Người dân Hà Nội bất ngờ vì giấy đi đường phải có xác nhận của phường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủng hộ các biện pháp mạnh thành phố đưa ra để phòng chống dịch, tuy nhiên sáng 9/8 khi được yêu cầu giấy đi đường phải có xác nhận của xã, phường cơ sở nhiều người dân có nhu cầu ra đường không khỏi bất ngờ.

Thay vì chỉ trình 2 loại giấy gồm giấy đi đường và chứng minh thư nhân dân, sáng nay nhiều người có việc phải ra đường đã bị bất ngờ khi lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt trực trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu phải có bản lịch làm việc và có xác nhận của chính quyền cơ sở.

Tại chốt trực trên đường Bạch Đằng (lối duy nhất còn lại để đi vào trung tâm phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng), không chỉ ô tô, xe máy của người dân bị chặn lại để hỏi các giấy tờ, trong đó có lịch trực làm việc mà xe tải chở hàng có treo giấy “luồng xanh” (miễn kiểm tra) cũng bị chốt trực tại đây dừng lại, kiểm tra.

Nhiều tài xế chở hàng từ cảng Hà Nội chạy đến đây bức xúc, khi tài xế đã chấp hành đủ các thủ tục để có được hai giấy phép theo quy định để đi đường (giấy miễn kiểm tra và xét nghiệp PCR âm tính) nhưng đến một số chốt tại quận Hai Bà Trưng vẫn bị dừng kiểm tra. “Việc này đang đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế trong việc tạo 'luồng xanh' cho xe chở hàng”, một tài xế tại chốt Bạch Đằng nói.

Người dân Hà Nội bất ngờ vì giấy đi đường phải có xác nhận của phường ảnh 1

Tất cả xe qua chốt trực Tây Kết - Vân Đồn (quận Hai Bà Trưng) đều bị chặn lại để kiểm tra theo chỉ đạo mới của thành phố Hà Nội. Ảnh: Anh Trọng

Một số tài xế khách cho biết, tài xế xe chở hàng di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn kia, không cố định một phường hay quận nào thì làm sao xin hết giấy xác nhận của các phường cho mỗi chuyến đi.

Tại chốt trực ở cửa khẩu Vân Đồn (phường Bạch Đằng), cửa khẩu Yên Lãng (phương Thanh Lương), quận Hai Bà Trưng… thay vì chỉ kiểm tra xe máy, ô tô, sáng nay lực lượng làm nhiệm vụ gồm CSGT, công an, trật tự phường cũng dừng kiểm tra cả xe chở hàng có giấy “luồng xanh”. Do tất cả xe qua chốt đều bị dừng kiểm tra nên ùn tắc đã kéo dài trong một số thời điểm.

Tại chốt trực Cầu Dậu đường Vành đai 3, sáng 9/8, lực lượng làm nhiệm vụ gồm CSGT, công an, trật tự cũng yêu cầu tất cả xe phải dừng để kiểm tra theo quy định mới của UBND thành phố Hà Nội.

Tại các chốt trực do công an phường Hoàng Liệt và tổ dân phố lập để kiểm soát người và phương tiện ra vào khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cũng yêu cầu người có nhu cầu đi qua chốt phải xuất trình các giấy tờ, trong đó nói rõ: người muốn qua chốt phải phải giấy thể hiện lịch làm việc tại cơ quan và có xác nhận của phường.

Do trình bày là ngày đầu có thông tin, hơn nữa quy định được đưa ra vào đêm tối nên nhiều người không chuẩn bị kịp, nên một số chốt trực chỉ kiểm tra, nhắc nhở rồi cho đi. Nhưng vẫn yêu cầu: “Nếu ngày mai không có sẽ bị quay đầu xe, thậm chí xử phạt”.

Nguy cơ “vỡ trận” chống dịch tại cơ quan công quyền

Trao đổi với PV Tiền Phong trưa nay, lãnh đạo Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội, chủ công kiểm tra giấy tờ phương tiện tại chốt trực cửa khẩu Yên Lãng, Vân Đồn (quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ sáng nay lực lượng làm nhiệm vụ của Đội tại các chốt trực được yêu cầu kiểm tra việc chấp hành công tác phòng chống dịch của người đi đường, trong đó có chỉ đạo mới của UBND thành phố nêu trong văn bản số 2562 phát hành ngày 8/8. Do ngày đầu thực hiện nên quy định về người đi đường phải mang theo lịch trực có xác nhận của chính quyền cơ sở, các chốt trực có CSGT chỉ nhắc nhở…

Người dân Hà Nội bất ngờ vì giấy đi đường phải có xác nhận của phường ảnh 2

Sáng 9/8, tất cả người dân có nhu cầu qua một số chốt tại khu vực Linh Đàm đều được lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, trong đó có lịch trực có xác nhận của công an. Ảnh: A.Trọng

PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, thành phố ban hành thêm các quy định để phòng chống dịch là rất cần thiết. Tuy nhiên các quy định này phải thực tế, hiệu quả, tránh sự phiền toái cho người dân. Thực tế dịch bùng phát phức tạp hầu hết người dân có tâm lý “ở nhà cho lành” chứ không ai muốn ra đường, những trường hợp phải ra là bất đắc dĩ.

Quy định người đi đường phải có thêm lịch trực, làm việc có xác nhận của phường trên địa bàn, theo bà An, cần phải có hình thức thực hiện phù hợp, tránh việc người dân, đại diện các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố đổ dồn, tập trung đến các trụ sở phường xã xin xác nhận sẽ gây tác dụng ngược. Câu chuyện người dân tập trung quá đông người để xin xác nhận xét nghiệm PCR tại TPHCM là vừa qua bài học để không lặp lại.

MỚI - NÓNG