Ngổn ngang khu lăng mộ và ngôi nhà cổ của học giả Trương Vĩnh Ký

Vợ chồng ông Tấn với xe đẩy bán cà phê nước ngọt vỉa hè Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Vợ chồng ông Tấn với xe đẩy bán cà phê nước ngọt vỉa hè Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Khu lăng mộ và ngôi nhà cổ của học giả Trương Vĩnh Ký ngổn ngang với những quán nước và cà phê bên lề đường. Người giám đốc tờ báo tiếng Việt đầu tiên là tờ Gia Định Báo đã cho đề trên cổng lăng mộ của mình dòng chữ La tinh: “Miseremini mei saltem vos acimic mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) khiến ai đến thăm di tích, thăm ngôi mộ của ông (520 Trần Hưng Đạo, quận 5 TPHCM) không khỏi bùi ngùi.

Chuyện người cháu trông nom

Sống ngay sau khu lăng mộ của học giả Trương Vĩnh Ký là người cháu bốn đời, ông Trương Minh Tấn năm nay 74 tuổi. Ông Tấn kể về những năm tháng về sống nơi đây vào thập niên 1960: “Bố là Trương Vĩnh Thành gọi ông Trương Vĩnh Ký là ông nội. Tôi là con trai trưởng của ông Vĩnh Thành. Năm 1964 ông già đem chúng tôi về nơi này để ở, trông nom di tích. Chúng tôi sống trong ngôi nhà cổ, cuộc sống không khá giả nhưng rất tình cảm”.

 “Sau năm 1975, tôi đi làm ruộng ở Tây Ninh cho bà con dòng họ. Cuộc sống khó khăn, nên 20 năm trời tôi cứ đi làm ruộng như thế. Mãi tới lúc ông già tôi từ Pháp về (ông cụ tôi có quốc tịch Pháp nên sau sang Pháp sống), tôi lên thành phố thăm, nghe lời ông cụ, tôi lập gia đình, khi đã 50 tuổi. Cưới vợ, nên tôi từ Tây Ninh quay lại đây sinh sống cho tới bây giờ”, ông Tấn kể.

Ông dẫn tôi xem khu di tích bao gồm lăng mộ ông Trương Vĩnh Ký và một ngôi nhà gỗ cổ sinh thời ông Trương Vĩnh Ký sống và làm việc. Ông Tấn nhận xét: “Cố tôi là người quá thông minh, kiếm người thứ hai như ổng không có!”.  

Người cháu rất tự hào về người cố là tác giả của 200 cuốn sách, được rất nhiều học giả tôn vinh. Song, cũng chính vì sống trong khu di tích lịch sử mà cuộc sống của  người cháu bốn đời lại rất cơ cực.

Ông Tấn nói: “Đất đai ở đây rất rộng rãi, hai mặt tiền phố lớn, nhà cổ rất giá trị, tính ra tiền bạc thì không biết bao nhiêu trăm tỷ, nhưng mọi thứ đều không bán được, vì đều là di tích! Đó là hoàn cảnh của chúng tôi, không giống bất cứ ai”. 

Em trai của ông hiện sống trong ngôi nhà gỗ cổ, trông nom di tích. Vợ chồng ông Tấn thì sống trong ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn phía sau. Có lẽ nhà của họ thuộc số những ngôi nhà cũ kỹ và hư hỏng nhất trong thành phố tráng lệ này.

Chỉ được chống dột

Bà Hoàng Thị Xuân, vợ ông Tấn nói: “Chúng tôi cưới nhau 25 năm rồi đấy, lập gia đình lúc ấy trễ rồi, chồng 50 mà vợ cũng gần 50 tuổi nên chúng tôi không có con cái gì. Tôi làm dâu trong nhà này, hết lòng vì chồng. Nhưng nơi này nhà nước xếp vào di tích lịch sử, nên nhà cửa chỉ được chống dột, không cất mới”.  Trải qua mấy thập kỷ, xung quanh nhà cửa phố xá đổi mới từng ngày, riêng cái nhà lợp mái tôn của vợ chồng vẫn y như hồi chưa giải phóng.

 Ông Tấn kể: “Mỗi lần mưa bão lớn, cứ lo nhà cửa hư hỏng đổ sập xuống.  Nhà cửa hư hại phải đi xin phép để chống dột. Tôi chẳng có nguyện vọng mua bán chuyển nhượng gì vì đây là di tích lịch sử. Mình chụp hình nhà nát đưa lên, xin sửa cái mái tôn, được đồng ý thì mừng quá rồi”.

Trong khu di tích, chỉ có ngôi nhà cổ từ thời ông Trương Vĩnh Ký là chắc chắn, đẹp và sạch sẽ. Hai ngôi nhà còn lại là nhà anh Tấn và nhà của người giúp việc cho con của ông Trương Vĩnh Ký (được gia đình cho ở từ trước 1975) đều cũ nát, rong rêu, mục ruỗng.

“Chúng tôi ở đây, khách vào xem thăm viếng di tích mỗi ngày, nhưng chẳng thu đồng phí nào cả - bà Xuân tâm sự - chồng tôi không có lương hưu, con cái lại chẳng có, chúng tôi sống bằng gì?”.

Chị Thu, em gái của bà Xuân, thỉnh thoảng ghé giúp bán cà phê vỉa hè bảo: “Hai vợ chồng anh chị tôi số khổ, hơn 70 tuổi còn bán cà phê vỉa hè, không thương sao được! Cứ hai giờ sáng là chị tôi dậy nấu cà phê, không gọi chồng dậy, để chồng ngủ thêm. Bốn giờ ông dậy, dọn quán ra bán cho những người đi chợ, đi làm đêm về. Hai ông bà già cọm rọm cứ phơi mặt ra vỉa hè cho đến 4 giờ chiều thì mới dẹp xe cà phê vào trong. Chưa nghỉ đâu, vẫn tiếp tục ngồi trông xe đến 10 giờ đêm”.

Ngổn ngang khu lăng mộ và ngôi nhà cổ của học giả Trương Vĩnh Ký ảnh 1

Lăng mộ học giả Trương Vĩnh Ký 

Trông coi di tích không lương

Ông Tấn, người cháu bốn đời của ông Trương Vĩnh Ký rất nghèo, ngày ngày đẩy xe cà phê ra vỉa hè bán. “Trời nắng lắm, ngồi dưới cái dù thôi - Ông Tấn nói.  Những ngày mưa tầm tã, chúng tôi cũng  ngồi ở lề đường. Mỗi ngày kiếm được chừng trăm ngàn tiền cà phê, nhưng mấy tháng mùa mưa hầu như chẳng bán được gì!”. Ông Tấn lại bảo: “Giờ tuổi cao, sức yếu rồi, mà đau ốm không dám vào bệnh viện tốn kém, tự mua thuốc uống”.

Những quán cà phê quanh phố đều có máy điều hòa, có mạng internet, mát mẻ khách đông đúc nên quán cóc vỉa hè ngày một đìu hiu.

Người đi đường thấy một tòa nhà di tích ông Trương Vĩnh Ký đồ sộ, hai cái cổng lớn hai mặt đường, bên trong là cổ mộ uy nghi cùng với tòa nhà lim cổ hàng trăm tuổi, không khỏi choáng ngợp. Có lẽ đây là một trong những ngôi nhà cổ vào loại sang nhất thành phố này. Rất ít ai ngờ  rằng người bán cà phê vỉa hè và trông xe lầm lũi nghèo khổ kia lại chính là hậu duệ của cụ Ký.

 Trước đó mấy hôm, tôi có đọc văn chương của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, một nhân sĩ nổi tiếng ở Huế hồi đầu thế kỷ 20, thấy cụ Ưng Bình có viết ca ngợi Trương Vĩnh Ký :  “Đạo đức, văn chương là ông Trương Vĩnh Ký/ Có tân thơ, có báo chí, có tự vị rõ ràng/ Thanh danh rạng giữa dinh hoàn/ Học xưa biết trước chỉ đàng cho hậu sinh”.  

Bây giờ vào thăm di tích, thấy con cháu cụ trông xe ở trong ngôi nhà nát, hỏi ra mới biết sự tình cuộc sống có lắm khúc quanh. Có đất, có nhà tổ tiên để lại nhưng không sửa chữa, không bán, không cho thuê, không kinh doanh được, trông coi di tích cũng không lương.

Tôi hỏi bà Xuân xem có mong muốn gì lúc này không, khi tuổi đời đã 70 mà vẫn sống trong ngôi nhà lợp mái tôn giữa di tích, bà Xuân bảo: “Ví dụ nhà nước có tôn tạo di tích này, có đền bù cho vợ chồng tôi nơi khác thì tôi vẫn thích ở đây. Vì ở đây có phương tiện sống, đó là bán nước vỉa hè và trông xe. Nếu đền bù đi ở nơi khác sợ không có đường sống chú ạ”. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.