Truyện cổ tích “The Little Mermaid” (Nàng tiên cá) của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen là câu chuyện cảm động về nàng tiên cá xinh đẹp đấu tranh với cái ác để có được tình yêu và sống trong hạnh phúc sau khi trở thành con người. Nhưng đó là câu chuyện trong văn học, còn theo thần thoại thì mối quan hệ giữa người cá và con người không phải bao giờ cũng tốt đẹp. Từ hàng ngàn năm qua, dân đi biển thường truyền tai nhau câu chuyện về sinh vật thân người đuôi cá, thường nổi lên mặt biển cất giọng hát du dương để quyến rũ thủy thủ và lôi họ xuống đáy biển hay gây những cơn sóng dữ để phá tan những con tàu nếu sự tỏ tình của nó không được đáp lại.
Người cá trong truyền thuyết
Theo cuốn sách "Phantasmagoria: A compendium of monsters, myths and legends" (Ảo ảnh: Tóm tắt về các quái vật, thần thoại và truyền thuyết) của tác giả Terry Breverton, trước khi có người cá nữ (mermaid), cách đây chừng 4.000 năm đã có người cá nam (merman) gọi là Ea - tức vị thần biển cả của người Babylon. Ea - có nửa thân dưới là cá và nửa thân trên là người - là một trong những vị thần toàn năng dạy cho loài người các môn nghệ thuật và khoa học. Còn trong thần thoại Hy Lạp, Ea được gọi là Poseidon và thần thoại La Mã gọi là Neptune.
Trong văn hóa cổ, những người cá đầu tiên được tôn thờ như thần linh và xuất hiện trong thần thoại từ năm 700 - 1000 trước Công nguyên. Nữ thần mình người đuôi cá Atargatis trong nền văn hóa Syria cổ được gọi là Derketo. Atargatis yêu say đắm một chàng trai chăn cừu nhưng vô tình giết chết anh ta. Cảm thấy tội lỗi, Atargatis gieo mình xuống biển với hy vọng trở thành cá nhưng cuối cùng chỉ có nửa thân dưới biến thành cá. Atargatis được tôn thờ là nữ thần trông coi sự sinh sản trên mặt đất và dưới nước. Người Syria cổ xây dựng đền thờ lớn nhất cho Atargatis ở tỉnh Ascalon và không ai được phép ăn những con cá trong vùng nước hồ gần đó.
Nhà văn La Mã Pliny the Elder sống vào thế kỷ I nổi tiếng với tác phẩm "Natural history" (Lịch sử tự nhiên), trong đó mô tả những sinh vật kỳ quái, có các nữ thần biển cả nửa người nửa cá tên là Nereid. Trong cuốn sách, Pliny kể câu chuyện một vị tướng trong bức thư gửi Hoàng đế La Mã Augustus cho biết, ông phát hiện thấy "rất nhiều" sinh vật nửa người nửa cá "nằm chết ven biển". Pliny cũng đề cập đến những sinh vật biển kỳ quái như thế thường trèo lên những chiếc tàu mỗi khi màn đêm buông xuống và làm chúng chìm xuống nước.
Bức tượng nàng tiên cá nổi tiếng ở Copenhagen, Đan Mạch.
Trong thần thoại Hy Lạp, người anh hùng Odysseus ra lệnh cho thủy thủ đoàn dùng sáp bịt chặt tai lại, đồng thời cột chặt ông trên cột buồm để không bị trở thành nạn nhân của người cá siren - được mô tả là mỹ nhân ngư sử dụng giọng hát đầy ma lực để quyến rũ thủy thủ rồi giết chết họ - mỗi khi đi ngang qua vùng đảo của chúng.
Người cá cũng có mặt trong thần thoại châu Âu với những hình ảnh mâu thuẫn nhau - đôi khi là những phụ nữ xinh đẹp quyến rũ giống như nữ thần Atargatis, hoặc là quái vật hung ác luôn tìm cách kéo thủy thủ xuống lòng biển sâu. Olaus Magnus, nhà văn và nhà vẽ bản đồ Thụy Điển sống ở thế kỷ XVI, nổi tiếng với “Carta Marina” (Bản đồ đại dương) trong đó mô tả nhiều quái vật biển tồn tại quanh khu vực Bắc Âu Scandinavia.
Bức "Người Cá" (1901) của họa sĩ Anh John William Waterhouse.
Vào năm 1430 ở Hà Lan - theo cuốn sách "Standard Dictionary of folklore, mythology and legend" (Từ điển chuẩn về folklore, thần thoại và truyền thuyết) - sau khi những con đê gần thị trấn Edam bị vỡ sau trận bão, một số cô gái chèo thuyền phát hiện một người cá giống như phụ nữ trong vùng nước ngập. Người cá được họ mang về nhà và cho mặc quần áo phụ nữ. Họ cố dạy cho người cá tiếng nói của con người nhưng đành bất lực.
Người xưa tin rằng mỗi sinh vật trên mặt đất đều có "đối tác" dưới biển cả và con người cũng không ngoại lệ. Ví dụ như bò biển, lợn biển và cá ngựa. Vào giữa thế kỷ XVI, nhà tự nhiên học người Pháp Guillaume Rondelet được cho là phát hiện thấy 2 mẫu vật rất giống với hình thù của… thầy tu mang mũ trùm đầu!
Trong cuốn từ điển bách khoa Anh “Encyclopaedia Metropolitana” năm 1817 mô tả người cá - thầy tu như sau: "Gương mặt giống người nhưng thô kệch, phần đầu trơn nhẵn không tóc và mũ trùm đầu giống như của thầy tu" trong khi "phần thân dưới có đuôi dài".
Bức tượng Havis Amanda là biểu tượng cho sự tái sinh của thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Năm 1614, nhà thám hiểm người Anh John Smith nhìn thấy ngoài khơi đảo Newfoundland ở Đại Tây Dương một người cá nữ "có mái tóc dài màu xanh".
Trước đó vào năm 1493, nhà hàng hải người Italia Christopher Columbus cũng nhìn thấy một người cá ở gần khu vực mà hiện nay là Cộng hòa Dominican. Trong nhật ký của Columbus, những người cá được nhìn thấy nổi lên mặt biển nhưng không xinh đẹp như người ta mô tả và có gương mặt giống như nam giới.
Người cá trong văn học và nghệ thuật
“Người cá: trong truyện cổ tích của Andersen là nguồn cảm hứng cho tác phẩm điêu khắc người cá bằng đồng biểu tượng của thành phố cảng Copenhagen, Đan Mạch và ảnh hưởng đến các tác phẩm văn học phương Tây như là "The Fisherman and his soul" (Ngư dân và linh hồn) của Oscar Wilde và "The sea lady" (Mỹ nhân ngư) của H.G. Wells. Những bức tượng về người cá có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia và nền văn hóa trên thế giới, với hơn 130 tượng bao gồm: Nga, Phần Lan, Lithuania, Ba Lan, Romania, Đan Mạch, Na Uy, Hàn Quốc, Australia, Colombia, Arập Xêút, Mỹ, Canada v.v… Bức tượng Havis Amanda là biểu tượng cho sự tái sinh của thủ đô Helsinki của Phần Lan. Họa sĩ Anh John William Waterhouse nổi tiếng với bức tranh "A Mermaid" (1901).