Người dân đổ xô đi mua gạo

Người dân đổ xô đi mua gạo
Cơn sốt gạo đã đột ngột bùng lên tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác từ khoảng trưa đến tối ngày 26.4. Tình trạng khan hiếm ảo đã đẩy giá gạo tăng vọt trong khi nhiều đại lý đã ngừng bán.

TP.HCM: Ngưng bán chờ tăng giá

Lúc 20 giờ, quầy gạo của siêu thị Coopmart Cống Quỳnh đã không còn một túi nào.

Một số bà nội trợ đang lo lắng hỏi nhau xem liệu các siêu thị gần đó như Hà Nội, Citimart có còn gạo để mua hay không. Phía trước cửa siêu thị, nhiều người đang dùng điện thoại gọi về nhà báo tin không mua được gạo.

Cách đó hơn 100m, siêu thị Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Khoảng gần chục túi gạo cuối cùng trên quầy gạo đang được khách hàng vét sạch. Một nhân viên bảo vệ của siêu thị cho biết: “Từ chiều đến giờ, không hiểu sao rất đông khách ùn ùn vào khuân gạo”.

Anh Nguyễn Văn Thơ, ngụ ở P.1, Q.Gò Vấp, cho biết anh và người nhà đã thay nhau đi mua gạo trong ngày nhưng chưa mua được vì thấy giá gạo tăng quá cao.

Buổi sáng, giá gạo còn ở mức 10.000 đồng/kg thì đến tối đã tăng lên 18.000 đồng/kg. Chiều  26.4, nhiều vựa gạo ở khu vực chợ Cây Quéo (Bình Thạnh), chợ Gò Vấp đã ngưng bán với lý do chờ giá mới. Một số đại lý gạo trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3)  cho biết giá gạo mấy ngày nay đã tăng gần gấp đôi.

Tối cùng ngày, giá gạo tài nguyên thơm là 16.000 đồng/kg, gạo tài nguyên chợ đào: 16.000 đồng/kg, gạo nàng thơm chợ đào: 16.500 đồng/kg; gạo thơm Thái Lan: 14.500 đồng kg, gạo bụi sữa: 13.500 đồng/kg, gạo Ngọc nữ 14.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi khách hỏi mua thì các chủ đại lý gạo đồng loạt từ chối bán với lý do đợi giá mới.

Tại các đại lý gạo trên đường Lý Thường Kiệt, Dương Quảng Hàm (P.5, Q.Gò Vấp) mặc dù chủ vựa đã tắt đèn không bán nữa nhưng vẫn còn rất đông người đến hỏi mua. Tại các siêu thị thuộc hệ thống Coopmart, gạo cũng được mua sạch.

Chị Trương Thị Thu ở ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng, H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kể: “Cách đây vài ngày, giá gạo còn ở mức 8.500 đồng/kg nhưng đến ngày hôm qua thì đã lên đến 13.000 đồng/kg nhưng đi mua không ai bán...”

Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, vụ đông xuân năm nay hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều trúng mùa với năng suất cao, tương đương với năm trước. Năng suất bình quân của vụ lúa này đạt gần 6 tấn/ha. Các tỉnh, thành đạt năng suất lúa cao nhất khu vực ĐBSCL là An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang.

Phó giám đốc trung tâm giống một công ty bảo vệ thực vật nhận định: “Lúa gạo vụ này không thiếu, kho của các công ty lớn chứa đầy gạo nhưng với diễn biến khan hiếm lương thực trên thế giới, giá gạo xuất khẩu tăng cao nên gạo trong nước đang bị đầu cơ đẩy giá lên. Tình hình này rất cần sự can thiệp của các tổng công ty lương thực, xuất gạo ra bán để bình ổn thị trường”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự kiến trong năm 2008, VN chỉ xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ, giảm so với năm 2007 khoảng 1 triệu tấn. Đến nay các hợp đồng xuất khẩu gạo do các doanh nghiệp ký kết ở mức 2,4 triệu tấn. Vì vậy tình hình khan hiếm ảo trên thị trường nội địa hiện nay rất cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan quản lý để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cần Thơ: Giá gạo cao chưa từng thấy

Giá gạo liên tục biến động trong ngày 26.4 đã khiến không chỉ người tiêu dùng “chóng mặt” mà cả các tiểu thương cũng bối rối. Ghi nhận tại các chợ đầu mối lớn như: Xuân Khánh, An Nghiệp, Cái Khế, ngày 25.4 giá gạo tăng trung bình từ 1.000 – 1.500 đ/kg, đến ngày 26.4, giá gạo tiếp tục tăng vọt từ 2.000 – 2.500 đ/kg. Các đại lý liên tục thông báo cho tiểu thương thay đổi giá gạo từ 3 – 4 lần trong ngày.

Giá tăng cao nhất vẫn là các loại gạo thơm, cao cấp như: gạo Hương Lài, Đài Loan. Một tuần trước đây 2 loại gạo này có giá 11.000 đ/kg nay tăng lên 18.000 đ/kg, gạo thơm Thái từ 10.000 đ/kg tăng lên 14.000 đ/kg. Loại gạo cứng cơm như tài nguyên cũng tăng vọt từ 9.000 đ/kg lên 13.000 đ/kg. Rẻ nhất là gạo mới thu hoạch từ vụ đông xuân, khi nấu cơm không nở, cũng đã lên đến 10.000 đ/kg. Chị Nguyễn Thị Linh, tiểu thương chợ Xuân Khánh cho biết giá gạo như vậy đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ giá gạo tăng mà giá lúa cũng tăng đến mức chóng mặt. Giá lúa ngày 25.4 tại Q.Cái Răng chỉ có 5.500 đ/kg thì sáng qua 26.4 đã lên 6.000 đ/kg. Tuy nhiên, dù giá tăng cao như vậy nông dân cũng không còn lúa để bán.

Quy Nhơn: Chủ quán cơm ráo riết “săn” gạo

Cuối giờ chiều 26.4, khi thông tin giá gạo đột ngột tăng cao lan tỏa đến Quy Nhơn (Bình Định), các chủ quán cơm đổ xô đi mua gạo về dự trữ. Tuy nhiên, đa số đều không mua được vì các đại lý gạo lớn đã đóng cửa. Một số đại lý nhỏ lẻ cũng ghim hàng không bán với lý do hết gạo.

Hầu hết các loại gạo đều tăng giá, có loại tăng đến 60%. Đến tối cùng ngày, cán bộ Phòng Công thương TP Quy Nhơn trực tiếp đi đến một số đại lý gạo ở trên địa bàn để nắm bắt diễn biến về giá gạo. Trước tình hình này, rất có thể các quán cơm sẽ nâng giá bán trong những ngày tới.

Việt Nam không khan hiếm lúa gạo!

Trao đổi với Thanh Niên tối 26.4, ông Phan Huy Thông – Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn - khẳng định: “Lượng lúa gạo các địa phương sản xuất vẫn đáp ứng đủ nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân năm nay. Người nông dân tại đây đã được mùa lúa, tổng sản lượng toàn vùng đạt 9,4 triệu tấn, tăng 300 ngàn tấn so với năm 2007. Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện đang vào mùa gặt. Trong đó, dự kiến sản lượng lúa tại Tây Nguyên ước đạt 400 ngàn tấn, tương đương với sản lượng năm ngoái.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng lúa vụ đông xuân dự kiến chỉ đạt 900 ngàn tấn, giảm so với năm 2007 khoảng 80 ngàn tấn.

Tại các tỉnh phía Bắc, mặc dù đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã gây thiệt hại đáng kể cho người nông dân nhưng sau khi nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục, đã cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy, hiện lúa đang phát triển rất tốt.

Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, không xảy ra lũ lụt, mưa đá, trời nắng nóng khi lúa trổ đồng... sẽ thu hoạch được khoảng 6,5 triệu tấn lúa, bằng với sản lượng năm trước. Như vậy, vụ đông xuân năm nay, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 17,2 triệu tấn, tăng khoảng 200 ngàn tấn so với vụ trước. Với lượng lúa này, chúng ta không những đáp ứng đủ nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn có thể dành ra một lượng nhất định để xuất khẩu”.

Theo ông Phan Huy Thông, mặc dù không xảy ra tình trạng khan hiếm gạo trên diện rộng nhưng đã và sẽ xuất hiện những nơi thiếu gạo cục bộ. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên đã xảy ra tình trạng mất mùa ở một số nơi với tổng diện tích lúa có năng suất thấp trên 5.000 ha. Ngày 25.4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đã có cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, về toàn cục, tại địa phương sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm gạo. Tuy nhiên, thiếu gạo cục bộ có thể xảy ra tại những nơi mất mùa trong vụ đông xuân như tại các huyện Thăng Bình, Quế Sơn...

Sau khi phân tích tình hình, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất, tỉnh này sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo để cấp cho các hộ dân thiếu gạo do mùa vụ thất bát, ổn định đời sống nhân dân.

Ông Bùi Tất Tiếp – Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) - cũng khẳng định: Hiện tại nước ta không khan hiếm lúa gạo. Trên thế giới, gạo đang khan hiếm, giá gạo cũng liên tục tăng cao đã tác động đến tâm lý của một bộ phận nhân dân trong nước.

Vấn đề là chúng ta phải cân đối giữa sản lượng lúa với nhu cầu an ninh lương thực trong nước để điều chỉnh việc xuất khẩu gạo cho phù hợp.

Q.Thuần - T.M - T.Trang - Đình Phu - Quang Duẩn
Theo Thanh Niên

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.