Người dân đổ tới siêu thị, trung tâm thương mại sắm Tết

Không khí mua sắm bắt đầu tăng nhiệt từ chiều 27 Tết, dù nhân viên các siêu thị cho biết vẫn chưa phải đợt cao điểm. Ảnh: Nhật Minh
Không khí mua sắm bắt đầu tăng nhiệt từ chiều 27 Tết, dù nhân viên các siêu thị cho biết vẫn chưa phải đợt cao điểm. Ảnh: Nhật Minh
Không khí mua sắm tăng nhiệt từ chiều 5/2 (27 Tết), dù đại diện các siêu thị đều cho biết lượng khách đã tăng mạnh trong vài ngày gần đây.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Fivimart cho biết từ đầu tuần, lượng khách hàng đến mua sắm tại đơn vị này tăng gấp hơn 2 lần so với trong năm.

"Nếu như ngày thường, khách hàng tập trung mua sắm chủ yếu vào buổi tối thì nay lượng người mua luôn tấp nập trong suốt cả ngày. Hơn nữa, mấy ngày trước thời tiết lạnh, nhiều người chưa mua sắm được nên khách hàng đổ dồn trong tuần này", bà Hậu cho hay. 

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết, thống kê sơ bộ của đơn vị này cho thấy lượng mua sắm tăng gấp khoảng 3 lần ngày thường. Trong đó, những mặt hàng được mua sắm nhiều vẫn là bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát và thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, thịt lợn, gà, bò... 

Ghi nhận của VnExpress trong chiều 5/2 (tức 27 Âm lịch), người mua sắm tại các siêu thị ở Hà Nội như Big C Thăng Long, Big C The Garden, Fivimart Lê Đức Thọ, Hapro... luôn đông đúc, quầy thanh toán thường phải xếp hàng khá dài để chờ đợi.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ Công chúng Hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết, đơn vị này tuy chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính tỷ lệ tiêu thụ tháng này tăng hơn 10% so với tháng trước. Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là các mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, đường, thực phẩm tươi sống và chế biến, rau củ quả... và các sản phẩm đặc trưng phục vụ Tết như giò chả, lạp xưởng, bánh chưng, bánh mứt kẹo…. 

Riêng trong tuần này, ông Nguyên nhận định sức mua tăng khoảng 20% so với tuần trước, đặc biệt vào 2 ngày cuối tuần trước. "Dự kiến trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục duy trì mật độ mua sắm rất cao", ông Nguyên cho hay. 

Về giá cả, lãnh đạo các siêu thị đều cho biết không có biến động mạnh mà duy trì ở mức khá ổn định do doanh nghiệp đều có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ vài tháng trước.

Người dân đổ tới siêu thị, trung tâm thương mại sắm Tết ảnh 1

Thực phẩm luôn là mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên trong những ngày cận Tết. Ảnh: Nhật Minh

"Chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường các chương trình hợp tác với nhà sản xuất, nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng từ rất lâu không chỉ đáp ứng nhu cầu trước dịp Tết mà cả sau kỳ nghỉ. Do đó, nguồn hàng vào thời điểm sau Tết, nhất là đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm.... cũng sẽ không có chuyện tăng giá", vị này cho hay.

Hơn nữa, theo ông Nguyên, các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá như lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt, trứng, rau, củ, quả, thực phẩm chế biến… đơn vị này cũng đảm bảo bán đúng giá quy định và luôn dồi dào nguồn cung.  

Đơn vị này ước tính, tổng lượng hàng hóa chuẩn bị năm nay tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, mặt hàng thịt gia súc gia cầm đạt 430 tấn, 2.500 tấn rau củ quả, tăng hơn 10% so với Tết Ất Mùi, gần 20% so với các tháng thông thường...

Lãnh đạo Fivimart và Hapro cũng cho biết giá cả các mặt hàng tại siêu thị không có biến động, kể cả sau Tết. Theo đại diện các siêu thị, doanh nghiệp sẽ mở cửa đến chiều ngày 29 Âm lịch và một số địa điểm sẽ mở cửa trở lại vào ngày mùng một Tết. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG