Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Ổ dịch nằm trên địa bàn xã Trạm Hành
Ổ dịch nằm trên địa bàn xã Trạm Hành
TPO - Hơn 10 ngày nay, ngày nào cũng có thêm nhiều người mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch Công ty TNHH Sợi Đà Lạt. Hiện đã có 126 ca bệnh nhưng chưa xác định được nguồn lây.

Ngày 16/8, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết mới phát hiện thêm 6 ca mắc COVID-19 liên quan ổ dịch tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt; trong đó nhân viên và công nhân công ty 46 ca, cộng đồng, lây nhiễm thứ phát 80 ca.

Các địa bàn có người nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến ổ dịch là xã Trạm Hành (Đà Lạt) với 71 ca, xã Xuân Trường (Đà Lạt) 39 ca và huyện Đơn Dương 16 ca.

Trước đó, ngày 5/8, T.T.K.H (Công ty TNHH Sợi Đà Lạt) bị ho, sốt; kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Hôm sau, có thêm nhiều người mắc COVID-19 tại công ty này nên UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với xã Trạm Hành (nơi Công ty Sợi đứng chân) và xã lân cận là Xuân Trường.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 1

Nhiều khu vực lập tức bị cách ly y tế

Sở Y tế Lâm Đồng điều động ngay 50 cán bộ y tế của CDC Lâm Đồng, Trung tâm Y tế các huyện Lạc Dương và Lâm Hà đến hỗ trợ lực lượng y tế của TP.Đà Lạt “trực chiến” tại 2 xã với hơn 12.300 nhân khẩu nói trên, đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ để phát hiện, bóc F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 2

Tăng cường lực lượng cán bộ y tế đông đảo phòng chống dịch

Suốt ngày đêm, cán bộ, nhân viên y tế phối hợp với lực lượng chức năng địa phương chia thành 10 tổ dầm mưa, rọi đèn pin đến các thôn xóm, len lỏi trên đường đất lầy lội, trơn trượt tìm tới các chòi canh rẫy để truy vết, cách ly, khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm. Mồ hôi hòa lẫn nước mưa ướt đẫm người.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 3

Cán bộ y tế lặn lội vào vùng sâu vùng xa truy vết F1, F2

Theo thạc sĩ Mai Ngọc Trung (Phó Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm của CDC Lâm Đồng), mỗi khi có mẫu xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, lực lượng y tế lập tức chia tổ truy vết F1, F2 bất kể ngày đêm, mưa gió; nhiều khi bỏ dở bữa ăn.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 4

Đội mưa đi dập dịch

Kết quả, lực lượng chức năng đã test nhanh SARS-CoV-2 cho hơn 10.000 người; truy vết 640 F1 và 900 F2; xét nghiệm RT-PCR cho 13.546 trường hợp, qua đó phát hiện 126 người mắc COVID-19. Đến nay đã có gần 100% cán bộ, người dân địa phương và toàn bộ công nhân của 9 doanh nghiệp trên địa bàn được xét nghiệm.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 5

Lấy mẫu xét nghiệm

Suốt 10 ngày qua, tiếng chó sủa ầm ĩ khắp làng quê vốn rất yên bình ở nơi xa xôi nhất của TP.Đà Lạt. Tiếng còi hú inh ỏi của xe cứu thương chở F0 đến bệnh viện và chở F1 đi cách ly tập trung náo động trên các tuyến đường từ ngoại ô đến trung tâm thành phố.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 6

Lập chốt kiểm soát trên đường vào xã Xuân Trường

Nơi đóng quân của lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại xã Trạm Hành và Xuân Trường là hệ thống nhà hàng - Khách sạn Thảo Uyên của hai vợ chồng Nguyễn Văn Trí (54 tuổi) - Nguyễn Thị Ngọc Thảo (50 tuổi). Chị Thảo tâm sự: Dịch ập đến quá nhanh, giãn cách cấp tốc nên nhiều người gặp khó khăn. Vì mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh, vợ chồng tôi tình nguyện trao chìa khóa 32 phòng khách sạn cho lực lượng y tế phòng chống dịch ở miễn phí; thiếu giường thì trải nệm trên sàn nhà.

Hàng ngày, nhà hàng của chị Thảo nấu 3 bữa ăn miễn phí đảm bảo đủ dinh dưỡng với 60 suất ăn/lần cho lực lượng chức năng. “Các cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm nên chúng tôi hỗ trợ tối đa để đảm bảo sức khỏe cho họ”, chị Thảo chân tình nói.

Ngoại ô Đà Lạt 'căng mình' với ổ dịch COVID-19 lớn nhất Tây Nguyên ảnh 7

Gia đình chị Thảo chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ người dân địa phương

Ngoài ra, vợ chồng chị Thảo còn hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, trứng gà, dầu ăn… trị giá hơn 100 triệu đồng cho người dân vùng phong tỏa, giãn cách, các bếp ăn từ thiện, chùa và nhà thờ trên địa bàn.

MỚI - NÓNG