Ngược suối trời

Ngược suối trời
Sáu bảo con đun nước chè. Mấy đứa nhỏ thổi lửa  phù phù. Cái bếp lửa của người H’Mông chẳng mấy khi tắt, nó lại bùng lên trong buổi tối se lạnh và yên tĩnh.
Ngược suối trời ảnh 1
Bố mẹ vắng nhà

Cao hơn 1.370 mét. Suối vẫn chảy quanh đây. Miệt mài như một bài thơ có khi không độc giả, lặng lẽ nối những miền ký ức, hôm nay và ngày mai.

Suối Giàng – tiếng H’ Mông nghĩa là suối Trời. Sáu và mấy người anh em đều không biết ai đã đặt ra cái tên ấy, và nó có tự bao giờ? Suối ơi. Giàng ơi. Nước đã sôi, chè đã rót. Gió như lên cao mà cốc nước chè như neo mình xuống thấp.

Đã lâu mới ngủ lại trong bản H’Mông. Chúng tôi theo Mia – một phóng viên ảnh người Thụy Điển chuyên gia về Trung Đông lên xã Suối Giàng và chia nhau tá túc trong nhà dân. Cảm giác thật lạ lùng. Như trở về ngôi nhà của mình vậy. Những cái bản cao hơn mọi ngọn núi và những ngọn khói lam chiều cao hơn mọi mặt trời, con suối và đàn chim.

Cái áo đen tuyền, cái váy rực rỡ. Con ngựa đứng trong ngôi nhà bé tí của nó. Hạt cơm gạo nương đỏ và nhiều chất xơ. Canh bí, su su luộc, tất nhiên là cải nữa chứ. Rau tàu bay. Chấm muối ớt. Một nhà báo hai mươi lít rượu, Sáu chuẩn bị cho chúng tôi như thế.

Uống rượu một lúc thì anh bạn đi cùng tôi cởi cái áo ấm đang mặc tặng chủ nhà, tặng luôn anh bạn Hải ở nhà bên một cái kéo để cắt tóc, và một ông hàng xóm nữa uống rượu mời được cái áo phông đỏ. Ngôi nhà lao xao cả lên. Trưởng bản bắt tay anh bạn tôi, tấm tắc: “Cám ơn các anh! Cám ơn các anh!”.

Những ngọn lá rau trên bản H’Mông chót vót nơi sương mờ tinh khiết đến tột cùng, với tôi bao giờ cũng như một thứ thuốc trường sinh vậy. Làm cho người tỉnh hẳn ra. Dường như có cái vị lạnh rất tinh khiết, trong từng cọng rau của rau người H’Mông, ngay cả khi Sáu vừa vớt chúng khỏi nồi nước nghi ngút hơi nóng.

Khi những chén nước chè đã sưởi ấm đến từng cọng lông chân đến từng cái sẹo trên người thì chỉ còn lại chúng tôi – những người đàn ông bên chén trà, và ngoài kia, là dòng suối vẫn tuôn chảy không ngơi như một bí ẩn vô tận của cuộc đời.

 * * *

Ngày hôm sau, đưa chúng tôi đi thăm suối Giàng, khác với mọi hôm, Sáu và Hải mặc quần áo H’Mông.

Nom hai cậu thật lạ thường, trẻ ra bao tuổi. Hải hiền đi bao nhiêu. Từ tốn, bẽn lẽn. Vẻ bặm trợn và lếu láo biến sạch. Tôi không biết trang phục truyền thống lâu đời tác động đến suy nghĩ và hành vi con người như thế nào, nhưng bây giờ quả thực thấy Hải còn rất trẻ. Hải có vợ đã tám năm, nhưng lúc có vợ thì cậu mới mười bốn tuổi.

Ngược suối trời ảnh 2
Anh Sáu trên những cây chè cổ còn sót lại

Chúng tôi đứng nhìn dòng nước chảy lấp lánh dưới tán rừng, hai bên là những đồi chè, nương nếp và cây cỏ. Nước suối ngọt lịm.

Dòng nước chảy qua người như một lần thoát mát, như bông hoa vụt nở, như ngọn lửa bùng lên. Vừa mát lạnh, vừa ấm áp. Cảm xúc, suối Trời và con người, một lần chạm nhẹ, ríu rít tiếng chim.

Càng chảy về xuôi lòng suối Trời càng mở rộng, lổn nhổn đá và nghiêng ngả những gốc cây to. Xuôi về dưới kia, những trận lũ quét. Thiệt hại mới nhất là trận lũ cuốn năm mươi tư con người Yên Bái. Lũ quét từ đâu ra ? Tôi không nghĩ chúng kéo xuống từ suối Trời, con suối nhỏ đang âm thầm như một bí mật, róc rách như tiếng nước reo trên bếp lửa báo bình minh.     

Có phải nước kéo xuống từ những thửa lúa nương thu hái xong sẽ trống trải như cái máng khổng lồ?

Buổi chiều, các hộ gia đình suối Giàng tập trung cạnh trường học để nhận gạo trợ cấp thiên tai. Cơn bão số bảy, tít ở dưới xuôi, mà giờ đây đã vươn những cánh tay cướp phá dữ dằn lên tận các ngóc ngách ở Tây Bắc, đến bản Giàng, bản Tập Lăng, suối Lóp, Pang Cáng, Khang Kỷ. Mảnh nương của Sáu năm ngoái thu bốn mươi bì, năm nay may lắm chỉ được hai lăm bì.

Bản danh sách trợ cấp thiên tai khéo dài ra. Những đứa bé người H’Mông có lẽ lần đầu tiên thấy những hạt gạo bé xíu, từ miền xuôi đưa lên. Chúng trắng tinh như những làn mây vậy. Bọn nhỏ vốc từng nắm gạo xuôi, đưa cho nhau xem, rồi cứ thế tung vào miệng nhai say sưa như xơi một loại kẹo lạ thường.

* * *

Người ta nói chè tuyết suối Giàng pha với nước suối Giàng sẽ cho hương vị riêng. Có lẽ thứ hương vị này chỉ ai uống thì người ấy mới thực sự biết. Sự khiếm thiếu của ngôn ngữ có thể làm băng hoại thứ hương vị đó, với anh chị. Hãy một lần đến bên suối Giàng. 

Với tôi, chè suối Giàng… không có mùi vị gì cả. Uống vào cũng như không. Không thơm hương cũng không vị đậm. Chỉ thoảng một chút chát. Rồi thôi. Một lúc sau. Khi mà anh tưởng đã quên cái vụ uống chè suối Giàng rồi thì vị ngọt mới bắt đầu đến với anh. Tưởng như là giật mình chúng nhớ đến các vị khách và vội quay trở lại.

Một vị ngọt mơ hồ, thoảng qua. Một vị ngọt như sự điềm tĩnh của người đàn ông H’Mông trước con mồi của mình. Như người đàn bà không bao giờ cợt nhả và lúng liếng nhưng sẽ để lại cho người đàn ông của đời nàng một hơi thở sạm mùi khói bếp thơm ngô.

Sáu được “thừa kế” một người đàn bà H’Mông khỏe mạnh, ít nói, người đã sinh cho anh thằng Hùng và cái Nhà. Sá, vợ anh, sinh năm 1979, kém anh hai tuổi. Sá có thể gùi một bao lúa từ dưới lưng núi lên con đường mòn trên đỉnh mà không ra mồ hôi.

Da của nàng trơn bóng như được nước suối rừng mài nhẵn. Sáu nói rằng anh chưa bao giờ mắng mỏ hay đánh đập vợ. “Những việc nặng Sáu làm hết, việc nhẹ để nó làm”. Sáu mua một chiếc xe máy Min Khờ giá hơn sáu triệu, để đi chở lúa về. 

Cũng như mọi người H’Mông nơi đây, Sáu còn được thừa kế những cây chè tuyết cổ nữa. Chính quyền chia đều di sản ấy cho con cháu trong xã. Bằng trí khôn của người H’Mông xã đã nghĩ ra giải pháp của riêng mình. Họ vào rừng, đem gùi theo. Cứ mỗi cây chè cổ thụ thì hái một lá, cho vào gùi. Công việc này mất nhiều tuần. Sau đó, về xã, đổ lá ra và tổ chức đếm.

Tìm ra số cây chè cổ thụ rồi, đem chia với lao động toàn xã sẽ biết lượng bình quân cây chè được chia. Bố Sáu đã mất và mẹ đi lấy chồng, làm vợ lẽ với người ở vùng khác. Họ để lại những cây chè cổ cho hai người con trai.

Anh đã bao giờ nhìn thấy những lá cây mình sẽ uống còn nằm chót vót trên cao? Những cây chè ở miền xuôi thường chỉ to bằng cây đũa, có khi bẻ đôi nấu nước uống luôn. Với cây chè ở đây thì phải dùng đến cưa, đến rìu. Cây chè cổ thụ có đường kính cả vốn là chuyện thường. Anh đã bao giờ thấy những kiếp cây cổ thụ suốt đời bị vặt lá bẻ chồi mà vẫn cần mẫn cho những mầm thơm chưa? Đấy là cây chè tuyết cổ thụ Suối Giàng huyền thoại.

Sáu bảo: “Những cây chè to lớn đều đã chết”. Và điều đó làm người tất cả các bản đều đau buồn. Có lẽ do thời tiết thay đổi, rừng đã thay đổi, cũng có thể những cây chè ba bốn trăm tuổi không còn theo kịp nhịp sống và tốc độ hái lượm của con người hiện đại trong cơ chế thị trường. Chúng đều đã chết. Sáu khẳng định như vậy.

Vào mỗi mùa lúa, Sáu thường trồng xen vào các mảnh nương những mầm chè và mơ nó thành cổ thụ. Chúng sẽ to lớn, và tỏa ra những bóng mát bằng vài ba gian nhà với vô số lá và búp. Lúc ấy tất cả chúng ta không còn nữa, nhưng con cháu chút chít của Sáu sẽ lại được nhận về chúng di sản chè tuyết suối Giàng. Như chúng ta đã từng nhận về rừng chè tuyết ngút ngàn từ thiên nhiên hùng vĩ và bí ẩn nơi đây.

Chúng đều còn nhỏ. Những cây chè tuyết của vợ chồng Sáu ấy mà. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, rồi chúng sẽ thành những cây cổ thụ quý giá, trơ trụi cội cành sau mỗi mùa nhà máy nổi lửa ga.

Đến năm nay Sáu có chừng một héc ta chè tuyết. Để trồng chúng, anh và nàng đã ngủ rẫy không biết bao nhiêu đêm tối, và đôi khi những đứa nhỏ cũng ăn ngủ và lớn lên trong cái ổ rơm nơi vách núi, cái vách núi lượn cong như một lưỡi dao.

* * *

Em mới xuống huyện chơi, huyện chỉ cách đây mười hai cây số thôi. Sáu nói như vậy. Nhiều lần, đó là những chuyến đi sửa cái xe máy hỏng. Sáu cho biết: “Xuống dốc thì xe máy hư cũng chạy được mà”.

Bố mất, là con trai trưởng trong nhà, mẹ thì đi làm vợ người ta rồi, Sáu bèn tự lo liệu cuộc sống cho mình và cho đứa em trai còn nhỏ dại.

Sáu cùng bạn bè vào rừng sâu, xẻ gỗ, cùng con trâu đực kéo chúng về nhà. Mỗi lần như thế chàng ngủ trong rừng khoảng một tuần. Hai năm sau. Đủ gỗ. Thuê thợ đục cột kèo mất một triệu rưỡi, còn tự mình dùng xe máy chở sỏi cát về, tự san nền. Sáu nói: “Có vợ rồi thì phải làm nhà”. Anh mua con lợn tạ, mổ, nhờ cả bản đến giúp anh dựng cột, lợp mái.

Trong thời gian làm nhà, vợ chồng anh vẫn phải leo trèo trên những mảnh nương lúa, núi chè. Hàng héc ta, rải rác nhiều nơi. Anh cần tiền để mua tấm lợp. Với một tấn chè hái được, anh có gần bốn triệu đồng.

Khi ngôi nhà dựng lên, Sáu bước vào nhà, và tự nhủ: “Mình đã làm được điều mình nói ra”.

Cách sống của Sáu thật là mạch lạc: “Nói ra, phải làm được”. Vì thế người trong bản đã bầu anh làm phó thôn.

Công việc phó thôn của Sáu, là một cái chân chạy thực thụ, thanh niên mà. Anh thường đến từng nhà để giúp người này một việc người kia vài việc, giải hòa xung đột, phổ biến chủ trương, và đôi khi kiêm cả chân nấu ăn cho hội nghị. Món “tủ” của anh là thịt lợn nướng. Có lẽ đó cũng là món ăn cổ xưa nhất còn lại đến ngày nay.

Sáu chẳng có vẻ gì là một cán bộ quan trọng, nhưng điều hay ho hơn cả, đấy là anh tỏ ra không mệt mỏi, anh như một con chim nhỏ quanh suối Giàng. Nào việc nhà, việc bản, việc làm bố, làm chồng, việc bạn, việc lên nương, xuống chợ, Sáu gánh cả. Có nhiều ngày, ngôi nhà của anh cũng như không ít ngôi nhà người H’Mông suối Giàng: không thấy bóng đàn ông và đàn bà.

Mỗi tháng Sáu được trợ cấp ba mươi nghìn cho chức phó thôn của mình.

Và tôi tự hỏi, nếu không có những người như Sáu, thì tôi có được ngồi bên suối Trời và uống những ngụm trà tuyết tinh khiết này hay không ?

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.