Hà Nội: Nối vòng tay lớn bảo vệ chủ quyền tổ quốc
Ngay từ sáng sớm hàng nghìn người dân thuộc nhiều tầng lớp, từ người già, phụ nữ đến thanh niên, học sinh, sinh viên, luật sư và cả các em nhỏ đã xuống đường đến khu vực trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc (46 Hoàng Diệu), tượng đài Lê Nin, cột cờ Hà Nội để bày tỏ thái độ và lòng yêu nước trước sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HP 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế.
Những tiếng hô đều, to và mạnh mẽ, thể hiện ý chí sắt đá của người dân như “Trường Sa của Việt Nam, Hoàng Sa của Việt Nam”, “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”...
Nhiều biểu ngữ được giương cao: “Chủ quyền là thiêng liêng không thể xâm phạm”, “Trung Quốc hãy tuân thủ luật quốc tế”, “Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi Việt Nam”...
Trong số băng-rôn có cả những câu thơ như: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và các khẩu hiệu bằng tiếng Anh: “Haiyang 981 gets out of Vietnam”, “Big China, bad behaviour”, hoặc bằng 3 thứ tiếng Việt - Trung - Anh: “Thế kỷ 21 không có chỗ cho cá lớn nuốt cá bé”...
Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới nhìn thấy hình ảnh như thế này. Nó gợi cho tôi nhớ về những năm tháng hào hùng của dân tộc khi tất cả đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Ông Ngô Văn Duyên (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nói về khẩu hiệu đang cầm trên tay, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho biết, câu “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình” là sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và là sứ mệnh mà tổ tiên đã truyền dạy cho chúng ta, chúng ta phải giữ biển Đông bằng mọi giá. “Việt Nam có sức mạnh, có chính nghĩa và Việt Nam nhất định thắng”, ông Nguyễn Khắc Mai tin tưởng. Có mặt trong đoàn tuần hành, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”.Trong hoàn cảnh này, chúng tôi lại được chứng kiến tinh thần ấy.
Tới 10h, một phần đoàn người tuần hành đi dọc các phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Hàng Bông, Hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Nhà hát Lớn. Nhiều người dân trên phố cũng tham gia vào đoàn tuần hành, vừa đi vừa hát quốc ca, những bài hát về biển đảo quê hương và hô vang khẩu hiệu phản đối hành động của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam.
Người dân biểu thị lòng yêu nước với không khí khá ôn hòa, trật tự, có tổ chức.
Khi đoàn tuần hành tới hồ Hoàn Kiếm, từ khắp ngả đường tụ về một mối, ca khúc nổi tiếng Nối vòng tay lớn lại vang lên.
Đôi mắt nhòe lệ, ông Ngô Văn Duyên (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) rưng rưng cho biết, đã lâu lắm rồi chúng tôi mới nhìn thấy hình ảnh như thế này. Nó gợi cho tôi nhớ về những năm tháng hào hùng của dân tộc khi tất cả đứng lên bảo vệ đất nước. Vì thế, ông xuống đường tuần hành để biểu lộ tình yêu tổ quốc, cùng nhân dân cả nước bảo vệ bờ cõi ông cha để lại.
Sinh viên Lê Hoàng Trung, một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Tôi là người Việt Nam nên không thể ngồi nhìn Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ đất nước. Tôi cùng với nhiều bạn trẻ tham gia buổi tuần hành này với mục đích yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động bất hợp pháp, rút ngay khỏi vùng biển của Việt Nam”.
Lặng lẽ hòa cùng dòng người tuần hành, đạo diễn bộ phim nổi tiếng “Bến không chồng” - Lưu Trọng Ninh chia sẻ “với ý thức của một công dân, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó trước những hành động phi pháp của Trung Quốc và tôi xuống đường tuần hành. Bởi mỗi hạt cát tạo nên một bờ cát, mỗi giọt nước tạo lên biển cả. Chúng ta rất cần sức mạnh đó, đó là sức mạnh của sự đoàn kết”.
11h cùng ngày, trước khi giải tán trong trật tự, đoàn tuần hành tới Nhà hát Lớn tại quảng trường Cách mạng tháng Tám một lần nữa mọi người nắm tay nhau hát vang Quốc ca và hô vang những khẩu hiệu phản đối việc làm phi pháp của Trung Quốc.
TP Hồ Chí Minh: Người dân bất bình, phẫn nộ
Sáng 11/5, tại TPHCM, hàng nghìn người, trong đó có nhiều du khách nước ngoài đã xuống đường tham dự mít tinh do Hội Luật gia TPHCM tổ chức và diễu hành trong ôn hòa để bày tỏ sự bất bình, bức xúc và phẫn nộ trước hành động leo thang nguy hiểm của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có mặt trước nhà hát thành phố từ sáng sớm, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM ôm lá cờ Tổ quốc và giơ cao biểu ngữ “Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan ra khỏi Việt Nam”.
Người dân TPHCM xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam Ảnh: H. Thịnh
“Ông Hội đồng” Khoa bức xúc: “Ý đồ, tham vọng bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc từ trước đến nay là nhất quán, có hệ thống, không phải là hành động bộc phát của một đơn vị, một ngành. Chúng ta cần phản đối một cách mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức. Chúng ta muốn hòa bình nhưng càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới. Việt Nam không thể nhân nhượng được nữa. Hơn 90 triệu người dân đất Việt đoàn kết một lòng, vững niềm tin Đảng, nhà nước và Chính phủ sẽ có những giải pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng”.
“Theo quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đề nghị đàm phán không điều kiện ngay lập tức với Trung Quốc và yêu cầu họ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nếu họ vẫn tiếp tục vi phạm trắng trợn chủ quyền thì chúng ta cần đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Chủ quyền quốc gia là tối thượng”.
Phát biểu tại buổi mít tinh, linh mục Đỗ Quang Chí, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết tôn giáo TPHCM thẳng thắn: Tôi đại diện cho hàng nghìn giáo dân tại TPHCM cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhanh chóng rút giàn khoan HD 981 ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam và không được tái diễn những hành động tương tự.
Sáng 11/5, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), hàng chục nhân sĩ, trí thức và văn nghệ sỹ Huế đã có buổi mittinh ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam.
Sài Gòn những ngày chớm hè nóng như đổ lửa. Không khí càng sôi sục hơn khi dòng người từ các ngả đường tiếp tục đổ về khu vực diễn ra lễ mít tinh. Nhiều cặp đôi đang chụp ảnh cưới trước nhà thờ Đức Bà quyết định gác lại hạnh phúc riêng tư để hòa vào biển người đang dự mít tinh để được bày tỏ thái độ, nguyện vọng.
“Chúng tôi sẵn sàng lùi lại ngày cưới để cùng chung tay hướng về biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” – chú rể Nguyễn Văn Mạnh (ngụ phường 4, quận 3) nói.
Ông Nguyễn Hữu Tình (63 tuổi, ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) xúc động: Hơn 40 năm trước, tôi đã từng xuống đường. Ngày đó chúng tôi đấu tranh để thống nhất đất nước. Hôm nay chúng tôi lại đấu tranh để giữ toàn vẹn chủ quyền dân tộc. Còn nhóm sinh viên Thanh, Hoàng và Dũng (trường Đại học Kinh tế TPHCM) bày tỏ: Chúng tôi đang “lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Để có đất nước hòa bình, thống nhất hôm nay, nhiều thế hệ cha ông đã hy sinh rất nhiều. Mỗi tấc đất thấm đẫm máu xương của những người đi trước. Thanh niên phải có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ đi trước.
Tại lễ mít tinh, cùng với việc bày tỏ thái độ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền, Hội Luật gia TPHCM và nhiều bạn trẻ đã truyền đi nhiều thông điệp kêu gọi các bạn trẻ, sinh viên học sinh, và các tầng lớp nhân dân nỗ lực học tập, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để làm hậu phương vững chắc cho cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, dù tham gia với số lượng đông đến hàng nghìn người song hoạt động mít tinh, diễu hành của người dân TPHCM diễn ra trong không khí ôn hòa, không gây mất an ninh trật tự và không làm ùn tắc giao thông tại các tuyến đường.