Ngôi làng có biển số nhà độc đáo nhất Việt Nam
> Những 'ngôi nhà ma' giữa lòng Hà Nội
> Gặp chủ nhân ngôi nhà gỗ sưa "trị giá trăm tỷ đồng" ở Bắc Giang
Khi đặt chân đến ngôi làng cổ Cự Đà nằm bên dòng sông Nhuệ này, khách xa mới nhận ra ở đây còn có những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đã được đánh số gần 1 thế kỷ qua.
Chưa vào đến Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), ngay từ thôn Khúc Thủy, chúng tôi đã được thỏa nhãn trầm trồ những ngôi nhà ngói 5 gian mang hồn quê mộc mạc được gắn biển đánh số như những đường phố văn minh của thủ đô Hà Nội. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến nhà ông Trịnh Thế Sủng, chủ nhân của ngôi nhà cổ gần 300 năm còn lưu giữ vẹn nguyên nếp cũ đến tận bây giờ.
Đánh số nhà cổ 5 gian
Chiếc cổng gạch được đánh số 148 dẫn chúng tôi vào ngôi nhà ngói 5 gian với 35 cột gỗ xoan được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Chủ nhân của ngôi nhà đi vắng nhưng chúng tôi vẫn không thể rời chân đi ngay được trước vẻ đẹp ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa của ngôi nhà cổ quý giá này. Ông Vũ Văn Thân (79 tuổi), phó ban bảo vệ di tích làng Cự Đà, cho biết: "Làng Cự Đà chúng tôi bắt đầu đánh số nhà từ những năm 34 - 35 của thế kỷ trước.
Thời điểm đó, khi thị xã Hà Đông còn chưa có điện thì Cự Đà đã đèn điện sáng choang và gắn biển số nhà. Có được sự văn minh như vậy là nhờ cụ Vũ Tư Đường khởi xướng. Cha cụ Tư Đường vốn là nhà buôn, đã ra Hà Nội sinh sống lập nghiệp từ thời trai trẻ. Cụ Tư Đường sinh trưởng ở đất Hà thành, có học chút ít chữ nho, sau chuyển sang học chữ Pháp ngay từ cuối thế kỷ 19. Cụ Tư Đường là người thông minh, hoạt bát và khéo léo.
Vào khoảng năm 1910 - 1920, cụ nổi danh làm ăn táo báo. Cụ vay tiền của Hãng địa ốc Pháp Crédit Foncier de l'Indochine xây dựng một dãy nhà đến 20 căn ở phố Bờ Sông gần Bến Nứa và chân cầu Doumer (Long Biên) để cho thuê kiếm lãi. Sau khi có vốn, cụ xoay sang mua một đoàn xe ca vài chục chiếc chạy tuyến đường Hà Nội - Sơn Tây - Trung Hà, cạnh tranh với hãng xe ca Mỹ Lâm đã có và nổi tiếng trước đó.
Đi nhiều biết nhiều, nhận thấy việc đánh biển số nhà của người Pháp rất văn minh trong quản lý hành chính nên cụ về bàn với hội đồng nhân dân làng học theo. Những nhà được đánh số phải được hội đồng nhân dân chứng nhận là đất chính chủ, còn những đất lấn chiếm, tương tự như không có "sổ đỏ" thời bây giờ, thì không được đeo biển".
Làng sang hơn tỉnh
Cũng theo ông Thân thì năm 1930, cụ Tư Đường lên lão 50. Cụ bàn với làng nên trồng cột điện đem điện khí về thắp sáng Cự Đà. Cụ ra Hà Nội mua các cột đèn đúc bằng gang của Pháp thải bỏ từ Phủ toàn quyền đem bán đấu giá. Cụ mua được 12 cái đem về Cự Đà trồng từ cửa nhà cụ ở đầu làng qua Miếu Thánh, đến chợ Đình Vật. Cứ cách đúng 50m một cột điện rất đẹp, đúc gang mỹ thuật, trên có cái chao đèn tráng men trắng bóng loáng, chụp đèn bằng thủy tinh mờ.
Sau đó cụ thuê máy phát điện của Tây Nhà đèn Hà Nội đưa về làng. Máy chạy bằng xăng nên những nhà nào muốn có điện thì phải tự kéo dây và đóng tiền mua xăng đổ vào máy. Thời ấy chưa có nhiều các thiết bị điện như bây giờ mà chủ yếu là thắp sáng bóng đèn. Cũng chỉ những nhà giàu trong làng mới có tiền để mua xăng, mua bóng.
Duy trì được 3 - 4 năm thì gặp giai đoạn kinh tế khủng hoảng, dân làng không ai có tiền để mua xăng chạy máy nữa. Vì thế đến năm 1982, các đồng chí ở Tỉnh ủy Hà Đông về thăm làng, thấy hàng cột điện đẹp đã vận động dân làng đổi cho tỉnh ủy để dựng ở khu nhà khách. Khi nào làng được kéo điện, tỉnh ủy sẽ đổi lại cho dãy cột bê tông. 10 cái cột được mang đi, hiện còn 2 cái ở gần phía ao làng vẫn đang vươn mình nâng đỡ những dòng điện phục vụ người dân.
Nói đến những ngôi nhà cổ trong làng, ông Thân cho biết: "Căn cứ vào các gia phả cổ và tư liệu sử học, khảo cổ thì Cự Đà là một làng cổ đã được thành lập cách nay khoảng 450 năm. Hiện nay, theo thống kê, làng còn khoảng 50 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm tuổi gồm cả nhà theo kiến trúc Tây và nhà cổ thời Nguyễn với những xà, cột, cửa đều làm bằng gỗ có hoa văn đặc sắc. Ngôi nhà cao tuổi nhất còn lại đến giờ có tuổi thọ trên 200 năm. Một số ngôi nhà có niên đại cao hơn đã bị phá đi để xây nhà cao tầng. Đó là một mất mát lớn của làng chúng tôi về văn hóa".
Lý giải cho việc nhiều ngôi nhà cổ của Cự Đà còn lưu giữ được đến tận giờ, ông Thân nhớ lại: "Những ngôi nhà cổ đồ sộ, hoành tráng ở Cự Đà ngày xưa đều của các gia đình thương nhân đi buôn bán ở Hà Nội và khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước. Phải đi làm ăn xa, họ thường nhờ người quen ở làng đến ở và trông coi giúp nhà cửa. Đến thời kỳ cải cách ruộng đất, một số ngôi nhà được thu hồi rồi được phân cho nông dân, một số ngôi nhà thì được chủ cũ sang nhượng lại cho người ở làng để chuyển đi nơi khác. Nhờ đó, làng mới giữ được nhiều nếp nhà cổ quý giá như hiện nay".
Tuy nhiên, ông Thân cũng không giấu được nỗi lo lắng hiển hiện trong đôi mắt già nua: "Trước đây các ngõ trong làng đều có cổng cái và cánh cửa gỗ lim. Xóm nào cũng có cổng trong cổng ngoài nghiêm ngặt. Buổi đêm cứ 9 giờ là đóng cổng, có trương tuần canh gác. Từ khi người làng có nghề làm miến, người ta phá đi nhiều cổng cái để xe ô tô có thể vào lấy hàng. Cả làng giờ chỉ còn vài cái cổng như những kỷ niệm hiếm hoi. Nhiều ngôi nhà cổ bị phá bỏ để xây xưởng sản xuất, xây nhà cao tầng. Chẳng biết đến đời con cháu tôi, Cự Đà có còn hãnh diện là ngôi làng cổ độc đáo nữa hay không?".
Theo Dòng Đời