Cách cổng số 1 Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) khoảng 500 m, người dân thôn Hai, xã Hồng Kỳ căng bạt ra sát con đường chính dẫn vào bãi rác. Họ chuẩn bị bàn ghế, bếp gas, mì tôm nấu ăn tại chỗ. Khoảng 20 người khi thấy xe rác tới thì chạy ra ngăn không cho vào bãi đổ.
Việc chặn xe vào bãi rác bắt đầu từ chiều 23/12, tới đêm số người tăng gấp đôi, chủ yếu là đàn ông. Đến sáng nay, khi xe vào bãi giảm dần, đàn ông đi làm thì những phụ nữ lớn tuổi trong thôn Hai đến thay.
Ông Chu Văn Nhu, nhà cách bãi rác 200 m, giải thích chặn xe rác nhằm phản đối chính quyền chậm trễ đền bù. Gia đình ông có hơn 2.000 m2 ruộng nằm trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn chưa được nhận.
"Tháng 7, chính quyền đền bù cho một số nhà, rồi hứa trong quý III/2019 sẽ giải quyết nốt, nhưng đến hôm nay chúng tôi chưa thấy gì", ông Nhu nói.
Người dân xã Hồng Kỳ phản đối ở cổng số 1. Ảnh: Gia Chính
Trước cổng số 2 bãi rác Nam Sơn, khoảng 15 người dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn dựng lán cạnh đường chính dẫn vào. Họ cũng chuẩn bị sẵn mì tôm, sữa để ăn tại chỗ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, nhà cách bãi rác 300 m, nói có 1.800 m2 đất ruộng trong diện được đền bù nhưng vẫn chưa nhận được. "Tôi không muốn ra đây ngồi trong gió rét thế này, nhưng chờ đợi lâu quá, mất hết niềm tin", bà Huệ nói.
Người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ cho biết việc chặn xe rác sẽ tiếp tục cho đến khi nào có sự thống nhất của nhà chức trách về thời gian đền bù. "Trước mắt, chúng tôi cần đền bù đất ruộng đầy đủ, đất ở sẽ tính sau", bà Huệ nói thêm.
Tối 23/12, người dân rải chiếu giữa đường chặn xe vào cổng số 2 bãi rác Nam Sơn. Ảnh: P.Đ.
Chiều qua, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét bồi thường bằng 70% đơn giá đối với đất trồng cây lâu năm trên đất ở và 100% đơn giá đối với công trình xây dựng, công trình vượt hạn trên đất ở.
Huyện Sóc Sơn đề nghị thành phố cung cấp văn bản pháp lý về quy hoạch bãi rác và đổ rác lên cốt 39. "Nếu không trả lời, đề nghị thành phó tạm dừng vận hành bãi rác cho đến hoàn thành quá trình di dời dân", văn bản của huyện nêu.
Nhằm tránh ùn ứ rác, hôm nay Sở Xây dựng Hà Nội phân luồng rác tại các quận huyện Thanh Xuân, Hoài Đức, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy chuyển về bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây).
Các quận huyện Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh trước mắt lưu trữ rác tại điểm trung chuyển. Nếu trong 3-7 ngày, bãi rác Nam Sơn chưa hoạt động trở lại, số chất thải này sẽ chuyển về Xuân Sơn.
Xe rác phải dừng lại vì người dân phản đối. Ảnh: P.Đ.
Trước đó năm 2019, người dân Sóc Sơn hai lần chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Đợt thứ nhất giữa tháng 1, kéo dài bốn ngày, thành phố phải gửi văn bản đến các đơn vị liên quan thúc tiến độ giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn. Văn bản nêu, trước ngày 30/3, huyện Sóc Sơn sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, thực hiện trong quý II/2019.
Đợt thứ hai xảy ra vào đầu tháng 7, kéo dài 6 ngày. Sau đó Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đã tổ chức chi trả một phần tiền đền bù đất nông nghiệp (để di dời khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác) cho người dân xã Nam Sơn.
Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở.
Thành phố đã bố trí 3 khu tái định cư. Các hộ dân thôn Đông Hạ dự kiến tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, song cách bãi rác khoảng 1.000 m; dân thôn Xuân Thịnh đến thôn Thanh Hà (cách bãi rác 7 km); dân thôn Xuân Bảng đến thôn Hoa Sơn (cách bãi rác 4 km).
Khu tái định cư xã Bắc Sơn bố trí ở thôn Nam Lý cùng xã, cách bãi rác 3 km.
Khu tái định cư xã Hồng Kỳ quy hoạch tại thôn 3 cùng xã, cách bãi rác khoảng 1.300 m.