Trong khuôn khổ hợp tác Nga - Venezuela trong lĩnh vực này, các điệp vụ (cử máy bay chiến đấu) như thế không bị loại trừ trong tương lai, như đã diễn ra, thuận theo các quy tắc và luật lệ quốc tế”, ông Zaemsky nói.
Đại sứ Vladimir Zaemsky cũng bác bỏ các tin tức nói rằng Nga có kế hoạch đặt căn cứ quân sự ở Venezuela.
Đầu tháng 12 này, hai chiếc Tu-160, một chiếc An-124 vận tải quân sự của quân đội Nga đã tới Venezuela tập trận chung với không quân nước này.
Trước đó, trong tháng 11, nhiều máy bay ném bom chiến lược của Nga đã hạ cánh tại Venezuela, khiến nhiều tờ báo ở Nam Mỹ đồn đoán Nga sẽ mở căn cứ quân sự ở đây.
Ngay khi hai chiếc máy bay ném bom hạng nặng, siêu thanh Tu-160 có khả năng hạt nhân của Nga tới Venezuela, các quan chức Mỹ đã lập tức “sôi sục”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi động thái này là của “hai chính phủ tham nhũng lãng phí tiền dân, đạp lên tự do trong khi dân chúng khổ sở”.
Nhưng bỏ qua những ngôn từ ngoại giao hoặc bóng bẩy hoặc chụp mũ, động thái của Nga nên được hiểu như thế nào? Trên tạp chí Time của Mỹ, Miriam Lanskoy, chuyên gia về Nga và châu Á cho rằng chuyến viếng thăm của “những con Thiên Nga Trắng” (biệt danh của oanh tạc cơ Tu-160) tới thủ đô Caracas là lời nhắc nhở nước Mỹ rằng Nga vẫn có thể thể hiện sức mạnh quân sự ở Tây Bán cầu. “Tôi không biết việc này có tạo nên mối đe dọa quân sự hay không, nhưng đó là thông điệp về năng lực vươn tới mọi nơi trên thế giới của Nga”, chuyên gia Lanskoy nói.
Oanh tạc cơ Tu-160 được sản xuất vào thời kỳ cuối Chiến tranh lạnh và là một trong những máy bay ném bom chiến lược tiên tiến nhất thế giới. Chúng có khả năng bay nhanh gấp hai lần âm thanh, mang theo các loại bom công ước, các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn khoảng 5.500km. Chưa có thông tin liệu các máy bay Nga tới Venezuela có mang theo vũ khí hay không.
Nga và Venezuela có mối quan hệ quân sự trong nhiều thập kỷ qua. Venezuela mua chiến đấu cơ, xe tăng, các loại trang thiết bị quân sự từ Nga với tổng trị giá 12 tỷ USD, theo số liệu của tạp chí Americas Quarterly.
Các máy bay Nga xuất hiện tại Venezuela trong khi Mỹ tuyên bố đang lên kế hoạch rút ra khỏi hiệp ước hạt nhân tầm trung INF, hạn chế cả Nga và Mỹ mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
“Nga muốn nói với Mỹ rằng: Nghe này, nếu các ông rút khỏi (INF) và hành động ở châu Âu, chúng tôi sẽ có hành động (ở châu Mỹ)”, Diego Moya-Ocampos, một nhà phân tích người Venezuela nói.
Về phía Venezuela, với một nền kinh tế suy sụp, người dân thiếu lương thực và thuốc men, trong khi Mỹ và một số nước láng giềng luôn hăm he lật đổ chính quyền ở Caracas, việc thắt chặt quan hệ với Nga là rất cần thiết.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng sẽ có đối tác quan trọng để có thể “dằn mặt” những đối thủ tiềm tàng trong quân đội, rằng ông đang có “những người bạn hùng mạnh” ở Moscow.
Tuy nhiên, một căn cứ quân sự của Nga tại Venezuela, trong mắt một số nhà quan sát, là điều ít khả thi. Từ thủ đô Caracas của Venezuela tới điểm gần nhất của nước Mỹ là Miami dài gần 2.300km.
Một căn cứ của Nga sẽ đòi hỏi nhiều hơn rất nhiều nếu so với chỉ vài chuyến bay viếng thăm của oanh tạc cơ chiến lược, từ nhân sự đến thiết bị, hậu cần…Một căn cứ không quân còn cần tới hệ thống phòng không, kho xăng dầu, linh kiện, và tất nhiên là cả kho bom đạn.
Vì thế, có thể nói rằng những gì Đại sứ Nga Zaemsky phát biểu là hoàn toàn có cơ sở.