Người cựu cán bộ Ðoàn và hai lần “đụng” không tặc Lý Tống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không chỉ có nhiều đóng góp trong lĩnh vực cải cách hành chính tại TPHCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung còn để lại nhiều dấu ấn trên các công trình giao thông trọng điểm như mở rộng đường Trường Chinh, đường Xuyên Á, khơi thông cửa ngõ tây bắc thành phố trước khi mang thân phận bị can trong một vụ án oan...

Chuyện ông Trung hai lần đối mặt và xử lý nhanh hành vi rải truyền đơn của Lý Tống chỉ những người trong cuộc mới biết.

Vô tình “đụng” không tặc

Ông Lê Hoài Trung tham gia phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn từ trước năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, mới 19 tuổi, ông đã là ủy viên Thường vụ Huyện Đoàn Hóc Môn, trực tiếp chỉ huy hơn 4.000 đoàn viên, thanh niên đào kênh thủy lợi Trần Quang Cơ (huyện Hóc Môn), sau đó lên Nông trường Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) khai hoang, lên liếp trồng thơm (dứa). Ông được cử đi học, trở về TPHCM giữ chức hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng thuộc Thành Đoàn TPHCM một thời gian thì chuyển công tác về Ban Nội chính Thành ủy.

Người cựu cán bộ Ðoàn và hai lần “đụng” không tặc Lý Tống ảnh 1

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung (ngoài cùng bên trái) tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp xúc cử tri

Gần 30 năm đã qua, mỗi lần gặp lại, một số đồng nghiệp cũ biết chuyện vẫn trêu ông Lê Hoài Trung bị không tặc Lý Tống (Việt kiều Mỹ) “đánh úp”đến hai lần…

Chiều muộn một ngày đầu tháng 9/1992, đang chạy xe trên đường Trần Hưng Đạo, ông Trung bất chợt nghe tiếng động cơ máy bay phản lực rất to. Chiếc máy bay chở khách của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bay thấp một cách bất thường. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì từ trên không, nhiều “vật thể lạ” rơi xuống. Chiếc máy bay lao lên cao và mất hút vào bóng đêm. Ông nhặt tờ giấy trước mặt lên xem và giật mình.

Ngay lập tức, ông Trung báo cáo cho lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy và nhanh chóng tổ chức thu gom truyền đơn, các tài liệu, ấn phẩm độc hại. Một số người dân địa phương và người đi đường tình nguyện phụ giúp ông và các chiến sỹ công an. Toàn bộ các ấn phẩm xấu được thu giữ kịp thời. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM họp khẩn, chỉ đạo công an phải bắt cho được thủ phạm. Ngay tối hôm ấy, Lý Tống bị tóm gọn sau khi nhảy dù xuống một ao rau muống ở quận 8.

Ông Lê Hoài Trung cho biết Thành ủy TPHCM đánh giá, hành vi của Lý Tống là đặc biệt nguy hiểm, cùng lúc phạm nhiều tội nghiêm trọng như cướp máy bay, chống phá nhà nước...Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, Tống chỉ bị xét xử một tội duy nhất là “cướp máy bay”. Y bị tuyên phạt 20 năm tù và chấp hành án hơn 5 năm thì được đặc xá, trục xuất về Mỹ. Thành ủy TPHCM còn tạo điều kiện cho anh ruột y là một giảng viên đại học vào trại giam thăm đứa em lầm đường, lạc lối để thuyết phục y từ bỏ tư tưởng thù địch, không làm hoen ố đến truyền thống gia đình (cha Lý Tống là liệt sỹ, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Thế nhưng, mọi lời giáo huấn của anh trai, Lý Tống đều bỏ ngoài tai. Và, ông Trung lại “đụng” gã không tặc lắm tai tiếng này lần thứ hai vào cuối năm 2000, đúng vào dịp Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam.

“Chiều hôm ấy, đang ở sân quần vợt của Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM trên đường 3 tháng 2 tôi thấy chiếc máy bay nhỏ lượn rất thấp rồi thả xuống một thùng giấy, bên trong chứa đầy truyền đơn. Sau này mới biết chiếc máy bay bị Lý Tống cướp ở Thái Lan” - ông Trung nhớ lại.

Công tác trong ngành nội chính tròn 10 năm, ông Lê Hoài Trung lại được điều động về Sở Tư pháp TPHCM và bổ nhiệm làm phó giám đốc sở, đến tháng 5/2001 nhận quyết định giữ chức Chủ tịch UBND quận 12.

Người cựu cán bộ Ðoàn và hai lần “đụng” không tặc Lý Tống ảnh 2
Lý Tống bị cảnh sát Thái Lan áp giải ra tòa. Y bị tuyên án 7 năm tù về tội cướp máy bay. Ảnh: BBC

Chuyện cảm động phía sau vụ án oan

Trong thời gian tại chức khá ngắn ngủi, ông Trung đã làm thay đổi diện mạo của một quận vùng ven. Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhiều công trình trọng điểm của TPHCM được đẩy nhanh tiến độ. Đường Trường Chinh, đoạn qua địa bàn quận 12 dài 4,5 km được mở rộng từ 10m lên 40m. Tuyến đường Xuyên Á nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh được khởi động lại...

Ông Trung nhớ lại: “Chú Sáu Khải (cố Thủ tướng Phan Văn Khải) về địa phương tiếp xúc cử tri, gọi tôi đến gặp riêng, căn dặn: Hai Trung ráng lo cái dự án đường Xuyên Á giùm chú. Mình làm chậm, ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) họ kêu quá. Ba lần chú nói họ thông cảm rồi, bây giờ khó mở lời lắm…”.

Canh cánh lời hứa với Thủ tướng, ông trực tiếp xuống kiểm tra thực địa, thấy nhà đất của một số hộ dân đã giải tỏa nhưng đất quân đội trong phạm vi dự án chưa có đơn vị nào bàn giao. Mà, việc thu hồi đất quân đội thì không đơn giản, nhất là đối với chính quyền cấp quận. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy tính, ông quyết định nhờ lãnh đạo Quân khu 7 giúp đỡ.

Cuối tháng 4/2009, sau khi được giải oan, ông Lê Hoài Trung được UBND TPHCM phân công làm phó giám đốc, sau đó là phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ, phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính cho đến lúc nghỉ hưu cuối năm 2017.

Lấy cớ ra mắt lãnh đạo Quân Khu 7 khi về nhậm chức, ông Trung tổ chức một bữa tiệc nhỏ và mời Trung tướng Nguyễn Văn Chia, Tư lệnh cùng nhiều lãnh đạo Quân Khu 7 đến dự. “Tôi thuật lại lời chú Sáu Khải hôm trước. Lãnh đạo Quân Khu 7 rất xúc động. Các anh hứa sẽ hỗ trợ địa phương. Vài ngày sau, Quân Khu ra thông báo yêu cầu giao đất cho địa phương. Đơn vị nào chậm, lãnh đạo đơn vị sẽ bị kỷ luật” - ông Trung nhớ lại.

Cuối tháng 4/2006, ông Lê Hoài Trung bất ngờ bị khởi tố (cho tại ngoại). Ông và một số cấp dưới, cán bộ ban quản lý dự án, cả thảy 8 người bị cáo buộc bồi thường sai quy định cho 15 hộ dân ở Đài Quán Tre thuộc dự án đường Xuyên Á. Cơ quan điều tra yêu cầu thu hồi và nộp lại số tiền đã chi trả cho người dân. Tuy nhiên, không chỉ các bị can kêu oan, UBND TPHCM cũng cho rằng việc chi trả trên là phù hợp chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của thành phố. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra nghiên cứu, đánh giá cụ thể chứng cứ buộc tội, thống nhất ý kiến với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về quan điểm, đường lối xử lý vụ án, bảo đảm phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế về sử dụng vốn ODA, không được để oan sai và kéo dài.

Sau hơn 2 năm mang thân phận bị can, tháng 8/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Hoài Trung, đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp cho ông. 7 bị can còn lại cũng lần lượt được đình chỉ điều tra. Số tiền bồi thường đã thu hồi, cơ quan điều tra phải hoàn trả lại cho dân.

MỚI - NÓNG