Ngọc trong hầm tối

Bắc luôn ở cạnh chăm sóc vợ.
Bắc luôn ở cạnh chăm sóc vợ.
TP - Trong núi âm thanh hỗn độn giữa hiện trường cứu hộ với hơn 600 con người và hàng trăm phương tiện xe cộ, máy móc, tôi nghe những câu xuýt xoa: Có một cô gái bị kẹt trong hầm. Xinh như hoa hậu, tình cảm, nết na, chịu thương chịu khó…Thật tội nghiệp!

Các chị bán tạp hóa và nấu ăn tại công trường cho biết 12 nạn nhân khoảng từ 18 - 40 tuổi, trong đó có một nữ tên là Ngọc (Đặng Thị Hồng Ngọc - PV), trẻ và xinh lắm. Chồng của Ngọc tên Bắc (Phạm Viết Bắc - PV) cũng làm việc tại công trường này. Lúc xảy ra sự cố, Bắc đang ở phía ngoài hầm nên không bị kẹt. 

“Đôi vợ chồng có đứa con trai 5 tuổi, gởi ông bà nội ở Nghệ An nuôi giúp. Họ chi tiêu tiết kiệm lắm vì phải dành dụm tiền gởi về cho con. Lương của cả hai chỉ khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng chứ mấy!” - chị Hoa nói. “Tuy nghèo khó phải tha hương làm thuê kiếm sống nhưng họ quấn quýt, yêu đời lắm; sống vui vẻ, chan hòa với mọi người” - một công nhân góp lời.

Giữa vô vàn sự kiện xảy ra suốt một tuần cứu hộ, người ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm trí tôi chính là Bắc. Sáng 16/12, ngay sau khi một đoạn hầm bị sụp đổ và mặc cho trần hầm có thể tiếp tục sập bất cứ lúc nào, anh cùng toán công nhân tức tốc chạy vào, dùng mọi dụng cụ để đào bới hòng giải cứu các nạn nhân. “Vợ, anh trai, cháu trai… và bao đồng nghiệp của tôi bị mất tích… Không biết có bị đất đá vùi lấp… sống chết thế nào?”- miệng lắp bắp, mắt anh như bị thôi miên về phía đống đất đá vừa sụp xuống chắn mất lối ra của 12 công nhân.

“Em sẽ không bao giờ quên các anh công binh, thợ mỏ, các y bác sĩ đã cứu chúng em khỏi bàn tay tử thần. Hy vọng có ngày được gặp lại để nói lời cảm ơn” .

Ngọc thổ lộ

Phải trầy trật hơn nửa ngày và sau khi bị gãy hai mũi khoan công suất lớn do va phải đá, mũi khoan thứ ba của lực lượng cứu hộ mới xuyên thủng lớp đất đá dày 35m. Một ống sắt đường kính 3cm được luồn qua lỗ khoan vừa để thông khí vừa làm phương tiện liên lạc với các nạn nhân. Áp miệng vào đường ống nhỏ, anh em cứu hộ liên tục hét to: “Mọi người ơi! Có ai nghe thấy gì không?”. Sau đó, các anh áp tai vào ống sắt chờ đợi. “Chúng tôi an toàn nhưng lạnh và đói lắm!”, tiếng nói từ bên trong vọng ra. Những người bên ngoài nhảy dựng lên, ôm chầm lấy nhau.

Bắc chụp lấy đầu ống sắt hét lên “Em khỏe không Ngọc ơi, mấy anh em có khỏe không?”. Lát sau, anh quay ra nói với mọi người, mắt đỏ hoe: “Nghe được tiếng vợ tôi rồi. Không ai bị thương cả. May quá!”. Từ đó anh túc trực bên chiếc ống sắt, thỉnh thoảng lại hỏi thăm tình hình bên trong, thông báo tiến độ cứu hộ để các nạn nhân yên tâm, ráng sức chịu đựng chờ giải cứu. Nghe kêu đói, Bắc cùng anh em cứu hộ thổi sữa, cháo hoặc tuồn xúc xích vào, nghe bị lạnh thì đổ nước gừng vô. Hét nhiều quá khiến giọng anh khản đặc.

Ngọc trong hầm tối ảnh 1

Anh Bắc đội mũ trắng tuồn xúc xích qua ống thông khí cho nạn nhân

Sau mấy ngày không ăn không ngủ, trông Bắc phờ phạc, già hơn cái tuổi 39 của anh đến cả chục năm. Sau khi tiếp phẩm, anh chạy sang khu vực hầm thoát hiểm để xem công binh, thợ mỏ đào được bao nhiêu mét…

Hơi ấm tình người

Buổi trưa ngày thứ tư của vụ sập hầm (19/12), gọi năm lần bảy lượt mà bên trong không ra lấy thức ăn, anh em cứu hộ vô cùng lo lắng. Họ kiên trì liên lạc thêm hàng tiếng đồng hồ mới kết nối được với các nạn nhân. Về nguyên nhân của sự im lặng bí hiểm này, sau khi được giải cứu, chị Ngọc cho biết lúc ấy nước trên trần không ngừng nhỏ xuống, còn nước phía dưới tiếp tục dâng cao khiến mọi người xuống tinh thần, nghĩ không thể sống được nữa nên không thiết ăn uống gì. Một vài người nói lời trăng trối.

“Ai nấy kiệt sức rồi mà việc đi lấy thức ăn khổ sở lắm! Nước dâng lên đến ngực, thậm chí có lúc tới cổ nên phải cởi hết quần áo, bơi cả đi và về khoảng 100m, mang thức ăn về tới nơi mới mặc quần áo lại. Mỗi người chỉ có một bộ đồ, nếu mặc đi lội nước sẽ bị ướt rồi không có áo quần khô mà thay” - Ngọc nói. “Mỗi khi chúng tôi trở về với cơ thể trần truồng, ướt nhẹp, chị Ngọc cho mượn chiếc áo khoác có hơi ấm mà chị đang mặc để anh em khỏi bị cảm lạnh. Giải cứu chậm một ngày nữa thì chúng tôi đuối nước chết hết”- Nguyễn Văn Quang tiếp lời.

Trong lúc 12 công nhân vẫn le lói hy vọng, hàng trăm người trong lực lượng cứu hộ đinh ninh rằng phải hai ngày nữa mới có thể giải cứu nạn nhân thì các chiến sĩ công binh bất ngờ thông được hầm thoát hiểm. Theo binh nhất Hoàng Văn Thảo (Lữ đoàn Công binh 293), đang đào trong đường hầm tối om chợt thấy ánh điện phía trước và nghe có tiếng động. Anh hô to: “Thấy rồi!” và cùng đồng đội đào thêm vài nhát nữa. Đất đổ sụp xuống, lộ ra một lỗ thủng lớn. Các anh quẳng dụng cụ, chui vào đoạn hầm bị sập rồi bơi về phía các nạn nhân.

Ngọc trong hầm tối ảnh 2 Ngọc nằm thiêm thiếp trong bệnh viện
Lúc ấy Nam và Tuấn đang trên đường đi lấy thức ăn về. Nhìn thấy lổ thủng, Nam reo lên “Được cứu rồi! Ra đây nhanh lên anh em ơi!”. Nghe tiếng reo của các nạn nhân, nước mắt chợt lăn dài trên gương mặt lấm lem bùn đất của Thảo và Trung úy Nguyễn Văn Tiền, ngỡ như chính các anh được giải cứu. Nam ở gần miệng hầm thoát hiểm nhất nên được đưa ra đầu tiên, kế đến là Tuấn. 

Ngay sau đó 10 nạn nhân còn lại cũng tụt từ trên xe trộn bê tông xuống, dìu nhau đến miệng hầm thoát hiểm. “Tôi hỏi ai yếu nhất để đưa ra trước nhưng mọi người cứ nhường nhau. Chỉ khi tôi hét lên ưu tiên phụ nữ đi trước, Ngọc mới chịu để tôi đưa ra” - Trung úy Tiền kể. Ra khỏi miệng hầm, người đầu tiên Ngọc thấy là chồng mình. Chị chỉ kêu được hai tiếng “Anh ơi!” rồi lịm đi. Đang ngồi thẫn thờ trước cửa lò, anh Bắc như bừng tỉnh, chồm dậy lao đến cõng vợ chạy khoảng 300m thì gặp mấy anh công binh mang cáng đến.

“Ngọc ơi, đừng ngủ, được cứu rồi!”, một chiến sĩ công binh hét lên khi thấy nạn nhân mặt tái xanh, người mềm oặt. Thể trạng của Ngọc rất yếu, huyết áp tụt, ánh mắt bàng hoàng, tinh thần hoảng loạn. Sau khi sơ cứu, Ngọc được chuyển về phòng hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Đêm đó, Bắc hầu như thức trắng bên vợ đang nằm thiêm thiếp. Đôi mắt anh trũng sâu, má tóp lại sau bao đêm thức trắng kể từ khi xảy ra sự cố.

Sáng 20/12, Ngọc trở mình gọi tên chồng con. Bắc quàng tay ôm choàng lấy vợ. Những giọt nước mắt vui sướng của Bắc chảy xuống hòa cùng nước mắt của vợ. “Từng nghĩ vợ mình và mọi người đã bị vùi chết cả rồi nhưng kỳ diệu là tất cả đều còn sống. Hạnh phúc này không gì sánh bằng” - Bắc tâm sự. Khi những tia nắng buổi sớm rọi qua cửa sổ, Ngọc dụi mắt nói: “Sau hơn 4 ngày dằng dặc trong bóng tối, đây là lần đầu tiên em lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Em cứ véo hết chỗ này đến chỗ khác trên thân thể mình để tin rằng đây là thực chứ không phải mơ”.

Suốt thời gian ở trong hầm, dù sợ hãi tột độ nhưng Ngọc không hề khóc. “Em cũng sợ lắm nhưng cố nén để không ảnh hưởng đến người khác. Nếu những người trong hầm nao núng thì anh em cứu hộ sẽ bị xao động, khó làm việc lắm! Mặt khác, cháu trai của em (Phạm Viết Lành, 18 tuổi-PV) cứ khóc suốt. Em phải tỏ ra mạnh mẽ và động viên cháu hãy tin tưởng chờ đợi vì hàng trăm người đang làm việc suốt ngày đêm để giải cứu mình” - Ngọc tâm sự và cho biết thêm những lúc bi quan nhất, chị nghĩ về đứa con trai bé bỏng và người chồng hết mực thương yêu mình đang chờ đợi bên ngoài để trấn tĩnh lại.

Mặc dù giọng nói còn yếu nhưng nụ cười đã nở trên môi cô gái quả cảm này. Nụ cười như tỏa nắng giữa tiết trời âm u lạnh lẽo của cao nguyên mùa Noel. Đôi mắt sáng, làn da trắng, mịn màng không tì vết, mái tóc dài mượt mà, dáng vóc thon gọn, sống mũi cao thanh tú vẹn nguyên đấy sau những ngày kinh hoàng.

Quả thực Ngọc rất đẹp và vẻ đẹp hình thể ấy càng lung linh hơn bởi sự kiên cường và tấm lòng nhân hậu của cô trong cơn hoạn nạn thập tử nhất sinh.

7 giờ sáng ngày 16/12, một đoạn hầm của công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo bất ngờ đổ sập. 12 công nhân chạy vào phía bên trong hầm và bị nhốt lại đó, cách biệt với thế giới bên ngoài, phải đối diện với sự yên tĩnh đến kinh hãi, cái chết rình rập từng giờ từng phút bởi góc hầm tối đen, ẩm ướt và nước dâng cao từng ngày.

MỚI - NÓNG