Ngựa phi vào phim Việt

Cảnh phim “Huyền sử thiên đô”
Cảnh phim “Huyền sử thiên đô”
TP - Chưa khi nào ngựa trên màn ảnh Việt trở thành một nhân vật hẳn hoi như trong Tây Du Ký của Trung Quốc. Nhưng cùng với sự cựa mình của dòng phim dã sử, ngựa đang trở thành một “đạo cụ” không thể thiếu. “Đạo cụ” đặc biệt này đã khiến diễn viên ta nhiều phen dở khóc, dở cười.

Trước đây trong bộ phim “Sương gió biên thùy”, “nữ hoàng” của dòng phim mỳ ăn liền một thời phải cưỡi ngựa tới 70% cảnh quay. Việt Trinh từng kể về những kỷ niệm đóng vai Thể Phụng: Đang phi ngựa, tự nhiên thấy mát mát, cúi xuống hóa ra váy đã tốc lên, khiến cô ngượng ngùng vừa cầm cương, vừa giữ váy. 

Đặc biệt khi quay trên đỉnh Langbiang suốt ba ngày với những cảnh phi nước đại liên tiếp, đã khiến chân tay người đẹp bầm tím, sau mỗi cảnh quay tiểu thư con nhà giàu Thể Phụng mệt tới mức chỉ còn nước “bò về khách sạn”.

Nghe đồn diễn viên nam chính trong phim đã chi 30 triệu đồng để tậu những con ngựa đẹp… Đó là chuyện cách đây hơn chục năm, khi ngựa không mấy có cơ hội bước lên màn ảnh.

Ngựa bất kham, công chúa hoảng hồn

“Huyền sử thiên đô”, một bộ phim đầu tư hơn 60 tỷ đồng, đã rinh được những chú ngựa ngoại về làm “đạo cụ” khiến khán giả mãn nhãn, song diễn viên ta lại chật vật.

Trước khi bấm máy, diễn viên được tập phi ngựa. Vào vai công chúa Cúc Phương, diễn viên trẻ Thu Quỳnh vẫn nhớ cảm giác buổi tập đầu tiên: “Nhìn ngựa đã choáng” bởi “những con ngựa đều cao hơn đầu tôi” (Thu Quỳnh cao 1,67m).

Ngựa phi vào phim Việt ảnh 1

Võ sư Nguyễn Văn Thắng trong phim “Đinh Tiên Hoàng đế”

May thay vì đảm nhận vai công chúa nên ngựa của cô, có yên đàng hoàng, có đế chân... Trưa hè, gần đền Gióng, nắng gay gắt, Thu Quỳnh phải thực hiện cảnh phi ngựa từ triền đê lên đường nhựa. Triền đê trồng nhiều tre, những bụi tre mới chỉ cao chừng 2m, trong khi con ngựa “công chúa” cưỡi đã cao hơn 1,7 m, chưa kể nữ chủ nhân ngồi trên. 

Cảnh đó phải quay đi quay lại. Người oải, ngựa càng oải hơn, đến khi không chịu nổi, nó lao thẳng tới bụi tre, tìm chỗ râm. Cơn cuồng của ngựa làm “công chúa” chao đảo: “Tôi không biết trời đất, không biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết cúi rạp người xuống, ôm chặt lấy cổ ngựa. Rất may không bị ngã, nếu ngã, ngựa dẫm phải thì cực kỳ nguy hiểm”. Vụ ấy không gây ra họa lớn, nhưng kịp để lại trên mặt “công chúa” vết xước dài, do bị cành tre cào.

Không nghe lời sư phụ

Chủ võ đường Bắc Long Biên từng đóng bốn phim cổ trang: “Long Thành cầm giả ca”, “Đinh Tiên Hoàng đế”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Huyền sử thiên đô”. Trong đó có hai bộ phim anh được cưỡi ngựa: “Đinh Tiên Hoàng đế”, “Thái sư Trần Thủ Độ”.

Khi còn trẻ, đi lính, võ sư Nguyễn Văn Thắng từng tiếp xúc với ngựa, nhưng ngựa của ta nhỏ bé, lại hiểu ngôn ngữ của ta, nên dễ làm quen, dễ thuần phục hơn.

Những con ngựa nhập từ Trung Quốc, Mông Cổ trong các bộ phim dã sử Việt hiện nay có dáng lừng lững, khiến vị võ sư ít nhiều bối rối: “Có con nặng đến ba tạ, rất to, bản thân tôi so với người Việt Nam không phải nhỏ, mà vẫn lọt thỏm”. 

Tham gia phim “Đinh Tiên Hoàng đế”, anh được giao chỉ đạo võ thuật, họ trao cho anh cả một tiểu đoàn đặc công để dàn dựng cảnh, đồng thời sắm vai sư phụ dạy võ. Anh nhớ nhất cảnh quay ở Ninh Bình, trong một thung lũng, xung quanh toàn núi đá, cây sống bám vào sườn núi: “Là một võ sư, tôi có thể bật người xuống ngựa bình thường. Nhưng chế ngự những chú ngựa ngoại không dễ. Có lần nó chạy vào vách đá. Vào vai sư phụ, tôi phải cởi trần, mặc quần ta, đội tóc giả, nên khi ngựa chạy sát sạt vào vách đá, những cành cây chĩa ra đâm vào da thịt, khiến toàn thân tôi bị xây xước, rớm máu”.

Hất ngã võ tướng

So với nhiều nam diễn viên của ta, Công Dũng có chiều cao đáng mơ ước: 1.82m cùng sức khỏe tốt. Trước khi đến với nghệ thuật anh được biết đến là kiện tướng bộ môn thể dục dụng cụ. Chính vì thế, việc học phi ngựa đối với Công Dũng cũng nhàn nhã hơn nhiều đồng nghiệp. 

Ở “Huyền sử thiên đô”, anh vào vai chính, Lý Công Uẩn. “Ở Huyền sử thiên đô, có những con ngựa cao ngang ngửa tôi, có những con đầu còn cao hơn tôi. Nhờ lợi thế chiều cao tôi có thể lên ngựa không mấy khó khăn, còn các bác, các anh chị diễn viên thế hệ trước, do hạn chế hơn chúng tôi về chiều cao, nên có người phải dùng ghế, hoặc chọn một mô đất cao, hoặc có người đỡ”.

Vì không được bảo hiểm thân thể khi đóng cảnh phi ngựa nên lo lắng ít nhiều, là trạng thái tâm lí chung của các diễn viên. Trong những buổi đầu tập phi ngựa ở trường quay Đông Anh, do cảm giác sợ nên các diễn viên thường kẹp chặt đùi vào yên ngựa. Kết thúc buổi tập có những diễn viên bị tróc đỏ, gần như rớm máu ở hai đùi.

Ngựa phi vào phim Việt ảnh 2
 

“Hôm quay ở Đồng Mô, tôi được phi nước đại, rất hưng phấn. Tôi phi như bay khiến máy quay không theo kịp”.

Diễn viên Thu Quỳnh (phim “Huyền sử thiên đô”)

Cũng như Thu Quỳnh, Công Dũng chịu khó cho ngựa ăn, trò chuyện, vuốt ve ngựa, áp má mình vào đầu ngựa… nhưng không vì thế mà những chú ngựa trở nên ngoan ngoãn trong mọi hoàn cảnh: “Từ khoảng 8 giờ sáng đến 10 giờ trưa, chúng rất hiền, nhưng từ 11 giờ trưa, ngựa thấm mệt nên không nghe lời. Chẳng hạn, nhìn thấy bóng râm, nó phi vào bóng râm, không chịu phi đến điểm quay nữa. 

Có khi đang phi, nhìn thấy những con ngựa chưa quay đang ăn cỏ, nó liền một mạch lao tới chỗ đồng bọn. Đôi khi ngựa bốc hỏa, đang phi bỗng đá hậu, khiến tôi mất cảm giác tập trung, chỉ còn quan tâm liệu mình có ngã hay không”. 

Tuy nhiên, Công Dũng chỉ bị xây xước nhẹ trong quá trình tập, không như đồng nghiệp Bebe Phạm: “Khi dắt ngựa, do chưa biết cách, nên cô ấy đi song song với chân ngựa, bất thình lình ngựa dẫm lên chân, khiến nàng bị rạn xương. Đoàn làm phim phải nghỉ mất nửa tháng để Bebe Phạm chữa vết thương”. 

Nhờ sự cân bằng tốt của vận động viên thể dục dụng cụ cùng kỹ năng được học trong trường sân khấu điện ảnh, Công Dũng đã thoát nhiều pha hiểm:

“Hôm đó trời mưa, tôi phi ngựa dẫn đầu đoàn. Đang phi nước đại, nó nhìn thấy vũng nước, liền chùn lại, rồi quay đầu hất tôi ngã. Nhờ có kỹ năng tốt, nên cú ngã chỉ làm hỏng cảnh quay, không làm tôi bị thương”.

Dù bị ngựa làm khó nhiều lần nhưng Công Dũng nghĩ: “Chúng là những con vật tình cảm, thông minh. Chẳng qua vì bắt chúng lao động trong hoàn cảnh thời tiết nghiệt quá nên mới phản ứng như vậy.

Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 39, 40 độ, nghỉ giữa trưa, ăn một miếng cơm, hai, ba giọt mồ hôi nhỏ xuống. Người không chịu nổi, ngựa cũng vậy thôi”.

MỚI - NÓNG