Ngồi ở nhà Nguyễn Ngọc Tư

Ngồi ở nhà Nguyễn Ngọc Tư
TP - Hẹn mấy ngày mới gặp được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cô thanh minh: “Tạp chí văn nghệ Bán đảo Cà Mau số Tết sắp đem đi in rồi mà em chưa làm xong bài phỏng vấn mấy anh chị văn nghệ sĩ. Chạy muốn đứt hơi”.
Ngồi ở nhà Nguyễn Ngọc Tư ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ngoài đời chân chất giống hệt cái hơi văn trong “Ông ngoại”, “Lời của má”, “Tắm sông”, “Cửa sau”… Hầu hết tác phẩm của Tư là chuyện về gia đình, ông bà, cha mẹ, hàng xóm, quê hương.

Căn nhà của vợ chồng Tư ở số 43, đường Lý Văn Lâm, phường 1 (TP Cà Mau) lợi thế trên bến dưới thuyền, phố chợ náo nhiệt nhưng rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho chồng Tư đặt ít dụng cụ làm nghề nữ trang và một góc nhỏ cho Tư đặt bàn viết. Ngủ nghỉ leo lên gác gỗ.

Ngồi một lúc, con đường trước nhà xe chạy rầm rầm, đằng sau thì tàu bè chạy trên sông điếc tai, tôi thấm mệt. Tư cười: “Nhà ồn lắm, bề bộn lắm mà cũng quen, vẫn ngồi viết được. Nhiều khi thấy “nể” mình quá! Tụi em có ý tìm chỗ khác vừa thuận cho nghề anh Huy vừa để em viết nhưng tìm hoài chưa được”.

Ngồi ở nhà chật giữa phố chợ cũng thấy… gần cuộc sống. Tôi nhớ lại những tác phẩm của Tư tả rất thực cuộc sống dân nghèo nông thôn: “Ngậm ngùi Hưng Mỹ”, “Chờ đợi những mùa tôm”, “Đất Mũi mù xa”, “Cánh đồng bất tận”.

Tôi nhìn trước mặt và sau lưng nhà Tư như thấy nhân vật trong các tác phẩm của Tư, những con người nhỏ bé, lầm lũi với những ước mơ nhỏ bé, bình dị.

Đôi lúc những ước mơ nhỏ bé của họ không đạt được như chị bán vé số đi lại hoài mà tôi thấy chưa bán được tờ nào hay bà bán trái cây ngồi hoài chỉ có người hỏi mà không thấy người mua.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm văn thư, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bán đảo Cà Mau của Hội VHNT Cà Mau. Tôi hỏi, lương văn thư, phóng viên tháng được bao nhiêu? Tư trả lời, chưa đến một triệu đồng nhưng em có nhuận bút các báo, nhà xuất bản và tiền của ông xã nữa nên gia đình sống được.

Tôi băn khoăn, chuyện cơ quan, chuyện văn chương luôn đầy ắp thì Tư có đem về căn nhà chật chội này không? Tư cười, về tới nhà là bỏ hết mọi chuyện để lo chuyện nhà, chuyện con cái và tranh thủ viết. Thậm chí, em không muốn tiếp khách tại nhà riêng vì gia đình là chỗ dựa an toàn của mình.

Tác phẩm đã xuất bản:

Ngọn đèn không tắt (tập truyện); Ông ngoại (tập truyện thiếu nhi), Biển người mênh mông (tập truyện),Giao thừa (tập truyện), Nước chảy mây trôi (tập truyện và ký), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (tập truyện), Cánh đồng bất tận (tập truyện),Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư.

Giải thưởng:

Giải Nhất - Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần II - tác phẩm “Ngọn đèn không tắt” năm 2000. Giải B - Hội Nhà văn Việt Nam - tập truyện “Ngọn đèn không tắt” năm 2001.

Giải B - Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ - Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - Tập truyện “Ngọn đèn không tắt” - năm 2000.

Gương mặt trẻ 2003 do Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng.

Giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2005.

Giải A Hội Nhà văn Việt Nam 2006.

Tôi không thể không hỏi qua những việc như kiểm điểm quanh “Cánh đồng bất tận”, Tư có thấy Cà Mau nhỏ hẹp và cô có muốn rời cơ quan hiện nay? Tư thẳng thắn: Bây giờ thì chưa nhưng em đang nghĩ, em rất áy náy. Không phải mình giận mà vì thương mấy chú, mấy anh vì mình mà họ cũng bị vất vả, nặng nề lây.

Hồi xưa, em ước đi làm việc văn thư của một xã vùng ven nào đó, nghĩ ở đó chắc ngồn ngộn tư liệu sống. Nhưng chuyện đó giờ cũng không còn thích nữa…

Có thể thấy, số đầu sách của Nguyễn Ngọc Tư nhiều thêm thì không gian Nam bộ cũng rộng ra, sâu hơn, hiện thực sinh động hơn. Vợ chồng Tư hay chở con về thăm ngoại ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm (ngoại ô TP Cà Mau). Tư sinh ra ở Bạc Liêu, theo cha mẹ về Cà Mau từ lúc 4 tuổi.

Ông Nguyễn Thái Thuận - ba của Tư hay làm thơ, viết báo như là nghiệp vụ cán bộ tuyên huấn công đoàn. Tư là con gái út trong gia đình có 3 chị em nên gọi Bé Tư.

Ông Nguyễn Thái Thuận tâm sự: “Tôi hối hận, mắc nợ Bé Tư vì không lo cho con học hành chu đáo. Năm đó, ông ngoại bị bệnh nặng, kinh tế khó khăn, phải cho Bé Tư nghỉ học giữa chừng để chăm sóc ngoại, làm việc nhà. Mới 12-13 tuổi mà đẩy xe đạp chở gạo, vác gạo đổ vô tới khạp!”.

Tôi hiểu thêm vì sao mà Tư viết nhiều và cảm động về ông ngoại, bà ngoại, mẹ… Máu thịt của cô, cuộc đời của cô vậy mà. Nghỉ học chăm sóc ngoại ốm đau, giúp mẹ hái rau, vo gạo, bắt ốc… Từ cô học trò dang dở thành một nhà văn ngay trên quê mình.

Nhà văn Lê Đình Trường, Phó Chủ tịch Hội VHNT Cà Mau kể: “Sau này, ngồi lại với nhau, tôi hỏi Nguyễn Ngọc Tư, khi mấy chú đến nhà “rút” cháu về Hội, cháu đang làm gì? Nguyễn Ngọc Tư có trả lời, cháu đang ở cầu ao sau nhà lựa ốc, vo gạo. Hôm nay, tôi bỗng thấy một chuyện cổ tích từ cô gái Lọ Lem như Nguyễn Ngọc Tư trở thành một nữ hoàng văn chương”.  

Đầu năm mới, một câu dù cũ nhưng tôi vẫn hỏi, Tư dự định viết gì trong năm này? Tư trả lời, em viết văn không theo kế hoạch, thấy đầy cảm hứng là viết! Vậy Tư mong đợi gì ở năm mới? Em muốn nhẹ nhàng, tự do - Nguyễn Ngọc Tư cười - Cả lúc viết và không viết, chỉ sợ cái sự nhẹ nhàng, tự do không dễ có.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.