Người bệnh hiểm nghèo đối mặt khó khăn

Một bệnh nhân đang cầm trên tay hai loại thuốc điều trị ung thư Iressa và Tarceva (từ trái qua). Ảnh chụp tại khoa ung bướu xạ trị, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Khánh
Một bệnh nhân đang cầm trên tay hai loại thuốc điều trị ung thư Iressa và Tarceva (từ trái qua). Ảnh chụp tại khoa ung bướu xạ trị, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Khánh
Hàng vạn bệnh nhân ung thư phổi, ung thư gan, ung thư thận, viêm gan, khớp... đối diện với khó khăn rất lớn khi bảo hiểm y tế giảm chi trả cho 28 loại thuốc đặc trị.

Sáng 24-12, ông Phạm Quang Tính, bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), đột ngột bị sốc, ông khóc và nghĩ số phận mình đã được “định đoạt” sau khi bác sĩ báo tin: từ 1-1-2015, loại thuốc ông đang dùng có giá tới 1,35 triệu đồng/viên, mỗi ngày uống một viên, sẽ không được bảo hiểm chi trả 100% như trước mà bệnh nhân phải cùng chi trả mỗi ngày gần 700.000 đồng tiền thuốc.

“Tôi mới về hưu tháng 8-2014, lương hưu được 4,5 triệu đồng/tháng. Tôi hiếm muộn nên hai con đều đang học phổ thông, cháu bé mới học lớp 5. Giờ phải trả một nửa tiền thuốc thì cầm chắc là chịu, vợ tôi gọi điện nói thôi về uống thuốc gì đó cho rẻ, sống thêm ngày nào hay ngày đó” - ông Tính buồn bã.

Đành về nhà chờ chết

Cùng chịu cảnh ngộ với ông Tính ở Bệnh viện Hữu Nghị có đến cả trăm bệnh nhân, nếu xét rộng ra các bệnh viện K, bệnh viện nhiệt đới trên toàn quốc, số bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ lên tới hàng vạn người.

Họ đều là bệnh nhân ung thư phổi, ung thư gan, ung thư thận, viêm gan, khớp... đang điều trị bằng loại thuốc mới, chi phí cao và sẽ phải cùng chi trả 50-70% tiền thuốc từ 1-1-2015, theo quy định trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả mới được Bộ Y tế ban hành.

Ông Vũ Văn Lai, 69 tuổi, là một bệnh nhân trong số này. Trước khi điều trị bằng loại thuốc chi phí tới 1,4 triệu đồng/viên mỗi ngày, ông đã có 13 tháng điều trị bằng thuốc y học cổ truyền nhưng hiệu quả chưa thật sự khả quan trong khi chứng bệnh ung thư phổi của ông đã ở giai đoạn 4.

Khi họp hội đồng xây dựng danh mục thuốc đã có đầy đủ đại diện từ Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, các khoa điều trị, Trường ĐH Y dược... Bộ Y tế cũng đã thành lập một hội đồng chuyên gia gồm các giáo sư, phó giáo sư về ung thư, huyết học, xương khớp, nội tiết. Các nước cũng thực hiện thanh toán theo tỉ lệ với các thuốc chi phí cao như VN mới quy định. 

Bà Tống Thị Song Hương (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế)

“Tôi đã trải qua một đợt xét nghiệm, nếu đủ điều kiện mới được xem xét cho điều trị bằng loại thuốc mới này. Kết quả là tôi có đáp ứng thuốc và được sắp xếp vào điều trị. Mặc dù bảo hiểm đã chi trả 100% tiền thuốc, nhưng mỗi tháng chúng tôi vẫn có hai ngày phải ra viện theo quy định và phải mua hai viên thuốc giá gần 3 triệu đồng, cộng với tiền xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán mỗi tháng chúng tôi phải chi 5-6 triệu đồng. Sắp tới phải trả một nửa tiền thuốc nên tôi quyết định sẽ ra viện luôn, vì mỗi tháng tốn hơn 20 triệu đồng mua thuốc thì người về hưu như tôi không thể nào có khả năng” - ông Lai cho biết.

Cùng phòng bệnh với ông Lai còn có một bệnh nhân ung thư gan giai đoạn 4, đang điều trị bằng loại thuốc đắt tiền hơn nữa: 4 triệu đồng/ngày.

Nhờ có hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, bảy tháng qua bệnh nhân được sử dụng loại thuốc này và hiệu quả tương đối rõ rệt. Mặc dù thuốc có tác dụng phụ là gây ngứa ngoài da, nhưng khối ung thư trong gan nhỏ đi thấy rõ nhờ tác dụng diệt các tế bào ung thư mới phát sinh.

“Thuốc thì tốt thật nhưng cũng đắt quá, giờ không có hỗ trợ từ quỹ nữa, ai có điều kiện, có nhà thì có thể phải bán nhà, còn không có đành chịu về nhà chờ chết. Tôi cũng xác định như vậy rồi” - người bệnh rưng rưng chia sẻ. Nhìn một người đang sống buộc phải nói sẽ về nhà chờ cái chết, ai cũng không cầm được nước mắt.

Người bệnh hiểm nghèo đối mặt khó khăn ảnh 1

Hầu hết bệnh nhân điều trị ung thư tại khoa ung bướu xạ trị Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), trong đó có ông Vũ Văn Lai, đều lo lắng trước quy định mới của bảo hiểm y tế. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Sợ vỡ quỹ bảo hiểm?

Theo bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), từ ngày 1-1-2015 sẽ có 28 loại thuốc đều là thuốc mới, đắt tiền, chi phí điều trị cho một người từ 40 triệu - 1,2 tỉ đồng/năm sẽ thay đổi phương thức chi trả cho bệnh nhân. Hướng mới là giảm chi từ quỹ xuống còn 30-50% tiền thuốc, thay vì 50-100% như trước.

Theo bà Hương, đây là các thuốc điều trị bệnh khớp, ung thư, viêm gan siêu vi...

Trong khi danh mục bảo hiểm y tế chi trả cũng đã có trên 50 thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, bệnh nhân không có khả năng cùng chi trả tiền thuốc mới giá cao có thể quay về sử dụng các thuốc thông thường trong danh mục, chứ không lo thiếu thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đang dùng thuốc mới, giá cao đều có thể thay đổi phác đồ để trở về sử dụng thuốc thông thường, hay quay về dùng liệu pháp hóa trị như cũ.

Theo ông Tính, trước khi được dùng thuốc mới giá 1,35 triệu đồng/viên, ông đã trải qua một liệu trình hóa trị nhưng không đáp ứng phác đồ, các bác sĩ chuyển phác đồ mới và coi đây là phác đồ cuối cùng của ông.

“Bác sĩ cũng nói với tôi hay quay lại hóa trị, mà thật ra thì tôi đã không đáp ứng với hóa trị rồi” - ông Tính bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Y tế, cơ quan đã ban hành danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, cho rằng khi xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm chi trả theo tỉ lệ, Bộ Y tế không muốn đưa tới 28 thuốc vào danh sách và cũng muốn nâng tỉ lệ chi trả từ quỹ lên.

Nhưng do phía Bảo hiểm xã hội VN (cơ quan đang giữ Quỹ bảo hiểm y tế) sợ vỡ quỹ bảo hiểm, kiên quyết bảo vệ quan điểm chỉ chi theo tỉ lệ 30-50% với các thuốc đắt tiền này, nên Bộ Y tế phải nghe theo!

Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm xã hội VN lại cho biết: “Quyết định, danh mục là do Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế đã quyết định, không thể đổ lỗi cho cơ quan bảo hiểm”.

Giải pháp nào cho người bệnh hiểm nghèo?

Dù cơ quan nào quyết định việc cắt giảm thì rõ ràng danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả mới sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn người bệnh hiểm nghèo.

Có ý kiến cho rằng để chi trả tiền thuốc cho một người dùng thuốc đắt tiền nhất trong danh mục này (chi phí 1,2 tỉ đồng/năm), sẽ phải có 2.000 người đóng phí bảo hiểm mới đủ cho một người dùng thuốc, trong khi thời gian sống không thêm được bao nhiêu.

Tuy nhiên mỗi ngày sống thêm trên đời của con người là vô giá. Một xã hội công bằng là xã hội không để ai phải chết vì thiếu tiền mua thuốc, nhất là trong điều kiện Quỹ bảo hiểm y tế đã kết dư liên tục từ năm 2010 đến nay và hiện đang còn dư trên 20.000 tỉ đồng.

“Khối u của tôi ban đầu bằng nắm tay, nay đường kính khối u giảm chỉ còn 3,5cm, bệnh có đáp ứng tốt với thuốc, nhưng chi trả tiền thuốc thì đúng là không tưởng, kể cả với người giàu có. Nếu phải giảm mức chi từ quỹ thì không nên đột ngột giảm xuống còn một nửa như vậy” - ông Tính bức xúc.

Ông Nghiêm Trần Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết đúng là các thuốc trong danh mục này là thuốc đắt nhưng là thuốc mới nhất, cập nhật nhất, và cũng có hiệu quả với những bệnh nhân có chỉ định phù hợp.

Theo ông Dũng, khi Bộ Y tế xây dựng phác đồ này ông đã đề xuất tăng phần chi trả cho thuốc điều trị viêm gan siêu vi C, do đây là thuốc có trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời sẽ giúp ngăn chặn tiến triển thành ung thư ở nhóm bệnh nhân viêm gan siêu vi, nhưng cuối cùng quy định chỉ chấp nhận chi trả 30%.

“Nên có những hình thức bảo hiểm bổ sung, hoặc xem xét điều kiện thu - chi từ quỹ để chi trả cho những trường hợp có đáp ứng hiệu quả với thuốc” - ông Dũng đề xuất.

* Dược sĩ NGUYỄN QUỐC BÌNH (trưởng khoa dược Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM):

Lo ngại bệnh nhân phản ứng

Bệnh viện lo ngại thời gian đầu thực hiện sự cắt giảm chi trả này sẽ gặp phải những phản ứng của bệnh nhân ung thư, vì so với trước đây bệnh nhân sẽ phải đóng thêm một số tiền lớn để điều trị bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang thông báo với các khoa, phòng có những bệnh nhân như vậy biết những quy định mới của Nhà nước, để khi đi khám bệnh bệnh nhân phải chuẩn bị một số tiền lớn hơn để đóng.

* Bác sĩ  ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Ảnh hưởng đến điều trị

Bệnh viện chưa nhận được văn bản chính thức của Bảo hiểm xã hội VN về loại thuốc nào sẽ được cắt giảm chi trả.

Sau một thời gian sử dụng nhiều loại thuốc mới, rất đắt tiền, có những loại thuốc đem lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh như Trastuzumab (điều trị ung thư vú) hay Rituximab (điều trị ung thư hạch).

Liệu trình điều trị những loại thuốc này trong một năm có thể mất đến cả tỉ đồng trên mỗi bệnh nhân, nếu bảo hiểm y tế cắt giảm chi trả những loại thuốc này chắc chắn sẽ thiệt thòi quyền lợi cho người bệnh vì phần chi trả còn lại quá nhiều, người bệnh sẽ không thể chi trả được.

Trước khi Bảo hiểm xã hội VN quyết định cắt giảm chi trả những loại thuốc đặc trị, mắc tiền nên tham khảo về mặt chuyên môn đối với các cơ sở y tế, thậm chí cần thiết phải thành lập một hội đồng khoa học để thẩm định được giá trị của tất cả các thuốc mới, đắt tiền.

Một loại thuốc đem lại kết quả điều trị tốt dù thuốc đắt tiền vẫn phải duy trì mức chi trả cho người bệnh. Với loại thuốc mà các cơ sở y tế và hội đồng chuyên môn thấy chưa có sự thay đổi rõ rệt trong điều trị mà rất tốn kém thì nên cân nhắc.

Việc cắt giảm mức chi trả những loại thuốc này sẽ tạo ra bức xúc lớn cho người bệnh vì điều trị ung thư phải điều trị trong một quá trình dài.

Cắt giảm mức chi trả sẽ làm nhiều bệnh nhân không đủ điều kiện theo hết lộ trình điều trị, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Với những bệnh nhân đang điều trị theo một lộ trình, bảo hiểm y tế cần chi trả như cũ cho tới lúc kết thúc điều trị và chỉ nên áp dụng quy định trên đối với những bệnh nhân mới bắt đầu điều trị bệnh.

Thùy Dương ghi

Theo Lan Anh

Theo Tuổi Trẻ
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.