> Ấn tượng một chiều Ba Lê
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các doanh nghiệp Hoa Kỳ
J. Kerry (áo trắng bên phải) trong cuộc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở Quảng Ngãi. Ảnh: TL . |
Cái tuổi tròn thất thập, hình như ông J. Kerry nhiều năm nay về ngoại hình không mấy đổi thay? Thời ông là Thượng nghị sĩ rồi Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ ông từng sang Việt Nam mấy lần. Năm đã lâu hình như 1994 ông đến Quảng Ngãi cùng đoàn cựu binh Hoa Kỳ.
Vẫn dáng cao khòng, mái tóc rậm và khuôn mặt, nói như thế nào nhỉ, dường như tạo hóa thuở ấy hơi vội mới tạo đẽo những đường nét sơ sơ nhưng lại rất ấn tượng của một khuôn mặt đàn ông cương nghị? Rồi những ngày cuối cùng của năm 2012 dư luận cho là cuộc lựa chọn hoàn hảo khi ông chủ Nhà Trắng quyết định chọn ông vào cương vị Ngoại trưởng của nội các mới.
Gần tròn năm chật cứng những sự kiện quốc tế phải đối mặt phải giải quyết nhưng ngoại hình ông vẫn na ná nét cũ? Và vẫn vẹn nguyên tình cảm thuở ông trong đội hình những cựu binh Hoa Kỳ tiên phong làm cái việc khai sơn phá thạch bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt!
Phiên dịch cho Ngoại trưởng sáng nay là một phụ nữ đứng tuổi người Việt. Nghĩ vội thấy hơi ngồ ngộ là cuộc đời vị ngoại trưởng này khởi đầu sự nghiệp của tuổi trẻ là Việt Nam. Và bữa nay chẵn 70 lại cũng đang ngồi với người Việt.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám (TTXVN). |
Có khác chăng năm 1968, trung úy J. Kerry sang chiến trường miền Tây Nam Bộ sung vào đội hình với nhiệm vụ gây thảm họa tang tóc cho dân lành. Còn thời điểm bây giờ đương bàn định với Thủ tướng Việt Nam những quyết sách song phương góp phần chấn hưng nước Việt!
Sự thật phải được phơi bày. Nếu tôi là Tổng thống thì tôi có thể hứa với mọi người rằng chính quyền của tôi sẽ đi đến cùng sự việc. Tuyên bố của TNS |
Nhớ lần ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp TNS J. Kerry, cả hai đều cùng dùng những thán từ để biểu lộ sự ngạc nhiên vui mừng lẫn cả xót xa?
Ngạc nhiên là đơn vị lính thủy đánh bộ của J. Kerry với những đoàn giang thuyền trang bị vũ khí hiện đại ngày đêm cày xới trên những khúc sông miền Tây Nam Bộ.
Còn đơn vị của người lính Nguyễn Tấn Dũng thì liên tục cơ động cũng trên miệt sông ấy tìm mọi cách giành đất giữ dân. Liên tục những lần chạm trán lẫn chạm súng...
Người lính Nguyễn Tấn Dũng trong một trận đánh đã phụt ba quả B.40 cùng đồng đội cản phá một cuộc càn quét của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Sau trận đánh ấy, trung úy Nguyễn Tấn Dũng được tặng thưởng Huân chương chiến công. Đó là thời điểm cuối năm 1968...
Cũng cuối 1968, Kerry đến Việt Nam, chỉ huy hai tàu tuần tra dọc vùng sông ở đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc chạm súng đầu tiên của Kerry với nhóm du kích VN đêm Giáng sinh 1968, rồi ba tháng liên tục càn quét trong vùng “tuỳ nghi bắn hạ” đã làm tan vỡ giấc mơ quân ngũ của đại úy hải quân Kerry.
Kerry bắt đầu chống lại việc binh lính bắn giết thường dân. Sau này TNS Kerry thú nhận hình ảnh một bé trai Việt Nam 12 tuổi bị lính Mỹ bắn hạ ngay trước mắt ông đã trở thành nỗi ám ảnh: “Đó là một trong những điều tồi tệ. Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ có thể quên được hình ảnh bé trai ấy”.
Cái bắt tay giữa hai người từng là lính trong cuộc gặp ấy như bộc lộ nỗi mừng của niềm vui còn sống sót qua cuộc chiến. Mừng cho Mỹ-Việt đã bình thường hóa quan hệ.
Và cũng ít nhiều những xót xa khi cả hai nhớ lại những đồng đội của mình cùng bao dân lành vô tội đã bỏ mình trong cuộc chiến. TNS J.Kerry buổi ấy đã ân cần hỏi thăm những vết thương cũ, mới của trung úy Nguyễn Tấn Dũng. Vết thương mới là do những cuộc chạm súng với đơn vị thủy quân của J. Kerry.
Rồi tháng 3/1969, đại úy John Kerry thực hiện hành động mạnh mẽ nhất và cũng khó khăn nhất: xin được thuyên chuyển khỏi VN sáu tháng trước ngày kết thúc nhiệm vụ.
Trở về Mỹ, J. Kerry nhiệt thành tích cực trong phong trào phản chiến chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đến nỗi Tổng thống Richard M. Nixon và cố vấn Charles Colson, trong một tài liệu còn lưu giữ vào tháng 4/1971 đã từng thỏa thuận nhất trí rằng cần phải xử lý gấp J. Kerry người phát ngôn của Hội Cựu binh Mỹ phản chiến (VVAW) một nhân vật đang được công chúng quan tâm “Hãy triệt cái tay mị dân này trước khi hắn trở thành một Ralph Nader khác”. (Ralph Nader là một trong những nhà hùng biện và học giả tiếng tăm nhất tại Mỹ).
Dường như tố chất của một người lính đã khiến ông thoát mọi vướng bận lẫn hiểm nguy. Hoàn thành xuất sắc công việc của một thủ lĩnh trong phong trào phản chiến, J. Kerry sau đó đã trở thành một TNS uy tín. Từng thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2004 trước GW. Bush. Rồi ông mất vị trí Ngoại trưởng vào tay bà Hillary Clinton năm 2008.
Phải chờ thêm 4 năm nữa, người đàn ông được mệnh danh là “phái viên không chính thức của Mỹ” mới có cơ hội trở thành nhà ngoại giao số 1 của nước Mỹ.
Mấy lần sang VN để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa. Những chuyến đi thực tế đã khiến ông khẳng định điều thật lòng “Ngày nay người dân VN được sống tự do hơn bao giờ hết, họ được cung cấp thông tin từ các nguồn truyền thông quốc tế, báo chí trong nước cũng thẳng thắn chống tham nhũng và góp ý cho những hoạt động nhà nước chưa hiệu quả...
Tôi tin rằng thành quả của VN trong những năm gần đây chứng minh rằng định hướng bình thường hóa quan hệ với VN của Chính phủ Mỹ từ năm 1995 đã có những kết quả tích cực, phù hợp với quyền lợi của chúng ta đối với quốc gia này và toàn khu vực”. (Trích điều trần của TNS John Kerry ngày 7/7/1998 về quan hệ Việt - Mỹ).
Sự thật phải được phơi bày. Nếu tôi là Tổng thống thì tôi có thể hứa với mọi người rằng chính quyền của tôi sẽ đi đến cùng sự việc. Đó là tuyên bố của TNS J. Kerry trước vụ điều tra tội ác về vụ thảm sát của lực lượng Mãnh Hổ (Tiger Force) gây cho dân lành Quảng Ngãi năm 1967.
Rồi sự kiện năm 2012, Thượng viện Hoa Kỳ với vai trò J. Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng Viện, cơ quan pháp viện này đã thông qua Dự luật Nông trại 2012 với điều khoản về cá da trơn có lợi cho Việt Nam.
Rồi gì nữa, 5/2012, ông Kerry cũng là một trong năm thượng nghị sỹ Hoa Kỳ lên tiếng quan ngại về tình trạng tự do hàng hải đang bị đe dọa khi Trung Quốc - ASEAN không tìm được kênh giao tiếp hiệu quả và nhấn mạnh tính hệ trọng của UNCLOS đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông.
Có thể gọi có một Phong cách ngoại giao Nguyễn Tấn Dũng là tranh thủ song phương trong đa phương? Hình như ông đã sử dụng một phương tiện, một thông lệ của phương pháp ngoại giao nhưng sáng tạo, hiệu quả theo cách riêng của mình? (gần đây Thủ tướng có cuộc gặp ngắn bên lề với Tổng thống Obama tại Campuchia nhân Hội nghị Cấp cao Đông Á, gặp các yếu nhân Trung Hoa Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường bên lề ASEAN Nam Ninh, gặp Lý Hiển Long nhân ShangriLa...) và lần này với Bộ trưởng Thương mại và Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhân đi dự phiên thảo luận chung khóa 68 tại Đại hội đồng LHQ.
Ông Dũng đã ghi điểm trong cuộc gặp ngắn với Tổng thống Obama ở Campuchia cuối năm ngoái cùng đề nghị rằng trong 12 quốc gia tham gia TPP do Việt Nam phải tiến hành lâu dài cuộc tái thiết khôi phục hậu họa sau các cuộc chiến tranh vệ quốc nên VN là một nước nghèo.
Đề nghị Hoa Kỳ cần có sự linh hoạt ưu tiên để VN sớm hội nhập và phát huy thế mạnh của mình ở sân chơi TPP. Tổng thống Hoa Kỳ đã vui vẻ đồng ý và quay sang các trợ lý cùng Bộ trưởng Thương mại đi theo nói là cần ghi nhớ lời đề nghị đó của VN! Cũng nghe phong thanh, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Brunei sắp tới, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...
Bây giờ nghe ngài ngoại trưởng thông báo với Thủ tướng Việt Nam, Tổng thống Obama cảm ơn Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và tích cực nỗ lực trong tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặc biệt tại vòng đàm phán gần đây tại Brunei và ông cho hay, ông cũng như Tổng thống Mỹ rất hy vọng Hiệp định TPP sẽ sớm được ký kết.
Để ý trong cuộc gặp sáng nay, nhiều việc bàn định và thống nhất giữa Thủ tướng và ngài Ngoại trưởng không hẳn là toàn việc mới.
Có nhiều việc cũ nhưng mang sắc thái khác sinh sắc hơn mà tầm cấp của nhà ngoại giao số Một của Hoa Kỳ mới bàn tiếp và quyết tiếp được? Tỷ như tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là trong vấn đề da cam/dioxin. Phía Hoa Kỳ cần giảm những rào cản trong quan hệ thương mại giữa hai nước và sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường v.v...
Sau cuộc gặp, có chương trình Thủ tướng gặp nhiều tờ báo lớn ở New York và Liên Hiệp Quốc.
Trả lời phóng viên Foreign Policy rằng mối quan hệ Việt - Mỹ có bị lu mờ đi không nếu tháng sau Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Luật nhân quyền về Việt Nam? Thủ tướng đáp ngay rằng văn bản chính thức về sự kiện quan hệ Việt - Mỹ đối tác toàn diện vừa qua có ghi rõ Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị ở Việt Nam.
Với lại đạo luật đó là sự áp đặt can thiệp thô bạo không phản ánh đúng tình hình thực tế của VN. Hoa Kỳ một cường quốc và là quốc gia văn minh không nên ứng xử như thế. Và Thủ tướng cũng không quên nói lại ý của Ngoại trưởng J. Kerry trong cuộc gặp trước đó là nhiều năm nay với cương vị là TNS và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, tôi đã làm cái việc ngăn chặn, bảo vệ cho sự thật. Cũng như sắp tới tôi cũng sẽ làm như thế.
Cởi mở, thành thực, thẳng thắn... Âm hưởng chủ đạo ấy xuyên suốt cuộc gặp. Và cả chủ lẫn khách dường như không để ý thời gian cho cuộc gặp đã kéo dài thêm hơn hai mươi phút.
Nếu tập hợp việc làm và nghĩa cử vì Việt Nam na ná như Hồ sơ Việt Nam của Ngoại trưởng J. Kerry thì cuộc gặp tháng 7/2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và sáng nay với Thủ tướng Việt Nam dường như đương nối dài thêm bộ hồ sơ tử tế ấy?
New York 27/9/2013