Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, các nhà khoa học đã chứng minh chế độ ăn hợp lý sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nhất là các loại hạt, ngũ cốc, đậu, trái cây và rau có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim. Trong khi đó thức ăn chứa hàm lượng natri cao có thể làm tăng huyết áp cũng như tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn của cư dân vùng Địa Trung Hải giúp làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. Nguyên lý của họ là nhiều rau, nhiều quả, nhiều cá ăn kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua… Người dân ở đây ăn rất ít thịt, ít chất béo từ bơ, dầu dừa, dầu cọ, thịt thay vào đó là nhiều chất béo không bão hòa (dầu ôliu). Từ đó, các nhà khoa học đúc kết thành khuyến cáo dinh dưỡng cho bệnh nhân tim mạch như sau:
- Giảm muối: Khẩu phần ăn giảm muối giúp giảm và kiểm soát tăng huyết áp.
- Tăng kali: Thiếu kali ảnh hưởng đến huyết áp, gây rối loạn nhịp tim. Chế độ ăn bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín…
- Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc.
- Tránh thức ăn chế biến sẵn. Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường.
- Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật để tránh chất béo bão hòa.
- Không nên ăn các loại thịt chế biến sẵn mà nên mua về để nấu sẽ lành mạnh hơn.
- Đừng dùng bơ kèm mayonaise khi chế biến thức ăn, bạn chỉ nên dùng một trong hai thứ này mà thôi.