Ngư, Tiều vấn đáp học vị

TP - Ngư: Lại gặp huynh! Đệ có chút hơi bối rối!

Tiều: Đệ có thể tiết lộ nguyên do không?

Ngư: Chúng ta đã vấn đáp hết thảy từ chuyện môi trường, chức quyền, tham nhũng…nên hôm nay đệ thấy lúng túng chưa biết tìm đề tài gì để vấn đáp cùng huynh?

Tiều: Liệu chúng ta có thể bàn đến chuyện học hàm học vị được không?

Ngư: Huynh ơi là huynh! Đệ cùng huynh xuất thân chỉ là kẻ buông câu, người hái củi thôi, sao dám cả gan bàn đến chuyện cử nhân, tiến sĩ?

Tiều: Chớ! Chớ rẻ rúng xuất thân của cả hai ta. Nói đệ hay, có cả vạn cử nhân, tiến sĩ thèm cái vị thế ngư tiều đấy chứ!

Ngư: Có thật vậy không huynh?

Tiều: Nói có sách mách có chứng nhé! Giới truyền thông đã dẫn lại thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy thực trạng đó. Người nhổ cỏ, kẻ nuôi heo cùng cả ngàn vị học lại kĩ năng lao động chân tay để mong kiếm cơm qua ngày…

Ngư: Nói thế nghĩa là nghề hái củi, câu cá của huynh và đệ vẫn bền vững và ổn định đúng không? Nhưng đệ băn khoăn và nghi ngờ rằng, vì sao tốn công tốn sức, lao tâm khổ tứ, hao tài tốn của để có được tấm bằng rồi thất nghiệp mà người ta chen vai thích cánh lao vào?

Tiều: Lí giải điều đó đã có người thổi bùng lên một tinh thần lạc quan và hi vọng rằng, nay mai thôi, chúng ta sẽ xuất khẩu cho thiên hạ một lực lượng lao động đẳng cấp từ trình độ cử nhân trở lên. Không thế mà, một tương lai màu hồng đã được mở ra khi có ý tưởng xứ ta sẽ là nguồn cung dồi dào tiến sĩ cho thiên hạ…

Ngư: Huynh có nghe nhầm không?

Tiều: Nhầm sao được. Nói đệ hay, hiện nay xứ hiếu học chúng ta có trong tay hơn 24 ngàn tiến sĩ. Tới đây, dự sẽ có thêm 9 ngàn tiến sĩ nữa bổ sung…Đệ có thấy tự hào, náo nức, tin tưởng, lạc quan không?

Ngư: Đương nhiên rồi. Điều đó đồng nghĩa nghề của chúng ta tới đây sẽ giảm áp lực cạnh tranh, tiếp tục ổn định và bền vững.