> Về An Xá thăm nhà Bác Giáp
>Hàng chục ngàn người xếp hàng thẳng tắp chờ viếng Đại tướng
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên năm 1952 . |
Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hoá và Cty TNHH Tư vấn Kiến trúc lập Dự án đầu tư xây dựng Nhà trưng bày và lưu niệm Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ngôi nhà sàn giản dị, theo kiến trúc truyền thống của người Tày để trưng bày, bổ sung di tích đồi Phong Tướng.
Đây sẽ là nơi giới thiệu hiện vật, hình ảnh, phim, tư liệu về cống hiến quên mình của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền, bà con các dân tộc Chiến khu Việt Bắc với Đại tướng. Dự án được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa với sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu về văn hóa và của tỉnh Thái Nguyên.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản ngày 12/8/2013, thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên về chủ trương lập dự án bảo quản, tu bổ các di tích tại ATK Định Hóa, trong đó có di tích đồi Pụ Đồn- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Thư của phu nhân Đại tướng, bà Đặng Bích Hà (ngày 30/1/2013) viết: “Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nhà trưng bày và Lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại di tích đồi Pụ Đồn, Tỉn Keo, Định Hóa cần sưu tầm các tư liệu lịch sử, tham khảo ý kiến của các nhân chứng các nhà sử học để xây dựng các hạng mục dự án một cách đầy đủ, chính xác, đúng với sự thật lịch sử và tiết kiệm. Các tư liệu, hiện vật trưng bày nên tập trung vào quá trình hoạt động và chiến đấu của cơ quan Bộ Tổng tư lệnh và của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Định Hóa, Thái Nguyên”…
Tình cảm ruột thịt
Khi tôi là Giám đốc Bảo tàng tỉnh rồi Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Thái Nguyên, vào dịp sinh nhật Đại tướng, hầu như năm nào cũng về chúc thọ, chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình. Đại tướng gửi lời chúc Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với nhắn nhủ: “Xây dựng Thái Nguyên thành một tỉnh gương mẫu ở cửa ngõ vùng Việt Bắc và mong muốn trong những tỉnh miền núi, Thái Nguyên giàu mạnh lên, phát huy truyền thống giữ gìn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Nhân kỷ niệm 50 năm “Cuộc họp Tỉn Keo - Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ” (1953 - 2003), đoàn Ban quản lý di tích mời bà Ma Thị Tôm trong trang phục Tày mang theo mật ong, măng, trám và một con gà mái trong lồng về biếu “anh Giáp và chị Hà” khiến nhiều đại biểu ái ngại, song Đại tướng bảo mời đoàn ATK Định Hóa vào. Đại tá Nguyễn Huyên vui vẻ nhắc bà Tôm nhấc giỏ trám bùi và con gà đồi lên rồi kéo bà ngồi cạnh Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà, nom cứ như bên bếp lửa nhà sàn hồi kháng chiến vậy.
Nhớ về Đại tướng, bà Ma Thị Tôm (87 tuổi) không cầm được nước mắt: Tình cảm với bác Giáp như anh em ruột thịt, từ hồi kháng chiến, thỉnh thoảng thấy Đại tướng đi ngựa đến họp với Bác Hồ ở Tỉn Keo vào nhà uống nước, đến nay đã hơn 60 năm…
Anh Lương Đức Tính, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, ôn lại kỷ niệm những lần Đại tướng trở lại Thái Nguyên - Việt Bắc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ qua lời căn dặn của Đại tướng “Thái Nguyên phấn đấu trở thành tỉnh giàu mạnh của vùng Việt Bắc...”. Trong dòng người xếp hàng viếng Đại tướng tại Di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh ở đồi Đỏn Mỵ, Bảo Biên, xã Bảo Linh, tôi chú ý tới một bà già nhỏ nhắn, nhìn di ảnh Tướng Giáp trong nước mắt. Đó là bà Ma Thị Chúc, 76 tuổi, người Tày ở Thanh Định là con gái ông Ma Duy Bầu, Chủ tịch UBND lâm thời xã Thanh Định (tháng 8/1945). Hồi tháng 7/1945, anh Văn thường qua lại nhà ông giáo Bầu. Bà Chúc kể: “Những lúc công tác về, bác Giáp cho hai chị em cơm lam và quả gắm nướng. “Ông có quà cho cháu, ở nhà ngoan nhé, bác và bố cháu đi có việc”. Nghe tin bác Giáp mất qua vô tuyến, tôi như người mất hồn...”.