Người Bắc Giang mổ lợn, san gạo cho công nhân vùng tâm dịch

TPO - Người rời quê đi làm công nhân là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì dịch COVID-19. Tại Bắc Giang, họ được người dân địa phương san sẻ từng nắm gạo, mớ rau hoặc giảm giá phòng trọ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hàng hóa ủng hộ được chuyển vào xã Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang).

Tính đến trưa 18/5, tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận gần 500 ca mắc COVID-19, chủ yếu tại các khu công nghiệp lớn như Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám. Chính quyền tỉnh đã quyết định cách ly xã hội với huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng.

Tại các khu công nghiệp, chính quyền yêu cầu công nhân không di chuyển về quê hoặc sang tỉnh ngoài. Không được đi làm, công nhân tạm ở trong nhà trọ để thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh.

Đổi lại, chính quyền và nhiều người dân ở Bắc Giang đã tiến hành hỗ trợ các công nhân, đặc biệt là những người mới đi làm, chưa nhận được tiền lương từ công ty.

Thôn 7 xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên) hiện có 7 trường hợp F0 và là nơi gần kề các khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung nên có số công nhân lớn, ước tính hơn 2.000 người. Trong đó, nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn.

Chính quyền và người dân tại Thôn 7, Tăng Tiến cùng góp tiền để mua lợn làm thực phẩm cho công nhân ở trọ trên địa bàn.

Từ nhiều ngày nay, ông Hoàng Đăng Hùng – Trưởng thôn 7 đã cùng những người tình nguyện tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm cho công nhân khó khăn trong giai đoạn bị phong tỏa hiện nay.

“Mình hỗ trợ công nhân đặc biệt là những người mới đến, chưa có công ăn việc làm ổn định. Trước tiên là phát mỳ tôm sau đó phát gạo, thịt, rau. Chúng tôi thường đóng gói mỗi suất quà khoảng 3kg gạo cùng mỳ tôm, trứng, rau… và phát cho cá nhân khó khăn. Những ai còn tiền trong thẻ hoặc có lương thực thực phẩm dự trữ sẽ chưa được phát ngay vì dịch còn dài, mình chưa biết đến bao giờ kết thúc – ông Hùng chia sẻ.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Thôn 7 xã Tăng Tiến:

Người dân chia thịt lợn cho công nhân. Số thịt lợn này được chính quyền Thôn mua một phần, những người bán ủng hộ một phần.

Ngoài ra, hàng cứu trợ còn có gạo, muối, trứng...

Thành viên Chi hội Phụ nữ trong thôn tổ chức đóng gói các suất quà cho công nhân.

Anh Thân Văn Huy (ở Thôn 7, Tăng Tiến) tự nguyện dùng ô tô cá nhân của mình để vận chuyển hàng cứu trợ cho công nhân.

Ông Đặng Văn Long – Phó Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến chia sẻ: “Khi có dịch bệnh như hiện nay mới thấy người dân rất hào phóng, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau. Các chủ nhà trọ sẽ lập danh sách đồng thời thống kê nhu yếu phẩm cần thiết trong quá trình sinh hoạt của công nhân sau đó lãnh đạo thôn hoặc các tổ xung kích sẽ cấp phát hoặc mua giúp”.

Ngoài hàng hóa, một số chủ nhà trọ tại Thôn 7 đã giảm giá phòng hoặc miễn phí tiền điện nước cho công nhân để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Lương thực, thực phẩm sẽ được chuyển đến từng nhà trọ cho công nhân theo danh sách nhưng ưu tiên những người mới đi làm, chưa có tiền lương ổn định.

Để đảm bảo yêu cầu giãn cách, các chủ nhà trọ sẽ đại diện công nhân ra nhận hàng hóa rồi về phân chia lại.