Ngứa mắt thật

Ngứa mắt thật
TP - Đi làm trên Hà Nội cả năm mới về quê một lần, nên Biết cố tỏ ra mình hơn đứt mấy đứa cùng tuổi chân lấm tay bùn ở làng. Nhận lương và tiền thưởng xong, Biết ra tiệm hớt tóc đề nghị làm cho mình một quả đầu thật đặc biệt để về quê.

Dạo khắp làng, rồi phóng xe đi lại từ làng Đô sang làng Đam nhưng Biết chẳng thấy ai để ý đến cái đầu cạo trắng 2 bên, chỉ còn một bờm tóc nhuộm xanh xanh đỏ đỏ kéo dài từ gáy lên đỉnh đầu. Tức mình, Biết mang con Wave ra thị trấn “móc pô”.

Buổi tối, Biết phóng xe trên con đường liên thôn giữa làng Đô và làng Đam mấy lần. Tiếng pô xe máy đang nổ vang động cả xóm làng bỗng nhiêm im bặt. Có tiếng thất thanh kêu “cứu, cứu…”, mọi người trong làng đổ xô ra đường.

Chiếc xe máy vẫn chống đứng đàng hoàng bên mé đường, chỉ có Biết là đang lóp ngóp bò từ dưới mương nước lên. Mấy cụ già hỏi: “Sao lại thế này?”. Biết run cầm cập trả lời đứt quãng: “Có mấy anh chặn đường chỉ vào mặt cháu nói: “ngứa mắt” rồi ném cháu xuống mương…”. Một cụ già soi đèn pin lên đầu Biết lặp lại: “Ngứa mắt… thật”.

Mấy ngày sau không thấy Biết nẹt pô nữa, cái đầu của Biết đã phải cạo trọc lốc, không còn cái bờm ngựa xanh xanh đỏ đỏ trêu ngươi mọi người nữa…

Đổi tên chuyên mục “Sau lũy tre làng” thành “Chuyện chưa kể”

Kính thưa quý bạn đọc. Chuyên mục Sau lũy tre làng từ lâu đã là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bạn đọc Tiền Phong. Từ khi ra đời đến nay, chuyên mục đã thu hút hàng triệu lượt bạn đọc và nhiều ngàn bạn đọc cộng tác, chia sẻ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống với Tiền Phong.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, từ ngày 15 tháng 11 năm 2010, báo Tiền Phong điện tử sẽ đổi tên chuyên mục Sau lũy tre làng thành chuyên mục Chuyện chưa kể.

Chuyên mục sẽ đăng tải các câu chuyện đời thường, những tình huống éo le trong nhà, ngoài ngõ, những chia sẻ giản đơn của bạn đọc về các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày... Dưới mỗi bài viết sẽ có đăng tải các trao đổi, bình luận của bạn đọc để thể hiện tính tương tác giữa bạn đọc với tòa soạn, giữa bạn đọc với bạn đọc.

Để góp phần thành công cho chuyên mục, Tiền Phong rất mong nhận được bài vở cộng tác của quý bạn đọc qua địa chỉ email sau: chuyenchuake@gmail.com

MỚI - NÓNG