Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam

Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam
Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam
TPO - Đó là một trong những kết luận của Báo cáo phân tích ngành giáo dục (giáo dục phổ thông) vừa được công bố sáng 19/9 tại Diễn đàn giáo dục 2017 do Viện Khoa học Giáo dục và Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức.

Theo báo cáo, kết quả đánh giá định kỳ cấp quốc gia đối với một số lớp đầu cấp và cuối cấp học như lớp 5, 6, 9, 11 nhằm theo dõi sự thay đổi về kết quả học tập của học sinh cho thấy, về tổng thể, tính trung bình, học sinh đều đạt được các chuẩn kiến thức - kĩ năng ở mức trên 50% ở các môn học.

Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với khu vực nông thôn và thành thị. Tỷ lệ học sinh dân tộc thường đạt chuẩn ở các môn học thấp hơn học sinh dân tộc Kinh.

Ngoài ra, kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các môn học. So sánh kết quả giữa các môn học thì ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh Việt Nam. Đây chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ về mặt kinh tế và thương mại.

Từ kết quả nghiên cứu tại 3 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát về việc triển khai hoạt động dạy học và phát triển năng lực ở một số lĩnh vực như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác cho thấy, công tác chỉ đạo dạy học phát triển năng lực học sinh đã và đang được triển khai khá mạnh mẽ dưới nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị các điều kiện cho dạy và học phát triển năng lực cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo tính hiệu quả và xuyên suốt.

Cụ thể, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện dạy và học phát triển năng lực vẫn chưa tương thích với phương pháp mới. Giáo viên vẫn tập trung nhiều vào việc cung cấp kiến thức cho học sinh, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Áp lực thi cử cũng là rào cản đối với đổi mới phương pháp dạy học. Tâm lý và nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh vẫn nặng về thành tích điểm số.

Nhiều kiến nghị với giáo dục phổ thông

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, báo cáo phân tích ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015 tập trung vào giáo dục phổ thông được thực hiện nhằm cung cấp kịp thời các minh chứng hỗ trợ Bộ GD&ĐT sơ kết thực hiện giai đoạn 1 (2011-2015) của Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, đề xuất, khuyến nghị về định hướng và giải pháp thực hiện giai đoạn tiếp theo của chiến lược.

Thứ trưởng khẳng định, kết quả phân tích ngành đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, báo cáo đã đưa ra được 3 khuyến nghị quan trọng.

Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đặc biệt là cho các đối tượng thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo.

Thứ hai, đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau trung học; đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học.

Thứ ba, đổi mới quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong phát triển giáo dục. 

Theo Thứ trưởng, sau Diễn đàn này, những phản hồi từ chuyên gia, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ được tiếp thu nhằm hoàn thiện kết quả báo cáo phân tích ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015, đồng thời, đưa ra được những định hướng và giải pháp liên quan đến giáo dục phổ thông cho giai đoạn thứ hai (2016-2020) của Chiến lược phát triển giáo dục, nhằm đạt được mục tiêu 4 về phát triển bền vững là “đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.