Ngoại giao quan trọng nhất là giữ được hòa bình, ổn định

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu dự lễ đặt lẵng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Mátxcơva (Nga) ngày 8/5/2015. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu dự lễ đặt lẵng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Mátxcơva (Nga) ngày 8/5/2015. Ảnh: TTXVN.
TP - Nhân dịp 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn độc quyền báo Tiền Phong về hiệu quả của đường lối, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Các chiến lược biến hóa từng thời kỳ

Xin Thứ trưởng cho biết hiệu quả của đường/ lối đối ngoại dựa trên tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh 70 năm qua, đặc biệt trong tình hình quốc tế và khu vực phức tạp, khó lường hiện nay?

Những điểm căn bản nhất của tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nền tảng của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong suốt 70 năm qua bao gồm: lợi ích quốc gia-dân tộc; độc lập, tự chủ; “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất của đối ngoại. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, giữ vững nguyên tắc, xử lý linh hoạt là nghệ thuật ứng xử.

Chính thành tựu đối ngoại 70 năm qua là thước đo tính hiệu quả của đường lối ấy và tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm đẫm trong mỗi chặng đường, mỗi thành tựu của Ngoại giao Việt Nam. Khi Cách mạng tháng Tám mới thắng lợi, ngoại giao đã triển khai thành công chiến lược “hòa để tiến”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngoại giao đã kiên trì chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. 

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Ngoại giao quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng “làm bạn và đối tác” với tất cả các nước - một sự phát triển mới trong tư duy “làm bạn với các nước, không gây thù chuốc oán với ai” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ năm 1945. Đồng thời, Ngoại giao còn kiên trì quan điểm “đối tác, đối tượng” trong quan hệ quốc tế và “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), từ đó linh hoạt ứng xử trong các tình huống và hoàn cảnh cụ thể.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng đường lối trên vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ có kiên định lợi ích quốc gia, kiên định độc lập tự chủ thì mới đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu đối ngoại. 

Những bài học ứng xử khéo léo, tinh tế trong quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, “biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến” mang đậm tư tưởng và nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Ngoại giao Việt Nam đã được lịch sử kiểm chứng suốt 70 năm qua và còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời nói lên tiếng nói của hòa bình và hợp tác, đối thoại thay cho đối đầu, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các lợi ích chính đáng của đất nước.

Ngoại giao quan trọng nhất là giữ được hòa bình, ổn định ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi.

Bước đột phá về tư duy đối ngoại đa phương

Việt Nam đã thay đổi tư duy đối ngoại đa phương, chuyển từ tham gia sang chủ động đóng góp, xây dựng luật chơi chung. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Đối ngoại đa phương có thể hiểu là các hoạt động tại các tổ chức, diễn đàn đa phương và cả các hoạt động liên quan. Xét từ góc độ pháp lý, nó bao gồm việc chấp nhận, áp dụng “luật chơi” và “xây dựng luật chơi” chung.

“Tư tưởng và nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Ngoại giao Việt Nam đã được lịch sử kiểm chứng suốt 70 năm qua vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi

Từ sau Đổi mới, đối ngoại đa phương là một mũi quan trọng trong chiến lược phá bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Từng bước, chúng ta trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977, thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (EU) năm 1990, gia nhập ASEAN năm 1995, trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 1998… 


Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có tất cả các tổ chức và định chế thương mại, tài chính chủ chốt ở khu vực cũng như trên thế giới. Trong quá trình đó, chúng ta vừa “tham gia” với nghĩa là chấp nhận và áp dụng luật chơi, và từng bước tham gia “xây dựng” luật chơi thông qua đưa ra các sáng kiến, tích cực đóng góp vào quá trình điều chỉnh luật chơi hiện hành và hình thành các luật chơi mới. 

Từ Đại hội XI, hội nhập quốc tế đã trở thành định hướng lớn khi Ðảng ta xác định chuyển từ chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Nghị quyết 22 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã nêu rõ “chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.

Có thể nói, chủ trương này thể hiện rõ bước đột phá về tư duy đối ngoại đa phương, chuyển mạnh từ “tham gia” sang “chủ động đóng góp, xây dựng luật chơi chung”, để qua đó đối ngoại đa phương đóng góp hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của đất nước. Chủ trương này cũng nhằm nâng tầm đối ngoại đa phương trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn phát triển mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Trong suốt 70 năm qua, những bài học ngoại giao nào đã được rút ra để Việt Nam ứng xử hiệu quả hơn trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ…?

Trong lịch sử 70 năm phát triển của ngoại giao nói riêng và lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Ngoại giao Việt Nam luôn thấm nhuần tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh và coi đây là kim chỉ nam trong ứng xử với tất cả các đối tác, nhất là các nước lớn.

 Các bài học lịch sử 70 năm qua, đặc biệt là các bài học về kiên định “lợi ích quốc gia-dân tộc”, coi lợi ích quốc gia-dân tộc vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc tối thượng của đối ngoại; giữ vững độc lập, tự chủ; “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong xử lý các vấn đề đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại luôn là cẩm nang cho những người làm công tác đối ngoại như chúng tôi.

Chúng ta thời nào cũng phải đối diện những thách thức rất lớn về đối ngoại, thời nào cũng bị tác động với các nước lớn và quan hệ giữa các nước lớn. Chỉ có giữ vững độc lập-tự chủ, xử lý khôn khéo, linh hoạt trong mọi tình huống, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để nhân lên sức mạnh của dân tộc mình thì mới bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nhiệm vụ quan trọng nhất

Theo ông, nhiệm vụ khó nhất và quan trọng nhất của ngành ngoại giao Việt Nam hiện nay là gì?

Tôi xin trả lời ngắn gọn thôi. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo các điều kiện thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia - dân tộc. 

Cái khó là chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ đó trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh, phức tạp và khó dự đoán. Nhưng, điều quan trọng là chúng ta biết rõ khó khăn, thách thức, chấp nhận thử thách để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Lịch sử 70 qua một lần nữa chứng minh, dân tộc Việt Nam luôn biết cách tận dụng mọi thời cơ, dù là nhỏ nhất để vượt qua thách thức, để tồn tại và phát triển. Ngay cả trong những thời khắc vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Nhà nước ta cũng đề ra những quyết sách đúng đắn, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Các thế hệ cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại hôm nay kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh 70 năm qua, sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ là người “chiến sỹ” đi đầu trong nhiệm vụ tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời bình.

Cảm ơn ông. 


MỚI - NÓNG