Nhà nhiếp ảnh hơn 70 năm chụp ảnh về Đà Lạt |
Nghệ sĩ (NS) nhiếp ảnh Đặng Văn Thông vừa qua đời đêm 28/2 tại nhà riêng trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt), hưởng thọ 92 tuổi. Ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng.
Theo người nhà của cố nghệ sĩ, trước Tết Quý Mão 2023, nghệ sĩ Đặng Văn Thông sang Lào ăn Tết với gia đình con trai út. Cách đây 5 ngày, ông bị tai biến, được gia đình đưa về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, tiếp đó được đưa về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Bức ảnh đẹp về thác Prenn do nghệ sĩ Đặng Văn Thông chụp. |
Vì tuổi già, sức yếu, bệnh tình chuyển nặng nên chiều 28/2, NS Đặng Văn Thông được con cháu đưa về nhà và qua đời lúc 21h.
Nghệ sĩ Đặng Văn Thông quê ở Nam Định, từ lúc 8 tuổi, theo gia đình vào Đà Lạt, trú ngụ tại nhà người chú là chủ hiệu ảnh Đà Lạt Photo. Năm 17 tuổi, Đặng Văn Thông bắt đầu cầm máy rong ruổi khắp nơi ghi lại nét đẹp nên thơ của thành phố hoa, thành phố ngàn thông, thành phố sương mù Đà Lạt.
Bức ảnh đen trắng hiếm hoi chụp quanh cảnh chợ Đà Lạt xưa. |
Là người say nghề, ông miệt mài ghi lại hình ảnh Đà Lạt qua nhiều thời kỳ, dưới các góc độ khác nhau. Được ghi nhận là một trong những người ghi lại nhiều bức ảnh về Đà Lạt nhất, ông bảo không nhớ đã chụp được bao nhiêu, chỉ ước khoảng hàng vạn bức ảnh.
Ảnh chụp năm 1952 về nét đẹp của phụ nữ Đà Lạt xưa. |
Khi đã ngoài 80, sức khỏe yếu, nhưng những dịp Tết đến, xuân về, ông vẫn mang máy ảnh đi “săn” khoảnh khắc đẹp khi trời đất giao mùa.
Tại ngôi biệt thự của gia đình nghệ sĩ Đặng Văn Thông còn lưu giữ những bức ảnh đen trắng hiếm hoi về thắng cảnh Đà Lạt gần 70 năm trước, trong đó có bức ảnh hồ Mê Linh chụp vào năm 1948.
Bức ảnh Hồ Mê Linh (1948) là ảnh xưa nhất về Đà Lạt mà nhiếp ảnh Đặng Văn Thông lưu giữ được. |
Nhiều bức ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên Đà Lạt của ông được trao giải thưởng cao quý trong và ngoài nước, các bức ảnh ấn tượng về người Đà Lạt xưa, thắng cảnh, kiến trúc cổ, núi đồi thơ mộng, thác nước hoang sơ được sử dụng trên nhiều tờ báo, cuốn sách viết về Đà Lạt.
Ông từng tâm sự đã học hỏi nhiều kinh nghiệm sáng tác ảnh từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng thuở trước như Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan… và các nghệ sĩ đàn anh Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu.
Tại các cuộc triển lãm về Đà Lạt xưa, những bức ảnh của nhiếp ảnh Đặng Văn Thông luôn để lại ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng ngoạn, nhất là ảnh về những khoảnh khắc biến đổi tuyệt diệu của thiên nhiên lúc bình minh, hoàng hôn, sương giăng mắc trên ngọn thông, khi bầu trời trong xanh, thậm chí cả những lúc mây trời vần vũ.
Kho ảnh của ông khiến người xem xao xuyến với những hồ, thác nên thơ, hoài niệm về người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch những thập niên giữa của thế kỷ trước.
Đó là bức ảnh phụ nữ bán hàng rong nhưng vẫn thanh lịch trong tà áo dài, đôi tình nhân đón củ khoai nướng nóng hổi từ tay bà bán khoai dạo, những chuyến xe ngựa chở khách ngược xuôi ở khu Hòa Bình, thuyền buồm sang trọng trên hồ Xuân Hương…
Bức ảnh Thác Gougah mà nghệ sĩ Đặng Văn Thông chụp năm 1955. |
Về ảnh hồ Mê Linh, bức ảnh xưa nhất còn lưu giữ được, ông cho biết thuở đó, đây là khu vực quân sự, người dân không được lai vãng. Riêng ông, vì làm thợ ảnh nên mới có cơ hội “săn” những bức hình ưng ý như thế.