Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào người biểu tình cuối tuần qua, nhưng sau đó rút khỏi trung tâm Hong Kong, trừ khu vực xung quanh tòa nhà chính quyền. Trước thềm Quốc khánh 1/10, đám đông đổ xuống quận chính của Hong Kong - trung tâm tài chính châu Á.
Thủ lĩnh phong trào sinh viên biểu tình ra tối hậu thư cho lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh phải đối thoại trực tiếp với người biểu tình trước nửa đêm 30/9, nếu không sẽ gia tăng hành động trong vài ngày tới, bằng cách chiếm thêm nhiều cơ sở của chính quyền, các tòa nhà công cộng và đường phố. Trong một cuộc họp báo, một nhóm ủng hộ phong trào nói rằng, sẽ mở “hành lang nhân đạo” ở các khu vực biểu tình để cho phép các xe cấp cứu đi qua.
Người biểu tình chiếm giữ ít nhất 4 khu vực đông đúc nhất của Hong Kong, bao gồm khu Admiralty, quận trung tâm, quận mua sắm nhộn nhịp Causeway Bay và khu Mong Kok ở Kowloon. “Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người có thể trụ vững tại 3 điểm chính: Admiralty, Causeway Bay và Mong Kok. Chúng tôi gọi những nơi này là “Quảng trường Dân chủ”, AP dẫn lời Chan Kin-man, một thủ lĩnh của phong trào Occupy Central (Chiếm trung tâm).
Alex Chow, lãnh đạo Hội Sinh viên Hong Kong, cho biết, đợt biểu tình bắt nguồn từ cuộc tụ tập của sinh viên và phong trào Occupy Central nhưng nay lan rộng và thu hút người dân Hong Kong thuộc mọi tầng lớp. Người biểu tình lập các trạm tiếp tế nước, hoa quả, bánh, áo mưa, khăn, kính mắt, khẩu trang và lều để chuẩn bị cho một chặng đường dài.
Tại một giao điểm ở Mong Kok, 6 chiếc xe buýt bị bỏ lại được biến thành bảng thông báo tạm thời. Cửa kính của những xe buýt này được phun những khẩu hiệu như: “Xin đừng dừng lại”, “Ông Lương Chấn Anh hãy từ chức”…
Không cần quân đội đại lục trợ giúp
Trong khi đó, ông Lương Chấn Anh nói rằng, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ cuộc biểu tình mà họ coi là bất hợp pháp, và rằng cảnh sát Hong Kong sẽ duy trì được an ninh mà không cần quân đội đại lục giúp đỡ.
Khi được hỏi liệu Hong Kong có đề nghị quân đội đại lục can thiệp hay không, cảnh sát Hong Kong nói rằng, họ có đủ nhân lực “để đối phó mọi tình huống”, báo Hong Kong South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) đưa tin hôm qua.
“Chính quyền trung ương sẽ không hủy bỏ quyết định”, ông Lương Chấn Anh nói về khả năng Bắc Kinh hủy bỏ quy định kiểm tra các ứng viên lãnh đạo Hong Kong trong đợt bầu cử trực tiếp đầu tiên của đặc khu này vào năm 2017, đồng thời tuyên bố sẽ không từ chức trước thời điểm này. Ông Lương Chấn Anh cũng thúc giục người biểu tình dừng chiến dịch ngay lập tức, vì đám đông đang làm tê liệt nhiều khu vực.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề tư pháp và nội vụ thuộc Quốc hội Trung Quốc viết trên People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) của Trung Quốc: “Ở Trung Quốc ngày nay, tham gia vào một hệ thống bầu cử mỗi người một lá phiếu là con đường nhanh chóng dẫn đến bất ổn, hỗn loạn và thậm chí một cuộc nội chiến”.
Còn báo Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn cầu) viết: “Có vẻ những kẻ cơ hội đã đạt được thành công bước đầu khi huy động được người ủng hộ phá vỡ luật pháp của Hong Kong. Tuy nhiên, môi trường cải cách chính trị của đặc khu không bị tác động. Những kẻ cơ hội sẽ đi đến ngõ cụt”.
Về khả năng biểu tình lan sang đại lục, tờ báo này viết: “Chính quyền trung ương sẽ không nhượng bộ chỉ vì sự hỗn loạn do những kẻ cơ hội gây ra. Phong trào Occupy Central có vẻ ồn ào, nhưng sẽ không lan khỏi Hong Kong. Đa số người dân đại lục ủng hộ các chính sách của chính quyền Hong Kong. Nên không có khả năng sự hỗn loạn ở Hong Kong có thể biến thành một cuộc khủng hoảng ở đại lục”.
Thị trường tài chính Hong Kong cho đến nay mới chịu ảnh hưởng hạn chế của đợt biểu tình vì các nhà đầu tư đang đánh giá phản ứng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chỉ số tài chính HSI của Hong Kong hôm qua rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng.
Chỉ số chứng khoán rơi tụt xuống 7,3% trong tháng này. Cơ quản quản lý tiền tệ Hong Kong cho biết, 37 chi nhánh hoặc văn phòng của 21 ngân hàng đã đóng cửa tạm thời để tránh biểu tình.
Tại Mỹ, Phát ngôn viên Nhà Trắng thúc giục chính quyền Hong Kong “kiềm chế” và thúc giục người biểu tình “thể hiện quan điểm một cách hòa bình”.
Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, ông “lo ngại sâu sắc” về tình hình Hong Kong và hy vọng sự bế tắc sẽ được giải quyết. Chính phủ Mỹ, Úc và Singapore đã đưa ra cảnh báo du lịch đối với công dân nước họ.