Người cắt cỏ trước dinh Độc Lập

TP - Trong những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt, trên những con đường đẹp đẽ vắng lặng trước dinh Độc Lập, một di tích lịch sử nổi tiếng của TPHCM được cả thế giới biết đến, người ta vẫn thấy bóng dáng áo xanh của những người công nhân cắt cỏ dưới bóng những cây già.
Anh Nghĩa miệt mài cắt cỏ trong công viên trước dinh Độc Lập trong ngày giãn cách

“Ba người lính ngự lâm”

Công viên 30/4 nằm trước di tích dinh Độc Lập là một trong những công viên đẹp gắn với nhiều kỷ niệm, ký ức lịch sử. Anh Nguyễn Văn Quỳnh (quê xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), chiến sĩ bộ binh tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 kể rằng: “Ngay sau khi chiếm được dinh, chúng tôi lùi ra vườn hoa trước cổng dinh để bảo vệ mục tiêu thì người dân thành phố ùa tới cho hoa quả, cho nước uống. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên”.

Thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, hơn một tháng anh Nghĩa sống trong công viên 30/4 để làm việc

Công viên 30/4 gồm bốn ô đất hình chữ nhật, nằm giữa các di tích quan trọng nhất của thành phố như dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện TPHCM, hồ Con Rùa… Công viên có nhiều cây cổ thụ. Tổng diện tích mặt bằng 3,5 ha thì trong đó cây xanh 2,5 ha. Người ta thường ví đây là một lá phổi, là một khu rừng nguyên sinh nằm ngay giữa lòng thành phố.

Trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt, các công trình lịch sử đều đóng cửa không đón khách, trên đường chỉ có lực lượng phòng chống dịch. Riêng tại Công viên 30/4 vẫn luôn có những bóng áo xanh len lỏi giữa các gốc cây để cắt cỏ quét rác. Họ gồm có ba người là chị Tuyền, chị Yến và anh Nghĩa, nhân viên của Công ty công viên cây xanh.

Chị Yến vui vẻ lạc quan dù làm việc vất vả hơn ngày thường

Chị Tuyền nói: “Thường ngày, chúng tôi có 30 người làm việc tại công viên này. Nhưng do đại dịch COVID-19, hạn chế tập trung đông người, chỉ 1/10 quân số của chúng tôi làm việc. Hơn một tháng nay, tại Công viên 30/4 chỉ có 3 người thường xuyên làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”, trong đó có hai nữ và một nam”.

Ba người vệ sinh, cắt cỏ cho 3,5ha công viên di tích là công việc khó ai hình dung nổi. Nhưng dường như không gì là không thể. Cả ba người làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Ngoài việc làm đẹp công viên, chị Tuyền còn kiêm luôn chân chụp ảnh bằng điện thoại để làm báo cáo mỗi ngày.

Chị Yến, người phụ nữ vóc dáng khá đậm nhưng nhanh nhẹn và bền bỉ. Chị nói: “Dịch bệnh nổ ra, mọi sinh hoạt, công việc đều đình trệ hết. Chồng tôi thất nghiệp, không việc làm, ở nhà trông con. Mình tôi làm việc lo cho cả gia đình”.

Thành phố sáng nắng chiều mưa, những cây cổ thụ ào ạt đổ lá. Chị Yến dùng những cây chổi rất dài, quét lá khắp mọi nơi. Chị bảo: “Thường ngày, có 27 người chia nhau quét vẫn mệt nhoài, giờ còn lại 3 chúng tôi, cũng vẫn từng ấy gốc cây từng ấy vườn hoa cần phải làm đẹp. Cũng ráng sức, gồng gánh công việc chung của mọi người. Chỉ mong tất cả bình an trong đại dịch”.

Chị Yến vừa nói chuyện mà mồ hôi vẫn chảy như tắm, chiếc khẩu trang chẳng mấy chốc ướt sũng. Dù quét lá cây giữa đám cổ thụ, không bóng người, chị vẫn đeo khẩu trang theo nguyên tắc 5K.

Chị Yến nói: “Chúng tôi làm việc theo nguyên tắc “3 tại chỗ” từ ngày 23/8. Hai phụ nữ ở trong văn phòng cơ quan, cũng chẳng có giường chiếu gì đâu, ngủ giường xếp. Riêng anh nam giới thì “ba tại chỗ” ngay tại công viên, không đi đâu, không gặp ai. Cứ 3 ngày, chúng tôi lại đi xét nghiệm một lần”.

Quét dọn trước khu vực dinh Độc Lập xong, chị Yến lại đi qua quét ở công viên hồ Con Rùa. Chị nói: “Lá cây rụng nhiều, gặp nước mưa rất trơn, dễ nguy hiểm cho lực lượng đi chống dịch. Phải dọn dẹp vệ sinh kỹ lưỡng”.

Xa chồng con ngay giữa đại dịch, lo lắng cho gia đình, nhưng chị Yến luôn vui vẻ và lạc quan khi được làm việc, làm đẹp cho thành phố. Chị nói: “So với ngày bình thường, chúng tôi mỗi người đang làm việc bằng 10 người. Nhưng giữa đại dịch, ai cũng phải nỗ lực hơn nhiều lần so với ngày bình thường thôi”.

Ba tại chỗ

Anh Nguyễn Thành Nghĩa sinh năm 1975 kể, từ ngày 23/8 đến ngày 30/9/2021, anh thực hiện phương châm lao động “3 tại chỗ” đó là làm việc tại công viên, ăn ngủ, sinh hoạt tại công viên. Nơi ở của anh Nghĩa là một cái lều bạt, bốn phía trống trải, chỉ có những cây cổ thụ cao vút là mái nhà thiên nhiên che chở, nhưng cũng tiềm ẩn cành rơi, cây gãy. Anh Nghĩa nói: “Cứ hôm nào trời mưa là ướt hết, co ro chờ trời sáng, không ngủ được tí nào. Ngồi ôm gối, đợi đến đúng 5 giờ sáng lại bắt đầu ngày làm việc mới”.

Là một phóng viên, thường đi qua khu vực dinh Độc Lập, từ xa tôi thấy anh Nghĩa và hai người phụ nữ mặc áo xanh công nhân chưa bao giờ ngừng làm việc. Cỏ dại và lá cây lả tả sau mỗi bước chân họ đi qua. Chúng không thể chiến thắng sự bền bỉ của “ba người lính ngự lâm”.

Cứ 3 ngày, công ty ra công viên tiếp tế lương thực, thực phẩm gồm rau thịt cá, anh tự nấu cơm bằng bếp điện. Nước sinh hoạt thì hứng vòi nước ở hồ Con Rùa về trữ trong bình nhựa, nấu uống dần. Cuối ngày vào văn phòng công ty tắm rửa rồi lại ra công viên ngủ.

Anh Nghĩa nói: “Chúng tôi 3 người làm việc thay cho gần ba chục người, nên từ 5 giờ sáng, bụng đói cồn cào nhưng đã có mặt làm việc trên các tuyến đường, các bãi cỏ. Mãi tới tầm 8 giờ thì ngừng tay ăn sáng một chút, rồi lại chia nhau làm. Tới trưa, nấu cơm, ăn xong, lại làm tiếp. Ngày mưa thì cắt cỏ, ngày nắng lại tưới cây. Cứ cắt đầu này xong thì đầu kia đã xanh um”.

Anh Nghĩa bảo: “Công ty chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ ở nhiều công viên. Công viên 23/9 có 4 người ăn ở tại công viên. Công viên Lê Văn Tám số lượng ở lại đông hơn, cỡ gần chục người. Riêng Công viên 30/4 chỉ mình tôi sống và làm việc. Vì chỗ này không có công trình kiên cố nào cả, phải sống trong lều bạt trống trơn”.

Ước mơ của anh Nghĩa đó là: “Mong dịch bệnh mau được kiểm soát để mọi người được đi làm đông hơn, chứ ba chúng tôi lo cho cái công viên rộng 3,5 ha như thế này cả tháng rồi, oải quá. Hơn nữa, anh em ở nhà thì hưởng mức lương thấp lắm”.

Niềm vui trở lại

Ngày 4/10, trở lại Công viên 30/4, tôi thấy anh Nghĩa cũng vẫn miệt mài tỉa từng cụm hoa lá bên đường tiến vào dinh Độc Lập. Trên đường xe cộ đã đi lại tấp nập. Nghe gọi tên, anh Nghĩa giật mình ngẩng lên, vui vẻ bảo: “Từ ngày 1/10, cả cơ quan đã đi làm lại. May quá, 3 chúng tôi cũng đuối lắm rồi thì anh em xuất hiện”.

TPHCM đang mở cửa và khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội sau khi đa số người dân đã tiêm mũi vắc- xin thứ 2. Trên công viên giờ đây đã đầy đủ quân số với gần 30 người trở lại công việc thường ngày. Họ tuân thủ nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn, ai biết việc người nấy. Tiếng máy cắt cỏ xè xè khắp nơi.

Nhìn đồng nghiệp tới làm việc vui vẻ, nhìn những phố xá giờ đã hết rào chắn và tấp nập người lại qua, anh Nghĩa vui vẻ bước vào ngày làm việc mới.