Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi đi bộ đội về, thấy cánh rừng pơ mu trước đây đã bị tàn phá hết nên ông Vừ Vả Chống đã xin nhận đồi trọc để trồng cây. Hơn 20 năm sau, ông Chống đã có 10ha rừng với hơn 8.000 cây pơ mu, sa mu quý hiếm cao lớn.

Hồi sinh cánh rừng quý

Ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) không ai không biết đến người cựu binh già Vừ Vả Chống (sinh năm 1967, trú ở bản Trung Tâm). Bởi không chỉ ông làm kinh tế giỏi mà ông còn sở hữu một cánh rừng pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm với hàng ngàn cây.

Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 1

Hơn 20 năm miệt mài, ông Chống đã phủ xanh khoảng đồi trọc bằng rừng cây pơ mu và chè tuyết shan xanh mướt.

"Người Mông quý trọng cây pơ mu, sa mu. Ở nơi nào có 2 loại cây này thì người dân dựng nhà, lập lán ở đông. Vì theo quan điểm của người dân, vùng đất này sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật. Gỗ cây pơ mu, sa mu thường được bà con dùng để dựng nhà, lợp ngói" ông Vừ Vả Chống nói.

Ông Chống kể, trước đây khu vực rừng này rất nhiều cây pơ mu, sa mu quý. Tuy nhiên những năm trước 1990, những cánh rừng này bị tàn phá nặng nề.

Trở về sau một thời gian đi bộ đội, ông Chống buồn vì những cánh rừng pơ mu, sa mu quý không còn nữa. Trăn trở làm sao khôi phục lại rừng khiến ông Chống quyết tâm lên xã, huyện xin nhận một vùng đồi núi trọc để trồng cây, gây rừng.

Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 2Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 3

Những cây pơ mu, sa mu quý hiếm cao lớn đang từng ngày phát triển, xanh mát cả một vùng.

Ban đầu khi nhận đồi trọc, ông Chống chỉ nuôi gà, trồng chè xanh. Khi chè và gà đã cho thu hoạch thì ông bắt đầu bán, trích một phần tiền mua cây giống pơ mu và sa mu về trồng.

Lứa cây giống đầu tiên vì vội vã, thiếu kinh nghiệm nên đa số cây bị chết. Tuy nhiên, ông Chống vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục chịu khó nghiên cứu, học hỏi để hiểu cách trồng loại cây này.

Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 4

Hiện, ông Chống đã có 10ha rừng với hơn 8000 cây pơ mu, sa mu quý hiếm.

Để có kinh nghiệm, ông Chống phải lặn lội hàng chục km đến xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) nơi có những cánh rừng pơ mu, sa mu lớn để học cách trồng và chăm sóc.

Khi đã học được cách trồng, ông Chống tiếp tục mua thêm nhiều đợt cây giống về phủ xanh đồi trọc. Không phụ công người, những cây pơ mu, sa mu bắt đầu bén rễ. Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, ông Vừ Vả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 10 ha với hơn 8.000 cây pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm.

Vừa hồi sinh rừng tốt, vừa làm kinh tế giỏi

Quá trình trồng rừng cây pơ mu và sa mu, ông Vừ Vả Chống còn tranh thủ những khoảng đất trống để trồng thêm nhiều loại cây, nuôi gia súc, gia cầm để nuôi sống gia đình.

Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 5

Dưới tán rừng cây quý, ông Chống trồng nhiều ha chè tuyết shan cho thu nhập cao.

Dưới tán rừng cây pơ mu, tận dụng khoảng trống giữa các cây, ông Chống trồng gần 3ha cây chè tuyết shan. Được tán cây cao che mát, cây chè tuyết shan phát triển tươi tốt và cho năng suất cao.

Không chỉ trồng thêm chè, ông Chống còn nuôi chăn thả đàn gà đen hàng trăm con, hàng chục con lợn rừng và bò. Mỗi năm, thu nhập từ vật nuôi và cây chè đến hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng chè, trồng cây pơ mu hiệu quả, rất nhiều người dân trong xã tìm đến ông Chống để học hỏi kinh nghiệm. Nhu cầu giống cây trồng tăng cao, ông Chống lại nhân giống các cây pơ mu, sa mu con để bán cho người dân về trồng.

Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 6Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 7

Ông Chống đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhờ ông Chống mà cánh rừng pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ nay đã mở rộng lên gần 20 ha. Rất nhiều người dân cũng tham gia trồng loại cây gỗ quý này.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông Vừ Vả Chống cho biết, hiện ông đang ấp ủ để biến hơn 10ha rừng cây pơ mu quý này thành điểm du lịch sinh thái.

“Tôi mong muốn, khi vào tham quan cánh rừng này, người dân sẽ thay đổi nhận thức từ đó trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai”, ông Chống chia sẻ.

Người cựu binh hồi sinh cánh rừng pơ mu quý ảnh 8

Ông Vừ Vả Chống ước muốn sẽ biến cánh rừng của mình thành điểm du lịch để tuyên truyền cho mọi người hiểu, bảo vệ rừng.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, cây pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm phát triển tốt ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Hiện huyện Kỳ Sơn đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu. Đồng thời, khuyến khích, nhân rộng ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng như xã Huồi Tụ, Tây Sơn để trồng thêm nhiều diện tích cây pơ mu, sa mu.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.