Ngọn đèn trước gió

Ngọn đèn trước gió
TP - Đêm hôm đó, tôi sốt cao, khắp người nóng ran, tôi cảm nhận rõ những tiếng giật giật ở thái dương, chân tay nhức mỏi. Gần sáng trời bắt đầu mưa to, tôi vẫn mê man trong cơn sốt, nghe mẹ nói với anh cả: Sáng nay, anh đưa em nó đến bệnh viện cho bác sĩ khám xem thế nào, trông nó dạo này da xanh lắm...

>> Kỳ 1: Thời sinh viên ngắn ngủi

Kỳ 2: Nhập viện

Ngọn đèn trước gió ảnh 1
Thường ngày Toán rất mê chăm sóc gà chọi

Tôi khoác vội chiếc áo mưa rồi cùng anh đi đến Bệnh viện Thanh Nhàn. Mưa mỗi lúc một to, khói nước bay mù mịt, hàng quán bên đường hầu như đóng cửa hết.

Đến tuyến đường Lê Thanh Nghị, nước mưa ngập gần nửa bánh xe, hai anh em tôi suýt nữa bị ngã vì trượt bánh xe khi đi sát lề đường. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới nơi.

Những ngày tẻ nhạt

Khu bệnh viện nơi tôi khám bệnh cao năm tầng và khá rộng. Tuy hôm đó là thứ Sáu nhưng vẫn có nhiều người đến khám bệnh, mỗi người được phát một cái thẻ ghi số thứ tự vào khám. Phải chờ rất lâu mới đến lượt tôi được gọi vào khám.

Trong phòng có hai bác sĩ, một người chẩn đoán hình ảnh hiển thị trên màn hình còn một người ghi lại kết quả. Tôi nhìn một cách chăm chú lên màn hình nhưng chẳng hiểu gì cả, nghe bác sĩ nói thì gan và lá lách của tôi đều to hơn kích thước bình thường. Chụp X- quang xong, tôi run lên vì lạnh. Khoảng ba mươi phút sau, tôi mới nhận được kết quả và đưa đến phòng khám bệnh. Bác sĩ xem xong rồi nhìn tôi ái ngại và nói:

- Gay rồi đấy, phải nhập viện để điều trị thôi.

Tôi nằm ở phòng bệnh trên tầng 5, chung giường với một bác bị bệnh gút (goute). Mặc dù các khớp chân, khớp tay của bác sưng to và đau, nhưng thấy tôi mệt mỏi bác đã nhường giường cho tôi nằm. Trong phòng còn có một anh nữa bị ung thư gan, trông anh có vẻ đau đớn. Tôi chợt nghĩ: Chắc những bệnh nhân bị bệnh nhẹ thì nằm tầng một, càng lên cao, bệnh càng nặng. Tôi nằm ở tầng 5- tầng cao nhất ở khu bệnh viện này, chắc là bệnh của tôi đã rất nặng.

Lúc sau, mẹ cũng đến. Tôi nằm ở đó được một lát thì một bác sĩ còn khá trẻ, tên là Trung, đến khám bệnh cho tôi. Bác sĩ Trung làm việc có vẻ rất nguyên tắc. Khi anh khám bệnh cho bệnh nhân, người nhà không được phép lại gần và trả lời thay cho bệnh nhân. Khám xong, anh gọi mẹ và anh cả tôi ra ngoài hành lang nói chuyện gì đó. Lúc quay trở lại, tôi thấy sắc mặt mẹ tái nhợt, có vẻ rất buồn, tôi cũng không hỏi mẹ là bác sĩ đã nói những gì.

Sau này tôi có hỏi, mẹ tôi mới kể, lúc đó bác sĩ đã nói: “Thông báo cho gia đình một tin không vui cho lắm: Em Toán đã mắc bệnh về máu, bệnh ung thư máu. Đầu tuần sau cho em đi chọc tủy làm xét nghiệm, để khẳng định lại mà thôi”.

Đến chiều, tôi được chuyển sang nằm ở phòng tự nguyện theo yêu cầu của mẹ và anh cả tôi. Phòng này chỉ có hai bệnh nhân là tôi và một ông cụ đã ngoài bảy mươi tuổi bị bệnh gút.

Đến tối, tôi sốt cao hơn lúc chiều. Mặt tôi nóng phừng phừng, đau đầu, cơn đau khiến tôi muốn nôn mà không thể được. Đêm hôm đó, tôi được truyền 350 ml máu nên cũng đỡ đau đầu hơn một chút.

Nằm viện mới có ít ngày mà tôi đã thấy chán ngán. Hầu như lúc nào tôi cũng nằm trên giường. Sáng ngủ dậy, đánh răng, rửa mặt xong là tôi ăn sáng, ăn xong thì uống thuốc rồi tiêm, truyền thuốc tới tận trưa. Chiều lại tiếp tục tiêm và truyền thuốc. Đang lúc chán nản thì Tân và Dân, hai thằng bạn thân của tôi hồi học cấp ba đã gọi điện cho anh cả để gặp tôi nói chuyện.

Mới xa mọi người trong lớp hơn một tháng mà tôi có cảm giác như lâu lắm rồi. Được nói chuyện với Tân và Dân khiến tôi rất vui. Tự dưng cái cảm giác muốn nhanh chóng ra viện không còn. Trái lại, tôi còn muốn ở lại viện để các bạn tổ chức đến thăm. Có lẽ bất kì một ai, không riêng gì tôi trong lúc ốm đau, bệnh tật như thế này rất cần đến sự quan tâm, động viên của người thân và bạn bè.

Chọc tủy

Sáng thứ Hai đầu tuần, tôi hết sốt. Tám giờ sáng, bác sĩ Trung đến khám bệnh cho tôi. Vừa bước vào phòng anh đã hỏi:

- Toán thấy trong người thế nào rồi?

- Dạ, em hết sốt rồi ạ- Tôi trả lời.

- Tốt rồi. Hôm nay anh sẽ cho em đi chọc tủy để làm xét nghiệm nhá.

Nghe đến đây, tôi nghẹn lại, không nói được gì, giống như người vừa nuốt phải một miếng cơm to bị dừng lại ở cổ họng. Tôi nghe mấy người đã đi chọc tủy kể lại là chọc tủy rất đau. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim to và dài rồi cắm vào xương chậu gần chỗ thắt lưng. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng sức ấn mạnh cây kim cho nó xuyên qua xương để hút tủy ra. Mặc dù được tiêm thuốc tê nhưng người nào cũng kêu oai oái. Nếu đúng là như vậy thì tôi cũng sợ, tôi sợ không chỉ vì cảm giác đau mà tôi biết đối với những người mắc bệnh nặng về máu mới phải đi chọc tủy làm xét nghiệm.

Tôi ngồi trên chiếc xe lăn để đến phòng chọc tủy. Chắc vẻ sợ hãi của tôi khi đó đã hiện rõ lên khuôn mặt. Thấy vậy anh tôi nói:

- Em sợ à? Không đau đâu, chắc chỉ như con kiến nó cắn thôi mà.

- Em mà sợ à?- Tôi trả lời bằng một giọng thật to, có vẻ khinh thường tất cả, cố ý làm yên lòng mọi người, nhưng thực ra tôi chẳng muốn đến phòng chọc tủy chút nào.

Tới nơi, bố và anh trai tôi đứng ngoài chờ, trong phòng chỉ có tôi và hai bác sĩ nữ, một bác sĩ còn rất trẻ, giọng nói ngọt ngào, bác sĩ còn lại khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Có vẻ như hai người biết tôi lần đầu tiên đi chọc tủy nên đã hỏi han và nói chuyện với tôi rất nhiều. Hai người còn khen tôi đẹp trai nữa chứ, cách làm của các cô rất có hiệu quả. Trong suốt thời gian chọc tủy, tôi không hề có cảm giác đau, chỉ cảm thấy nhay nháy như có con kiến cắn mình vậy.

Chiều hôm sau, bác sĩ Trung gọi bố và anh cả tôi đến phòng làm việc nói chuyện gì đó khá lâu. Khi trở lại, bác sĩ nói với tôi:

- Ngày mai anh sẽ chuyển em đến Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương. Bệnh của em nếu ở lại đây các anh cũng chữa được nhưng, theo yêu cầu của gia đình em, anh sẽ chuyển em tới đó.

- Dạ! - Tôi trả lời bằng một giọng rất nhỏ có phần hơi gượng ép.

Khi bác sĩ vừa ra khỏi phòng, tôi đã nói với bố tôi là tôi không muốn chuyển viện. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu chuyển đến viện khác, tôi lại phải làm lại các xét nghiệm từ đầu, như vậy sẽ rất mất thời gian, mà tôi lại muốn nhanh chóng khỏi bệnh để còn kịp đi học.

Bố tôi liền giải thích là sắp tới bác sĩ Trung sẽ đi học thêm nghiệp vụ ở Bệnh viện Bạch Mai một thời gian, nên không trực tiếp điều trị cho tôi được. Hơn nữa, ở bệnh viện tuyến trung ương sẽ có nhiều thuốc tốt, như vậy bệnh của tôi cũng được nhanh chóng chữa khỏi hơn.

Tôi cũng thấy có lý và đồng ý chuyển viện.

----------------

>> Kỳ sau: Bệnh viện mới

Nguyễn Văn Toán

MỚI - NÓNG