'Ngôi nhà trong hẻm': Chưa ra đường lớn

'Ngôi nhà trong hẻm': Chưa ra đường lớn
TP - Chọn đúng dịp Ngày lễ tình nhân, "Ngôi nhà trong hẻm" ra mắt, có bước đi mạo hiểm khi mong khán giả đến rạp, sau nhiều phim kinh dị “made in Việt Nam” chưa làm hài lòng người xem.

> Ngô Thanh Vân "lấy chồng" của Trương Ngọc Ánh

“Ngôi nhà trong hẻm” chưa đủ độ kinh dị
“Ngôi nhà trong hẻm” chưa đủ độ kinh dị.

“Phim chẳng có nội dung gì”, có khán giả sau khi rời rạp chiếu nhận xét. Thực ra, phim kinh dị đâu nhất thiết cứ phải có chuyện gì ghê gớm. Những thứ đắt nhất trong một bộ phim kinh dị có thể là sự ly kỳ, chi tiết khiến khán giả lạnh toát sống lưng, hay âm thanh ấn tượng nổi da gà. Ngôi nhà trong hẻm chọn cách kinh dị theo diễn biến tâm lí, nên câu chuyện đúng là không quá phức tạp. Đó là quá trình thay đổi mà hai vợ chồng phải chịu đựng sau khi mất đứa con đầu lòng.

Cảnh mở đầu phim dẫn dắt người xem vào câu chuyện hứa hẹn nhiều yếu tố ma mị: Thảo (Ngô Thanh Vân) xuất huyết quá nhiều khi chuyển dạ tại ngôi nhà âm u, bên cạnh người chồng tên Thành (Trần Bảo Sơn) hoảng loạn không kém, chỉ biết trông chờ vào bà đỡ. Thành công ngay cảnh đầu tiên, tiếc rằng đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt lại lơi tay ở phần sau. Câu chuyện phim tiếp diễn theo dòng thời gian, 7 ngày rồi 3 tháng sau đó, bối cảnh chính vẫn là ngôi nhà ma ám.

Theo lẽ thường, đáng ra câu chuyện phim và nhịp độ phải ngày càng tăng. Ở đây ngược lại, càng vào giữa phim khán giả khá mệt mỏi, đôi lúc buồn ngủ vì nhịp phim quá chậm, ít cao trào. Những tiếng cười nói, chạy nhảy, bóng ma vương vất trong căn nhà đôi vợ chồng trẻ mới mua, chưa kịp sửa chữa… nếu đúng liều lượng sẽ rất hiệu quả.

Đằng này, cảnh Thành cố căng mắt, trèo lên mái nhà để xem trên đó có gì, rồi giật mình té xuống đất khi thì vì con mèo đen, khi lại vì thấy bóng ma… không dọa được khán giả, chỉ khiến nhiều người khó tính thốt lên: Ngã gì mà ngã nhiều thế!

Ý tưởng phim khá tốt, nhưng đôi khi đạo diễn không làm chủ được mạch phim, dẫn đến những xử lý kém chuẩn. Đành rằng phim cho phép những tưởng tượng bay bổng, nhưng không đến mức quá vô lý: Người vợ quá đau lòng vì mất con, nhất quyết giữ cái hòm gỗ có đứa nhỏ ngay phòng ngủ. Khán giả hoàn toàn có quyền thắc mắc, tại sao đôi vợ chồng chịu nổi mùi? Nếu trong hòm là tro cốt sau khi thiêu, thì ít ra đạo diễn cũng phải có chi tiết nào giải thích.

Chuyện nhà máy của gia đình Thành lâm cảnh khốn khổ, công nhân biểu tình đập phá cũng chẳng rõ nguyên do, kết thúc cũng bị bỏ lửng. Chưa kể tuyến nhân vật phụ: người mẹ, Minh làm quản lí ở nhà máy, cô bạn thân của Thảo gần như chỉ là cách thêm da đắp thịt, không làm cho câu chuyện chặt thêm chút nào.

Lấy lí do mất con, người vợ trở nên hung dữ, đôi khi như ma nhập, thậm chí còn có ý thích giết chồng chưa thực sự thuyết phục người xem. Mâu thuẫn dẫn đến nỗi ám ảnh đó chưa được đẩy đến cùng cực: Trước đó, Thành hết mực chăm sóc vợ, thậm chí còn bỏ cả công việc bề bộn ở nhà máy để ở nhà chăm vợ suốt 3 tháng.

“Phim chẳng có nội dung gì”, có khán giả sau khi rời rạp chiếu nhận xét. Thực ra, phim kinh dị đâu nhất thiết cứ phải có chuyện gì ghê gớm.

Sự ác cảm của bà mẹ chồng dành cho nàng dâu cũng làm tăng áp lực tâm lí lên đôi vợ chồng trẻ, nhưng khán giả cảm thấy chưa ổn vì chẳng có nguyên nhân gì rõ ràng. Đạo diễn có vẻ chắp nối tình tiết thế thôi, không định giải quyết đến nơi đến chốn.

Ngôi nhà trong hẻm dẫu sao vẫn gỡ gạc lại ở diễn xuất của cặp Ngô Thanh Vân- Trần Bảo Sơn, dù cả hai thực ra vẫn có thể làm tốt hơn, ít ra là có thể bớt những câu thoại sáo rỗng, vô nghĩa và lặp đi lặp lại không cần thiết trong phim kinh dị.

Ngô Thanh Vân trút bỏ hình ảnh “đả nữ”, diễn một số đoạn nội tâm khá nhuyễn, ví như cảnh gọi điện thoại cho mẹ với sắc mặt đau khổ, tuyệt vọng hay lúc phải gượng gạo yêu chồng với đôi mắt thất thần. Trần Bảo Sơn ra dáng một ông chồng quá mệt mỏi vì đủ sức ép: vợ dở điên dở khùng, mẹ suốt ngày gọi điện hối thúc, mắng nhiếc vì không quản được chuyện công ty.

Phim cũng gỡ thêm điểm nhờ quay phim Joel Spezeski. Dù là phim kinh dị, khán giả đôi lúc vẫn tìm thấy những hình ảnh đẹp, đó là dòng nước trong veo rớt xuống từ thân khóm tre trong sân nhà.

Gần cuối phim, người vợ cầm rìu quyết chém chồng, được xem là một trong những cảnh thành công nhất phim, khi âm nhạc, hiệu ứng hình ảnh và góc quay kết hợp để tăng ép phê rùng rợn. Những điểm sáng nhỏ trong phim như thế này, hẳn còn ít ỏi để chinh phục khán giả Việt, vốn kỳ vọng quá lớn vào dòng phim kinh dị trong nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.