơn, chủ trương sáp nhập là một quan điểm tốt nhưng khi triển khai thì cần có sự cân nhắc chứ không nên làm theo kiểu cứ ở gần nhau thì sáp nhập.

Ông Sơn dẫn chứng: quận 4 nằm cạnh quận 1 nhưng nếu sáp nhập vào thì sẽ tạo gánh nặng. Đó là giá đất ở quận 4 sẽ tăng vọt, gây trở ngại cho việc chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia không đồng tình với đề xuất này. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, thành phố hiện nay có 24 quận, huyện. Giảm một quận chỉ bớt 1/24 số cán bộ hành chính nhưng đối với người dân, việc thay đổi sẽ đảo lộn cuộc sống, đem lại những hệ lụy lâu dài như phải thay đổi sổ sách, giấy tờ nhà, đất, hộ khẩu, giấy tùy thân, bằng lái xe...

Người dân lo lắng cuộc sống đảo lộn khi sáp nhập quận 4 ảnh 1

Quận 4 giáp quận 1, quận 2, quận 7 và quận 8 nhưng sáp nhập vào quận nào là cả một bài toán khó. 

Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia đô thị cho rằng việc sáp nhập quận 4 không phù hợp với bản chất của nền hành chính phải mang tính ổn định và kế thừa. Hơn nữa, quận 4 đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, không phải là một quận mới thành lập.

Những thay đổi sau năm 1975 đem lại nhiều phiền hà cho người dân đến tận bây giờ. Đơn cử như chuyện tách huyện Thủ Đức làm ba quận 2, 9 và Thủ Đức; tách quận Tân Bình làm hai quận Tân Bình và Tân Phú hay tách huyện Bình Chánh thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, người dân và doanh nghiệp khổ sở và tốn kém khi phải điều chỉnh những giấy tờ quan trọng như sổ hồng, sổ đỏ, sổ hộ khẩu...

Không ít người dân cũng lo lắng nghi nghe sắp tới quận 4 sẽ bị sát nhập. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ phường 3, quận 4) nói: Chỉ thay đổi số nhà, tên đường thôi đã lộn xộn và gây quá nhiều phiền hà cho người dân, huống chi thay đổi cả một quận huyện.

MỚI - NÓNG