Ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm tàu ở Hoàng Sa: Chuyến biển bão táp

TP - Trưa ngày 4/4, tàu cá QNg 90399 TS của thuyền trưởng Đặng Dũng đã đưa 16 ngư dân, gồm 12 thuyền viên trên tàu ông Dũng và 4 ngư dân thuộc tàu cá QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ, cập cảng Sa Kỳ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) an toàn. Trước đó, rạng sáng ngày 2/4, tàu cá của ông Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm giữa Hoàng Sa.

Tan tác ngư dân Việt

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Tàu của ông Thọ bị đâm chìm gồm có 8 ngư dân. Hiện 4 ngư dân còn lại đang được tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thành Linh đưa vào bờ, dự kiến mấy hôm nữa mới về tới”.

Ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm tàu ở Hoàng Sa: Chuyến biển bão táp ảnh 1 Tàu hải cảnh 4301 này của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ông Trần Hồng Thọ sáng 2/4/2020. Ảnh:  Ngư dân chụp

Trước đó, lúc 20 giờ 30 ngày 3/4, tàu cá QNg 90045 TS do ngư dân Đặng Tự làm thuyền trưởng cũng đã về đất liền, sau 1 ngày bị tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi, áp sát, vì đã tới hiện trường để cứu 8 ngư dân trên tàu ông Thọ bị đâm chìm.

Qua lời kể của các ngư dân, tàu cá QNg 90617 TS công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, kiêm thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên khác xuất bến ngày 20/2 ra khai thác tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4, tàu đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm tại tọa độ 16 độ 42 phút độ vĩ bắc - 112 độ 25 phút 44 giây độ kinh đông, gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Sau khi nghe tin ông Thọ báo khẩn cấp qua icom, 3 tàu cá khác cũng của ngư dân xã Bình Châu, là tàu QNg 90045 TS của thuyền trưởng Đặng Tự, tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng và tàu QNg 90929TS của ông Nguyễn Thành Linh lập tức đến để cứu nạn.

Lúc đó khoảng 6 giờ sáng ngày 2/4. Trung Quốc điều thêm 2 tàu khác số hiệu 4001 và 3001 đến ngăn cản, xua đuổi các tàu cứu nạn. Hai tàu của ông Dũng và ông Linh sau đó bị bắt giữ đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu. Riêng tàu của ông Đặng Tự bị các tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi suốt hàng chục tiếng đồng hồ, khiến tàu ông Tự  bị hư hỏng, mất mát nhiều thiết bị, tài sản.

Đến 18 giờ ngày 2/4, phía Trung Quốc đã dồn 8 ngư dân trên con tàu bị đâm chìm xuống 2 tàu của ông Đặng Dũng và ông Nguyễn Thành Linh rồi đẩy đuổi vào bờ.

 Giữa đại dịch COVID vẫn hung hăng

Tại Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tàu QNg 90045 TS của ông Đặng Tự được Bộ đội biên phòng lập biên bản kiểm tra. Trên thân tàu thủng nhiều chỗ, ngư dân trình bày là do bị 3 tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số 4301, 3001 và 4001 rượt đuổi bắn vòi rồng.

Thuyền trưởng Tự từ Hoàng Sa, cho biết: Chưa bao giờ mà tàu tuần tra Trung Quốc “dai” như lần này, các ngư dân bị họ bám riết, dồn ép cả ngày lẫn đêm, bắn vòi rồng làm vỡ tung cửa kính, sập nóc cabin làm gãy trụ đèn tín hiệu, đứt dây thông tin và hư hỏng nhiều thiết bị. Bản thân ông bị thương nhẹ do mảnh kính và gỗ vỡ bay như mưa găm vào người.

Anh Lê Văn Minh, quê ở tỉnh Khánh Hòa, ngư dân đi bạn trên tàu của ông Đặng Tự, kể: Lần này tàu Trung Quốc dùng thủ đoạn khiến cho ngư dân khiếp sợ. Đó là kè sát 2 tàu hải cảnh khổng lồ hai bên kẹp chặt tàu cá Việt Nam, sau đó mới bắn vòi rồng ở cự ly gần, bắn thẳng vào nơi ngư dân đang ngủ, khiến cửa tàu bay tung, thiết bị hư hỏng nặng, tàu ngập nước suýt chìm.  

Các ngư dân từ ngoài khơi điện vào bờ cho biết, ngay trong thời gian dịch COVID-19 đang hoành hành ở Trung Quốc, nhưng ở ngoài biển thì tàu tuần tra của Trung Quốc lại hung hăng rất bất thường. Ngư dân Nguyễn Văn Hiếu, chủ một tàu cá đi đánh bắt ở Hoàng Sa mới vào đất liền cho biết, tàu tuần tra kè theo liên tục ép đuổi ngư dân về bờ nên tàu của ông Hiếu phải dạt mãi ra tận vùng đảo Bom Bay nằm về phía tây của quần đảo Hoàng Sa, nằm cách trung tâm quần đảo Hoàng Sa gần 100 hải lý.

Nỗi niềm quặn thắt

Trưa nắng hanh hao, chị Nguyễn Thị Chi, vợ thuyền trưởng Trần Hồng Thọ cùng mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Thu ra gành đá để ngóng chờ 2 tàu cá đưa chồng và các ngư dân trên tàu bị đâm chìm trở về. Nơi mẹ con chị Chi đang đứng ngóng ra biển là khu vực mũi đất Ba Làng An, nơi gần nhất Hoàng Sa nếu tính từ đất liền. Mảnh đất này bập cuốc xuống là chạm vào đá ong cứng. Khối đá tảng này nhoài ra phía biển như một cụm cù lao khổng lồ, quanh năm đối đầu với sóng gió.

Ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm tàu ở Hoàng Sa: Chuyến biển bão táp ảnh 2 Mẹ con chị Chi ngóng chờ anh Trần Hồng Thọ còn chưa trở về, sau khi tàu bị đâm chìm ở Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Từ rạng sáng ngày 2/4 đến nay, hai mẹ con chị thức thâu đêm trong nỗi lo chồng chất. Tàu thì bị Trung Quốc đâm chìm ở biển khơi, người thì chưa thấy về, còn món nợ 500 triệu đồng vay để đóng tàu, giờ biết lấy gì mà trả! 

Làm vợ của ngư dân Hoàng Sa, năm nào chị cũng một vài phen chạy ngược chạy xuôi để nhận tin “bị rượt, sắp bị bắt”. Mùa biển năm 2019, chiếc tàu QNg 90617 TS của anh Thọ chồng chị ra khơi đánh bắt, rồi bị phía Trung Quốc rượt đuổi đâm hư hỏng. Trước đó, năm 2018, tàu anh Thọ bị tàu tuần tra Trung Quốc bám riết, ép mũi bắt dừng. Lính Trung Quốc ào qua tàu bắt ngư dân xúc cá đổ xuống biển, sau đó dùng dao phay chặt phá dây hơi, tháo gỡ thiết bị rồi buộc tàu phải quay về bờ. 

Còn lần này, rạng sáng ngày 2/4, con tàu QNg 90617 TS của vợ chồng chị đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm và đã nằm dưới đáy biển Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, vợ chồng thuyền trưởng Trần Hồng Thọ phấn đấu từ hoàn cảnh nghèo khó, vay mượn tiền, hùn chung 5-6 anh em để đóng tàu đi biển, rồi tách ra khi làm ăn có dư, phấn đấu cho tới bây giờ trở thành chủ tàu, thuyền trưởng. Hiện nay tàu đã bị Trung Quốc đâm chìm. Vì vậy mong các tổ chức hỗ trợ cho vợ chồng anh được đóng tàu để tiếp tục quay ra quần đảo Hoàng Sa bám biển.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.