Ngọc Ký lên đồng

Ngọc Ký, Minh Đức được khán giả đón nhận khá nồng nhiệt trong lần trình diễn nhân ra mắt đĩa hát văn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Ảnh: N.M.Hà
Ngọc Ký, Minh Đức được khán giả đón nhận khá nồng nhiệt trong lần trình diễn nhân ra mắt đĩa hát văn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Ảnh: N.M.Hà
TP - Sau nhiều lần tổ chức, giải Sao Mai đã góp phần hình thành một lứa ca sĩ trẻ đi theo dòng nhạc âm hưởng dân gian. Hậu quả là tình hình đang trở nên ngày càng khó cho các ca sĩ này khẳng định cá tính trong một dòng nhạc chưa phong phú về bài vở. Trong bối cảnh ấy, Ngọc Ký- giải Nhì Sao Mai 2009 đã chuyển hẳn sang chầu văn- tức là dân gian hẳn, chứ không còn “âm hưởng” gì nữa.

> Ngọc Ký: Hát hay, nịnh giỏi
> Cứ tưởng trượt Sao Mai vì thấp bé

Ca sĩ tự do Ngọc Ký hết hợp với Minh Đức (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) ra mắt một bộ Hát văn dâng Thánh mẫu gồm 4 CD với 22 giá đồng. “Một lần hầu đồng ít nhất phải đủ bằng ấy giá,” Ngọc Ký cho biết. “Làm thiếu thì nó buồn cười lắm.

Với lại chúng tôi làm cũng theo sở thích khán giả, người thích giá này, người thích giá kia. Có khán giả khẳng định nếu đủ 36 giá sẽ mua rất nhiều”. Ngọc Ký và Minh Đức đã lên chương trình cho năm mới: quay hình một số giá chọn lọc và có thể sẽ thu âm nốt những giá đồng còn thiếu để tặng những người hâm mộ lên đồng.

Đợt đầu phát hành 3.000 bản, như vậy ca sĩ phải in tới 1,2 vạn đĩa. Một con số không nhỏ. Tiền in đĩa đã chiếm già nửa trong số kinh phí ngót 250 triệu của dự án.

Ngọc Ký cho hay nếu tự bỏ tiền ra, thì hai ca sĩ chỉ làm nổi một đĩa. Số tiền còn lại là do các anh em thân thiết tài trợ mà không kèm theo yêu cầu gì. Họ được Ký miêu tả là những người “rất tâm linh”. Trong số đó, có người sẵn sàng bỏ hàng trăm tỉ xây chùa cho quê hương. Ngọc Ký thường xuyên hát trong những chương trình từ thiện do họ tổ chức.

Sinh ra ở Nam Định, bà nội Ngọc Ký chính là một bà đồng, nên từ khi học lớp 3, Ký đã thường ra vào các đền phủ theo bà. Khi nảy ra ý định làm đĩa lên đồng, các ca sĩ đi nhiều đền phủ không chỉ để xem các cung văn “xịn” làm việc thế nào mà còn “xin” thánh để dự án hát văn được hoàn tất trong năm nay, là năm “được tuổi” của hai người. Việc này là một áp lực khiến họ buộc phải làm đúng như lời xin.

Cuối cùng một kỷ lục đã được lập: Thời gian vừa học vừa làm đĩa gói gọn trong 6 tháng. Trong đó 3 tháng đầu học liên tục tuần 3 buổi. Giảng viên là NSƯT Minh Nguyệt của Đoàn Chèo Hà Nội. Mặc dù luôn miệng kêu hát văn khó, nhưng Ngọc Ký và Minh Đức lại học rất nhanh. Có khi một buổi học giải quyết một bài văn, hôm sau đi thu luôn. “Nếu giờ cho thu lại, tôi hát còn hay hơn,” ca sĩ nói.

Một trong những điều Ngọc Ký yêu thích ở hát văn là tính phong phú về hơi thở âm nhạc vùng miền. Nhiều hình thức âm nhạc truyền thống khác nhau được du nhập vào hát văn.

Khó nhất đối với Ký là luyện những điệu mang tính chất ca trù (gọi là trù phú): “Chẳng theo nhịp phách nào, mình phải ngân nghỉ bằng cảm giác, khó dã man luôn! Tôi khẳng định một ca sĩ bình thường không hát được trù phú. Các cung văn ‘nghiệp dư’ đến giá nào có trù phù, thường đổi sang lối hát khác”.

Để kịp tiến độ thu âm với ban nhạc, nhiều khi Ngọc Ký bỏ cả show diễn. Nếu với nhạc mới, ca sĩ thu trên phần nhạc thu âm sẵn là chuyện bình thường. Nhưng với đặc thù của nhạc dân tộc, ban nhạc và ca sĩ buộc phải thu cùng nhau. Sau đó muốn sửa gì thì sửa vì mỗi nhạc cụ có đường tiếng riêng.

Các cung văn thu nhập có thể không bằng các ca sĩ hạng sao nhưng cũng thuộc loại cao. Có phải đó cũng là một nét hấp dẫn ca sĩ nhạc mới như Ngọc Ký? Anh trả lời: “Chúng tôi chưa nghĩ đến điều đó. Được lộc đến đâu còn do trời, Phật, thánh thương. Ngoài việc rất yêu thích hát văn, chúng tôi tìm hiểu thấy hát văn đang làm hồ sơ trình UNESCO xét duyệt trở thành di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại nên cũng muốn đóng góp để tôn vinh nét văn hóa dân tộc, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chúng tôi rất mong muốn có cơ quan nào ghi nhận đóng góp này”.

Hỏi tiếp vì sao không học chèo mà lại học văn, Ngọc Ký đáp: “Hát chèo phổ biến quá. Rất nhiều người hát hay rồi. Với nhiều khán giả, hát văn còn khá mới mẻ, có khi họ còn chưa từng dự khóa hầu đồng nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu thích âm nhạc tâm linh nên tìm đến với hát văn.”

Chỉ sau hơn tuần ra mắt, Ngọc Ký vui mừng thông báo 1500 bộ Văn ca dâng Thánh mẫu đã hết veo. Sau Tết này, coi như làng cung văn đã chấp nhận 2 ca sĩ nhạc mới vì đã có những lời mời Ngọc Ký, Minh Đức hát văn ở Hà Nội, Nam Định và Thái Bình.

Tuy nhiên làm nghề hát văn cũng khá vất vả. Không có sân khấu rực rỡ cho cung văn. Họ ngồi lẫn với con nhang đệ tử và mỗi “show” hát kéo dài 6-10 tiếng.

Ngọc Ký khẳng định chỉ lúc nào không bận công việc hát nhạc mới thì mới đi hát văn. Anh nói: “Tôi không thể theo cái này bỏ cái kia. Dòng nhạc nào đã cho mình thành công, đã ‘đóng đinh’ trong khán giả thì mình vẫn phải hết mình với nó”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.