Thống kê của Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn, nhiều ngày qua, khoảng 70 tàu thuyền với gần 200 ngư dân đã vào gần khu vực cảng xuất sản phẩm để đánh bắt tôm hùm nhí, gây nguy cơ mất an ninh, an toàn cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn - cho biết, dù chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Dung Quất đến tận nhà các ngư dân tuyên truyền nhưng bà con vẫn bất chấp.
"Do giá tôm hùm nhí tăng đến 300.000 đồng mỗi con nên người dân nơi đây đã đổ xô ra vùng biển êm cảng Dung Quất đánh bắt. Có tàu mỗi đêm trúng đậm đến 40 con (khoảng 12 triệu đồng) nên dù bị ngăn cản họ vẫn tìm mọi cách đưa tàu vào khu vực cấm này", ông Huy nói.
Ông Khương Lê Thành, Trưởng phòng An toàn Sức khỏe & Môi trường, Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cho hay, ngư dân vào gần cảng, tàu thuyền neo đậu san sát, giăng lưới khắp nơi gây cản trở luồng lạch hàng hải ra vào Dung Quất. Tàu vào tiếp nhận sản phẩm cũng như tàu nạp đầy nhiên liệu muốn rời cảng cũng phải chờ mất rất nhiều thời gian.
"Tàu thuyền ngư dân tích trữ nguồn nhiệt lớn (nấu ăn, hút thuốc) có nguy cơ gây mất an toàn, cháy nổ cho cảng xuất sản phẩm và tàu tiếp nhận nhiên liệu của nhà máy, lo nhất là tàu chở khí hóa lỏng (LPG)", ông Thành nói.
Hiện, Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn phối hợp với Đồn Biên phòng Dung Quất bố trí 4 tàu gỗ, canô cùng 10 cán bộ, chiến sĩ túc trực thường xuyên để ngăn chặn ngư dân vào sâu trong cảng.
Khu vực cảng xuất sản phẩm, nơi ban đêm ngư dân vào gần để đánh bắt tôm hùm nhí. Ảnh: Trí Tín.
Chính phủ xác định nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình đặc biệt quan trọng đến an ninh quốc gia. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam từng lắp đặt hệ thống camera, cột quanh hàng rào phát hiện đột nhập bằng tia hồng ngoại; sử dụng gần 400 nhân viên an ninh và đưa cả đội chó béc-giê nghiệp vụ bảo vệ.
Nhà máy cũng đã thành lập lực lượng vũ trang gồm 27 cảnh sát làm nhiệm vụ tại 8 vọng gác xung quanh. Đội cảnh sát này có vai trò hạn chế rủi ro, kịp thời ngăn chặn mọi tình huống bạo động, khủng bố, thế lực thù địch có âm mưu chống phá gây hại cho nhà máy trong suốt quá trình vận hành, sản xuất.