Người Angola cũng thích Tết Việt

Văn nghệ đón Tết cổ truyền ở Angola. Ảnh: Ngọc Tuân
Văn nghệ đón Tết cổ truyền ở Angola. Ảnh: Ngọc Tuân
TP - Ở Angola, có lẽ nơi tụ hội đông đúc người Việt nhất chính là thủ đô Luanda. Không khí Tết Việt ở chợ São Paulo tại Luanda cũng lan tỏa đến nhiều người dân Angola.

Rộn ràng Luanda

Ở Angola, có lẽ nơi tụ hội đông đúc người Việt nhất chính là Thủ đô Luanda. Năm nào cũng vậy, bà con tiểu thương ở chợ São Paulo, dù bận rộn đến mấy cũng dành thời gian để lo Tết. Thu Hương (Quán Thánh, Hà Nội) sang thuê ki-ốt kinh doanh được vài năm nay. Hương trẻ trung, xinh đẹp, liến thoắng tiếng Bồ Đào Nha mỗi khi có ai đó vào mua quần áo, vải vóc. 

Dù rất nhớ nhà, muốn được hưởng không khí se lạnh của Hà Nội mỗi khi Tết đến nhưng vì nghiệp kinh doanh nên suốt ba năm qua Hương phải ăn Tết xa nhà. “Dù xa quê nhưng được chị em đùm bọc nên vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà”, Hương chia sẻ.

Không chỉ có Hương, tình đồng hương cũng đã khiến hàng trăm người Việt Nam tại chợ São Paulo ở Luanda- nơi được ví như chợ Đồng Xuân ở Thủ đô Hà Nội cũng luôn ấm lòng mỗi khi Tết đến. Tay nối tay, họ cùng nhau hòa vào giai điệu bài hát Happy New Year làm cho không khí càng thêm rộn rã. 

Người Angola cũng thích Tết Việt ảnh 1

Bruno đã lái xe cho một ông chủ người Việt được ba năm. Ảnh: Phong Cầm

Con phố người Việt chỉ dài chừng 800m ngay giữa lòng Thủ đô Luanda những ngày Tết đến luôn vui như hội. Trước một vài cửa hàng, một số người Việt còn treo băng rôn lớn với dòng chữ “Chúc mừng năm mới” to.

Bruno, một lái xe cho ông chủ người Việt khoe rằng, cứ mỗi lần đến Tết Nguyên đán Việt Nam, anh lại được ông chủ lì xì một túi quà cho gia đình và phong thơ 500 USD. “Người Việt Nam sống tình cảm, thẳng thắn. Tôi đã lái xe cho ông chủ suốt ba năm nhưng chưa có ý định thôi việc”, Bruno nói. 

Anh cho biết, ấn tượng nhất đối với anh chính là vào dịp Tết, ngay bàn thờ của ông chủ treo đôi câu đối bằng chữ Việt Nam: “Cạn ly mừng năm qua đắc lộc. Nâng cốc chúc năm mới phát tài”. “Mọi người ai thức trắng đêm, cùng nhau uống rượu vang, ban lộc và chúc nhau những lời tốt đẹp, lạ lắm”, Bruno nói.

Theo Đại sứ Đỗ Bá Khoa, cứ dịp gần Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola lại được trang hoàng lộng lẫy. Dù được nghỉ nhưng không khí làm việc vui vẻ khác ngày thường. Đại sứ quán cũng là điểm đến dịp Tết của khoảng gần 5 vạn người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại Angola. 

“Tết đến, 5 anh em trong Đại sứ quán luôn sum vầy như một gia đình”, Đại sứ Khoa nói. Người trẻ nhất trong Đại sứ quán Việt Nam tại Angola là Nguyễn Quỳnh Hoa. Cô gái có làn da trắng, quê Hà Nội, miệng luôn cười mỗi khi gặp khách lạ. Hoa là Bí thư thứ 3 của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. “Em sang Angola làm việc đã hai năm. Đây là năm đầu tiên ở lại Angola cùng mọi người ăn Tết”, Hoa cho biết.

Ngày hội của người lao động

Tết đến là ngày hội của người lao động Việt Nam ở khắp nơi trên lãnh thổ Angola. Từ các công trường ở Thủ đô Luanda đến các thành phố lớn như Huambu, Lobito, Benguela, Lubango, Malange, Namibe, Soyo, Cabinda... đâu đâu cũng như ngày hội. Không khí làm việc những ngày Tết đến khiến nhiều lao động xa quê nhiều năm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Với các lao động như Thạch, Bảo, Phú quê xã Kỳ Tân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Tết này đã là Tết thứ năm xa nhà.

Cả ba người đều đã lập gia đình nhưng vì mưu sinh nên phải đi làm ăn xa. Thạch hiện đang lái xe ở Luanda, còn Bảo và Phú đang làm xây dựng tại Lubango. “Lương tháng hơn 1.000 USD nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn so với hồi còn làm việc tại Việt Nam”, Phú cho biết. Theo Phú, không chờ đến ngày 30 mà tại các lán trại, anh em đã tổ chức Tết từ những ngày 25 tháng Chạp. “Nói chung năm nào Tết cũng là dịp hội ngộ của anh em lao động Việt Nam”, Bảo cho biết thêm.

Ông chủ Nguyễn Ngọc Ký, sinh năm 1984, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã có “thâm niên” ăn Tết xa nhà nhiều năm. Ký là một chủ thầu xây dựng khá tên tuổi tại Lubango. Ngoài tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân Angola, Ký hiện đang “nuôi” 63 lao động Việt Nam. “Họ đều là người có tay nghề về xây dựng. Người lương cao hơn 1.500 USD/tháng, còn lại đều hơn 1.000 USD/tháng, sau khi đã được lo ăn, ở”, Ký cho biết.

Tốt nghiệp Đại học Quản trị kinh doanh Hà Nội, sang Angola làm ăn đã ngót nghét gần 10 năm, với Ký là quãng thời gian thiệt thòi vì phải xa người thân, gia đình. Ký cho biết, mỗi năm Tết đến, anh em lao động luôn quây quần bên nhau. Công trường nào đông anh em, Ký cho nhân viên mua gạo nếp gói bánh chưng và mổ gà, lợn để làm cơm. Trước để cúng tổ tiên, ông bà. Sau làm tiệc để thiết đãi anh em. “Ai cũng được công ty lì xì. Những ngày Tết lúc nào cũng vui như... Tết”, Ký vui vẻ.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.